Người dân Iraq tham gia bầu cử tại Arbil, phía Bắc Iraq ngày 10/10. Ảnh: Getty Images
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin các điểm bỏ phiếu tại Iraq đều đã đóng cửa vào tối 10/10. Cuộc bầu cử này bị chi phối bởi các vấn đề là khủng hoảng kinh tế và vấn nạn tham nhũng.
Các quan chức phụ trách bầu cử cho biết kết quả sẽ được tuyên bố trong vòng 24 giờ sau khi đóng các điểm bỏ phiếu. Nhưng trong lần bầu cử năm 2018, phải sau một tuần kết quả mới được công bố.
Cuộc bỏ phiếu cũng diễn ra ở thời điểm Iraq bị kẹt giữa bạo lực liên quan đến các nhóm bán quân sự và quân đội Mỹ. Có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ hiện đồn trú tại Iraq và đang chịu áp lực chính trị để rời quốc gia này tương tự diễn biến tại Afghanistan.
Tổng thống Joe Biden chấp thuận đến cuối năm nay sẽ rút binh sĩ chiến đấu Mỹ ra khỏi Iraq nhưng hầu hết trong 2.500 quân nhân vẫn duy trì tại nước này với vai trò huấn luyện và đào tạo.
Hệ thống chính trị của Iraq với nhiều đảng phái hướng tới cử tri thuộc nhiều nhóm giáo phái khác nhau đồng nghĩa với việc cuộc bầu cử khó có thể đem đến một kết quả dứt khoát. Thay vào đó, sẽ có nhiều tuần và nhiều tháng đàm phán để hướng tới việc hình thành chính phủ.
Các cuộc khảo sát ý kiến ban đầu cho thấy khối của giáo sĩ đạo Hồi dòng Shiite Moqtada al-Sadr dẫn đầu và sẽ giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội. Ông Moqtada al-Sadr vốn có quan điểm phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq đồng thời cũng không đồng tình với việc Iran tăng cường ảnh hưởng.
Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi không tham gia vào cuộc bầu cử này. Nhưng các nhà phân tích cho biết Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi có thể vẫn duy trì vị trí qua thỏa thuận hậu bầu cử giữa các lực lượng chính trị đối địch.
Nhưng ông đối mặt với nhiều phản đối từ những nhóm cáo buộc ông liên quan đến cuộc không kích do Mỹ thực hiện tiêu diệt chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani và và lãnh đạo lực lượng Huy động nhân dân Iraq (PMF) Abu Mahdi al-Muhandis năm 2020 tại sân bay Baghdad.
Ông Qais al-Khazali, lãnh đạo lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq, vốn phản đối hiện diện của quân đội Mỹ, cho rằng Iraq cần một Thủ tướng mới có thể tập trung xử lý các vấn đề kinh tế, đây là điều cần ưu tiên khi Mỹ rút quân.