Chiều 20/5, Hội đồng bầu cử Quốc gia họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, tổng số tổ bầu cử trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay là 91.476 tổ với tổng số cử tri cả nước là 69.265.810 người.
Hiện nay, các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri.
Liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận được nhiều đơn thư của công dân.
Trong những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử; nhiều đơn thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lắp.
Một số trường hợp lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây đã được giải quyết.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết.
Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy định, thủ tục của pháp luật về bầu cử.
"Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cả các tỉnh, TP", ông Phúc nói.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau ngày 12/5 mà vẫn còn có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử thì Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngừng giải quyết 10 ngày trước ngày bầu cử.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cũng theo ông Phúc, theo đề nghị của Uỷ ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm.
Tính đến ngày 20/5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hoà, Đắk Lắk tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được ấn định.
Một điểm mới trong cuộc bầu cử lần này theo ông Phúc là theo quy định tại điều 73 Luật bầu cử phóng viên báo chí sẽ được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu tại các điểm bầu cử.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết thêm, với điểm mới này, Bộ đã có công văn gửi cho các cơ quan báo chí để hướng dẫn.
Đối với Trung ương sẽ đăng ký với Văn phòng Quốc hội, các địa phương sẽ đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông Phúc cho hay, ngay sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử ĐBQH, Uỷ ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH kèm theo danh sách những người trúng cử.
Đồng thời, kèm theo các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng bầu cử Quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH trong cả nước (chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử).
Căn cứ kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, Hội đồng bầu cử Quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khoá XIV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khoá mới về kết quả xác nhận tư cách ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên.
Công việc đối với HĐND các cấp sau ngày bầu cử, trình tự, thủ tục cũng thực hiện tương tự như vậy theo quy định tại các điều 85, 86, 87 và 88 của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
PV Báo Tuổi trẻ: Hành vi bầu hộ, bầu thay sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo Luật quy định không cho phép bầu hộ, bầu thay nên nếu bầu hộ, thay là vi phạm quy định của pháp luật và tùy theo từng mức độ để xử lý.
Tôi đề nghị trong việc này, báo chí cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu, đi bầu vì đây là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với đất nước, không nên bầu hộ, bầu thay.
PV Báo Tuổi trẻ: Khi đi tiến hành vận động, các ứng viên đều đưa ra rất nhiều lời hứa. Vậy việc giám sát việc thực hiện lời hứa sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trong quá trình vận động, các ứng cử viên đều cam kết thực hiện khi trúng cử, khi cam kết trước cử tri và cử tri giám sát nếu trúng cử.
Chính cử tri giám sát điều này, trong 1 năm có 4 lần tiếp xúc cử tri và cuối năm ĐBQH báo cáo trước cử tri những việc đã làm trong 1 năm và hoạt động trên nghị trường, cử tri sẽ lắng nghe ĐBQH hoạt động như thế nào, diễn đàn thông tin cũng rất mở.
Cử tri có nhiều kênh để giám sát, chứ không phải UBTVQH.
PV Báo Nông nghiệp: Có ứng cử viên đại biểu QH trong khóa này có vấn đề liên quan đến xác minh và các cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý không?
Ông Trần Văn Túy (Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội): Cho đến nay, trong tất cả 870 ứng viên công bố đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Trong vận động bầu cử đều công khai, minh bạch thì đến nay chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của cử tri, nhân dân đối với các ứng viên ĐBQH.
Hãy tin tưởng sự sàng lọc, nhận xét, đánh giá theo quy trình rất chặt chẽ và ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng bầu cử quốc gia.
PV Báo Vietnamnet: Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh có đưa ra kiến nghị, các nhà mạng nhắn tin vận động cử tri đi bầu với nội dung lịch sự. Hội đồng bầu cử Quốc gia đánh giá như thế nào về việc này?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Chúng tôi chưa nhận được kiến nghị của Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh còn nếu có chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà mạng nhắn tin để khuyến khích người dân đi bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.
PV Vneconomy: Theo dõi tại đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Yên Bái, trong 5 ứng viên có một ủy viên Bộ Chính trị, một thành ủy viên và ba nông dân làm ruộng cùng sinh năm 1990, ở cùng thôn, cùng xã. Nếu cả ba người nông dân này cùng trúng thì ra sao?
Ông Trần Văn Túy: Việc lập danh sách các ứng cử viên là theo quy trình chặt chẽ do các cơ quan của địa phương, hiệp thương lựa chọn. Tuy nhiên, phải hiểu Quốc hội mang tính chất đại diện, tính đến cơ cấu, thành phần, giới, dân tộc.
Cho nên những ứng viên đó là những người tiêu biểu cho giới, thành phần đó và việc lựa chọn là cử tri, nhân dân.
PV Báo Diễn đàn doanh nghiệp: Việc khuyến khích người dân đi bầu bằng cách sau khi trở về được tặng tiền, tặng quà có vi phạm không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Cử tri đi bầu cử là quyền, nghĩa vụ tham gia xây dựng đất nước, xã hội, chứ không phải là để nhận chi phí và trong phần kinh phí cho bầu cử cũng không khoản để chi trả cho việc này.
Việc phóng viên phản ánh chúng tôi sẽ ghi nhận còn tất cả từ trước đến nay ở Việt Nam chúng ta không bao giờ có chuyện đó.