Cuộc bầu cử Tổng thống sớm ở Iran sau cái chết của cựu Tổng thống Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5/2024 đang diễn ra đầy kịch tính. Cuộc chạy đua căng thẳng giữa nhà cải cách Masoud Pezeshkian và nhân vật bảo thủ Saeed Jalili tại vòng 1 chưa phân thắng bại. Cuộc đọ sức sẽ được giải quyết tại vòng hai ngày 5/7/2024. Cuộc cạnh tranh sẽ hết sức khốc liệt.
Kết quả bỏ phiếu ngày 28/6/2024
Ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ Iran đã công bố kết quả cuối cùng của vòng bầu cử Tổng thống được tổ chức ngày 28/6/2024. Chỉ có 24,5 triệu trên tổng số 61 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu, tức khoảng 40%, mức thấp nhất trong lịch sử kể từ Cách mạng Hội giáo thắng lợi năm 1979.
Theo kết quả kiểm phiếu, ông Masoud Pezeshkian - cựu bác sĩ phẫu thuật tim, đồng thời là cựu Bộ trưởng y tế, ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách đã về thứ nhất với 10.415.991 phiếu, chiếm 42,11%.
Trong khi đó, cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân theo đường lối bảo thủ Saeed Jalili về thứ hai với 9.473.298 phiếu (38,3%). Đương kim Chủ tịch Quốc hội theo đường lối bảo thủ Mohammad Baqir Qalibaf về thứ ba với 3.383.340 phiếu và giáo sĩ Mostafa Pourmohammadi về cuối cùng khi chỉ giành được 206.397 phiếu.
Như vậy, không ai trong số 4 ứng cử viên giành được số phiếu quá bán. Theo quy định của hiến pháp Iran, bầu cử vòng hai sẽ được tổ chức ngày 5/7/2024 giữa 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất là Masoud Pezeshkian theo chủ nghĩa cải cách và Saeed Jalii theo đường lối bảo thủ.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Iran phải tiến hành bầu cử Tổng thống vòng hai. Năm 2005, Mahmoud Ahmadinejad theo đường lối cứng rắn đã đánh bại cựu Tổng thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani.
Đáng chú ý là số người không tham gia bầu cử lên tới 60%, mặc dù trước đó hai tuần chính quyền và lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei đã phát động một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi kêu gọi người dân đi bỏ phiếu đầy đủ.
Một số nhận xét về kết quả bầu cử
Cựu nhà ngoại giao Iran Fereydoun Majlisi coi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp là một tổn thất đối với chính quyền, chứng tỏ nhiều người không còn tin vào cam kết của các ứng cử viên đưa ra trong một số cuộc bầu cử trước đây.
Điều này thể hiện rõ qua việc số phiếu bầu cho các ứng cử viên bảo thủ lần này giảm đáng kể so với cuộc bầu cử trước đó, mặc dù chính quyền đã tổ chức tuyên truyền rầm rộ và hàng triệu người đã xúc động và tỏ lòng thương tiếc Tổng thống theo đường lối bảo thủ Ebrahim Raisi qua đời trong vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5/2024 vừa qua.
Trong khi đó, số phiếu bầu cho ông Pezeshkian theo chủ nghĩa cải cách lại tăng mạnh bất chấp phe cải cách gặp nhiều khó khăn trong những năm qua.
Ông Majlisi nhận định rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của các chính sách bảo thủ trong nước, cán cân quyền lực của các phong trào chính trị ở Iran đang thay đổi và người dân Iran cũng đang mong muốn có sự thay đổi.
Ngược lại, ông Ahmed Dastmaljian - cựu đại sứ Iran tại Jordan và Lebanon - không đòng ý với quan điểm của ông Majlisi rằng kết quả bầu cử chứng tỏ thất bại của phe bảo thủ. Theo ông, tổng số phiếu bầu của hai ứng cử viên bảo thủ Jalili và Qalibaf đã vượt quá số phiếu của ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách và việc phải tổ chức bầu cử vòng hai là do thiếu liên minh giữa các ứng cử viên của Mặt trận Cách mạng.
Theo ông Dastmaljian, vòng bầu cử vừa qua cho thấy khả năng Iran vượt qua được thách thức, khi đã ngăn chặn được hậu quả của tình trạng không có Tổng thống và tổ chức bầu cử thành công chỉ trong vòng 40 ngày.
Ông cho rằng nguyên nhân tỷ lệ tham gia bỏ phiếu giảm là do tổ chức vội vàng và rút ngắn thời gian của các chiến dịch truyền thông xuống chỉ còn 2 tuần, chưa kể các cuộc bầu cử Tổng thống trước đó được tổ chức đồng thời với các cuộc bầu cử hội đồng thành phố, nơi chúng nhận được sự quan tâm lớn ở các thành phố và nông thôn.
Ông Dastmaljian nói thêm, do thời tiết quá nóng nên nhiều cử tri không tham gia, rất đông người xếp hàng dài trước các điểm bỏ phiếu đến nửa đêm, nhưng luật pháp không cho phép thời gian bỏ phiếu kéo dài hơn nữa.
Dastmaljian tin rằng sự thất bại của các ứng cử viên bảo thủ là điều bình thường do những bất đồng đã gây ảnh hưởng đến hai cực của phong trào. Ông kỳ vọng liên minh của họ trong vòng hai sẽ nâng số phiếu bầu cho ứng cử viên bảo thủ vào 5/7 tới.
Cuộc đọ sức giữa Pezeshkian và Jalili tại vòng hai, ai sẽ thắng?
Hai ứng cử viên Tổng thống Iran, Saeed Jalili và Masoud Pezeshkian sẽ tham gia vòng hai, sau khi cả hai đều không thể giành được hơn 50% số phiếu. Đây sẽ là cuộc đọ sức thu hút sự quan tâm của cử tri và số người tham gia bỏ phiếu dự kiến sẽ tăng nhiều so với vòng một.
Các nhà phân tích chính trị am hiểu tình hình Iran cho rằng, những người bảo thủ đã “đánh rơi mất chiến thắng”, vì nếu họ đoàn kết ủng hộ một ứng cử viên, thì Jalili hoặc Qalibaf đã giành được khoảng 12,85 triệu phiếu chiếm hơn 51% và chiến thắng ngay từ vòng đầu. Nhưng họ đã đưa ra hai ứng cử viên cạnh tranh với nhau, số phiếu bầu đã bị phân tán.
Ông Jalili (58 tuổi) là một chính trị gia và nhà ngoại giao bảo thủ. Ông bắt đầu vào làm việc tại Bộ Ngoại giao năm 1989 và đã từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Mỹ.
Ông là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (2007 - 2013), hiện là thành viên của Hội đồng Biện pháp khẩn cấp và được coi là một trong những nhà đàm phán nổi bật nhất về hồ sơ hạt nhân Iran.
Jalili đã tham gia chiến tranh Iran - Iraq với tư cách là một người lính trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Ông có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị và giảng dạy tại Đại học Imam Sadiq, đồng thời được coi là một trong 500 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế giới Hồi giáo.
Jalili đã tham gia tranh cử Tổng thống năm 2013 và năm 2017. Trong cuộc bầu cử năm 2021, ông đã rút lui để dành phiếu cho Ebrahim Raisi. Ông chống lại quan hệ với các nước phương Tây và cho rằng Iran không nên đàm phán gia hạn thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với các nước P5+1. Ông nhiều lần tuyên bố Tehran cần bảo vệ “quyền sở hữu hạt nhân” của mình.
Ông Pezeshkian (69 tuổi) là người gốc Azerbaijan, tốt nghiệp Đại học Y Tabriz, bác sĩ phẫu thuật tim, cựu Bộ trưởng Y tế (2001 - 2005) dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami, nghị sĩ Quốc hội và giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất của Hạ viện. Ông là ứng cử viên duy nhất đại diện cho phe cải cách.
Ông Pezeshkian từng tham gia tranh cử Tổng thống năm 2013 nhưng đã rút lui. Sau đó, ông tái tranh cử năm 2021 nhưng bị loại.
Ông Pezeshkian chủ trương nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, cải thiện quan hệ với phương Tây và xây dựng mối quan hệ với Mỹ. Năm 2022, Pezeshkian chỉ trích chính quyền thiếu minh bạch trong việc báo cáo các tình tiết liên quan đến cái chết của người phụ nữ Iran Mahsa Amini bị bắt ngày 13/9/2022 vì tội vi phạm luật khăn trùm đầu.
Ông hứa sẽ xem xét hành vi của cảnh sát đạo đức, vốn áp đặt quy định quá nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ, ông gọi đó là "vô đạo đức".
Pezeshkian được sự ủng hộ đông đảo của tầng lớp sinh viên, giới trẻ và những người theo xu hướng cải cách, đặc biệt trong đó có cựu Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Nhiều cử tri Iran không tham gia bỏ phiếu vòng một có thể sẽ tham gia vòng hai. Những người này sẽ bỏ phiếu cho ông Jalili hoặc Pezeshkian và ai thu hút được số phiếu của các cử tri này sẽ giành thắng lợi.
Nếu tỷ lệ tham gia bỏ phiếu vẫn như vòng một (khoảng 40%), ông Jalili sẽ có cơ hội thắng vì số người ủng hộ Qalibaf sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho ông. Vòng tới sẽ quyết định người theo chủ nghĩa cải cách hay bảo thủ trở thành người lãnh đạo đất nước.
Các lực lượng bảo thủ chiếm ưu thế tuyệt đối, nắm hầu hết các bộ máy quan trọng nhất của chính quyền như Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, Tổng thống Ebrahim Raisi, Phó Tổng thống Thứ nhất Mohammad Mokhber, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Qalibaf, Chánh án Tòa án Tối cao Gholam-Hossein Mohseni-Eje'i, Hội đồng Lợi ích Quốc gia, Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp, Hội đồng Tư vấn Hồi giáo, Hội đồng Giáo sĩ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC)...
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021, ông Ebrahim Raisi - nhân vật cực kỳ bảo thủ- đã giành được hơn 19 triệu phiếu trên tổng số 23 triệu cử tri và giành thắng lợi lớn ngay trong vòng đầu.
Những người theo chủ nghĩa cải cách cũng có ảnh hưởng lớn ở Iran. Họ đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016, sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015.
Sau đó, ông H. Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 với hơn 57% số phiếu. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, đa số người Iran có thể sẽ bỏ phiếu cho Pezeshkian.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Iran ngày càng bị lôi cuốn vào cuộc xung đột và khả năng Donald Trump - người có lập trường chống Iran mạnh - quay trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, cũng như khả năng ra đi của Lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei đã 85 tuổi lại đang bị bệnh hiểm nghèo. Đó là chưa kể đến những khó khăn kinh tế hết sức trầm trọng.
Do vậy, nhân vật nào chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Iran cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức vô cùng to lớn.
Không thể dự đoán chính xác người đắc cử là ai. Bất cứ ai lên làm Tổng thống cũng sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Teheran. Quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay nhà lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại và chính sách hạt nhân.