Hôm nay (19/5), người dân Iran đi bỏ phiếu để bầu chọn Tổng thống mới trong nhiệm kì 4 năm tới. Mặc dù có 4 ứng cử viên Tổng thống, nhưng cuộc bầu cử lần này được cho là cuộc đua chính thức giữa Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani và giáo sĩ theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi.
Việc 2 ứng cử viên hàng đầu có lập trường chính trị khác nhau cho thấy kết quả cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ mang tính chất quyết định chính sách trong nước cũng như ngoại giao của quốc gia Hồi giáo này trong tương lai.
Có khoảng hơn 54 triệu cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Bộ Nội vụ Iran cho biết, 63.500 điểm bỏ phiếu được mở cửa trên cả nước, bắt đầu lúc 8h giờ sáng và đóng cửa vào lúc 18h giờ địa phương.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử trước đó đều cho thấy phải kéo dài thời gian bỏ phiếu do lượng cử tri đi bỏ phiếu đông vào cuối ngày.
Kết quả bầu cử sớm dự kiến có vào sáng mai (20/5). Có 6 ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống nhưng 2 ứng cử viên đã rút lui vào đầu tuần này. Chính vì vậy, cuộc bầu cử hôm nay được cho là cuộc đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống Rouhani và Giáo sĩ Raisi.
Sau hơn một năm thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc có hiệu lực, tỉ lệ thất nghiệp tại quốc gia này hiện ở mức 10,7% . Trong năm 2016, Tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 4,5%, phục hồi so với mức năm 2014 sau khi giảm 0,4% trong năm 2015 .
Với hai ứng cử viên hàng đầu có định hướng khác nhau trong việc thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế được cho là yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu của các cử tri Iran hôm nay. Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani hiện thân cho đường lối cải cách và mở cửa, ôn hòa về tôn giáo và gắn kết với thế giới bên ngoài.
Trong nhiệm kỳ 4 năm qua, Iran đã đạt được nhiều thành quả quan trọng với việc kí kết thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, giúp nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Nếu ông Rouhani tái đắc cử, quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập sẽ có cơ hội được tiếp tục. Chính vì vậy, đối với nhiều các cử tri trẻ, đặc biệt là những người dân Iran thành thị, thì ông Rouhani là lựa chọn duy nhất.
Giáo sư Hasan Khani thuộc trường đại học Imam Sadiq tại Tehran nhận định: "Ông Rouhani sẽ phải đối mặt với một cuộc đua thực sự với các đối thủ. Tuy nhiên, ông có nhiều lợi thế. Theo tôi chính sách ngoại giao là một trong những lợi thế của ông Rouhani .
Ông đang cố gắng giải quyết vấn đề hạt nhân theo cách làm thế nào để giảm bớt những căng thẳng với thế giới bên ngoài, thậm chí là bóng ma của một cuộc chiến trong xã hội Iran".
Tuy nhiên, Đương kim Tổng thống Iran cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ các đối thủ theo đường lối bảo thủ do vấn đề kinh tế đình trệ kéo dài. Theo họ, phần lớn người dân Iran vẫn không cảm nhận được lợi ích kinh tế mà ông Rouhani đã hứa khi thỏa thuận được ký kết.
Cam kết tăng gấp 3 lần trợ cấp cho người nghèo và tạo thêm 1,5 triệu việc làm của ứng cử viên Raisi đang nhận được sự ủng hộ của lực lượng bảo thủ cứng rắn ở Iran, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo, chiếm tỉ lệ khá cao trong số cử tri Iran.
Một cử tri Iran bày tỏ: "Chúng tôi cần một Tổng thống có thể hiểu được nỗi khó khăn của người dân và có thể giải quyết vấn đề thất nghiệp. Tôi hi vọng có thể lựa chọn một Tổng thống có thể đối phó và xóa bỏ tham nhũng cũng như nghèo đói".
Không chỉ định hình chính sách trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ quyết định các chính sách ngoại giao của Iran, đặc biệt trong các mối quan hệ với phương Tây.
Theo khảo sát cuối cùng trước thềm bầu cử , ông Rouhani nhận được 60% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm nay. Nếu không ai giành được hơn 50% số phiếu bầu, một cuộc bầu cử vòng 2 sẽ được tổ chức vào tuần tới.
Bầu cử Tổng thống ở Iran luôn được đánh giá là một cuộc bầu cử khó định đoán đến phút chót. Chiến thắng cho ông Rouhani sẽ là chiến thắng của phe ôn hòa, đồng thời là phép thử 4 năm cầm quyền vừa qua có thực sự làm hài lòng người dân Iran hay không.
Câu hỏi quan trọng hiện nay đó là liệu người dân Iran có tiếp tục ủng hộ cho chương trình ôn hòa của ông Rouhani hay sẽ lựa chọn một Tổng thống theo đường lối cứng rắn, có thể đảo ngược hoàn toàn các chính sách hiện hành./.