Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý |

Có lẽ, cuộc bầu cử năm 2020 sẽ là một nghiên cứu điển hình khi nói về tính hợp pháp của các cuộc bầu cử Mỹ.

Việc bỏ phiếu lựa chọn giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đối thủ Joe Biden đã đi đến hồi kết. Bước tiếp theo là chiến dịch của ông Trump tiến hành các khiếu kiện pháp lý để đảo chiều kết quả. Báo chí tràn ngập tin tức, thông tin sai lệch hoặc các cáo buộc gian lận, tham nhũng, lạm dụng, kém năng lực và lỗi kỹ thuật, gọi chung là những sai phạm, với mục đích để khiến dư luận nghi ngờ cả kẻ thắng lẫn người thua trong cuộc đua này. Nếu không đạt được điều đó, một bên sẽ tìm mọi cách bác bỏ tính hợp pháp của phía bên kia.

Có lẽ, cuộc bầu cử năm 2020 sẽ là một nghiên cứu điển hình khi nói về tính hợp pháp của các cuộc bầu cử Mỹ. Lịch sử cho thấy, trường hợp này đã từng xảy ra trong một số cuộc bầu cử trước đây.

Nhìn lại các bê bối bầu cử
chấn động nước Mỹ

Địa danh đầu tiên người ta nghĩ đến sẽ là Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Năm 2020, nơi này lại trở thành điểm nóng của các cáo buộc về sai phạm bầu cử. Trong cuốn "The Shame of the Cities" (tạm dịch: "Nỗi hổ thẹn của các thành phố"), Lincoln Stephens - một nhà báo điều tra đã nghiên cứu các thành phố của Mỹ vào đầu những năm 1900 - kết luận rằng Philadelphia là thành phố tham nhũng nhất ở Mỹ. Đây cũng là điều được một số nhà bình luận chia sẻ trong kỳ bầu cử 2020.

Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn - Ảnh 1.

Ông Lyndon Johnson trong chuyến vận động tranh cử năm 1948. Ảnh: Corbis/NYT

Vụ bê bối tai tiếng nhất có liên quan đến Tổng thống Lyndon Johnson, cái tên gắn liền với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong cuộc bầu cử năm 1948, ông tranh cử vào Thượng viện. Các thăm dò cho thấy ông bị tụt sâu trong cuộc đua với tỷ lệ chỉ đạt 18% so với 68% dành cho đối thủ. Nhưng ông lại là người giành được chiếc ghế tại Thượng viện với 87 phiếu bầu. Ông đã ra lệnh cho các đặc vụ của mình lấy tên những người đã mất trên bia mộ trong các nghĩa trang để điền vào các lá phiếu bầu cho mình. Nhiều năm sau đó, ông vẫn nhắc lại: "Ngay cả người chết cũng có quyền bỏ phiếu."

Năm 2000, ứng cử viên Al Gore của đảng Dân chủ và George W. Bush của đảng Cộng hòa đối mặt nhau trong một cuộc đua sát nút. Người nào thắng tiểu bang Florida người đó sẽ là tổng thống. Ông Bush nhỉnh hơn ông Al Gore vài trăm phiếu. Cả hai sau đó bù đầu trong những khiếu kiện pháp lý đầy mệt mỏi từ toà cấp địa phương đến tiểu bang và liên bang mà không được giải quyết. Và cuối cùng họ phải đưa nhau ra Tòa án Tối cao hai lần. Sau 35 ngày tranh chấp, Tòa Tối cao cho phép tuyên bố ông Bush là người chiến thắng. Phiên xử này đã đặt ra tiền lệ cho các toà án được quyết định người thắng trong cuộc tranh cử.

Năm 2002, sau vụ Bush/Gore, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Help America Vote Act (Giúp người Mỹ bỏ phiếu) để xử lý những chiêu trò trong bầu cử. Nhìn vào những lùm xùm không hồi kết của cuộc bầu cử năm 2020 và 2016, rõ ràng đạo luật này đã hoàn toàn thất bại, sau khi nó ngốn cả đống tiền hàng tỷ USD.

Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn - Ảnh 2.

Năm 2016, ứng cử viên Jill Stein của Đảng Xanh cáo buộc ông Trump gian lận và yêu cầu kiểm phiếu lại ở Pennsylvania, Wisconsin và Michigan, cũng là những bang đang xảy ra tranh chấp năm 2020. Kết quả kiểm phiếu chứng minh ông Trump là người chiến thắng. Người thua đã tốn kém đến hàng triệu USD chi phí. Bà Jill làm như vậy chỉ với một mục đích là khiến ông Trump có thắng vẫn phải mang tiếng bất hợp pháp.

Cả đảng Cộng hòa và Dân chủ
đều gieo rắc sợ hãi

Từ năm 2016 đến 2020, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều phàn nàn rất nhiều về gian lận bầu cử.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump (2017-2020), phe Dân chủ cáo buộc ông gian lận để trở thành tổng thống. Họ không đưa ra được bằng chứng nào. Bà Hillary Clinton, người thất bại trong cuộc đua với ông Trump năm 2016 chưa bao giờ thực sự thừa nhận rằng ông đã chiến thắng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người có quyền lực cao thứ ba ở Washington thì luôn luôn gọi ông Trump là tổng thống "không hợp pháp".

Tháng 05 năm 2017, đảng Dân chủ khởi động Cuộc điều tra Mueller kéo dài hai năm để điều tra cáo buộc cho rằng ông Trump đã thông đồng với Nga để chiếm đoạt chiếc ghế Tổng thống lẽ ra là của bà Hillary. Các thành viên đảng Dân chủ cũng bóng gió rằng ông Trump là một điệp viên của Nga. Sau hai năm và 48 triệu USD phí tổn, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không tìm thấy bằng chứng nào về việc ông Trump thông đồng hay làm điệp viên cho Nga. Tuy nhiên, phe Dân chủ vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại những cáo buộc rất lâu sau khi đã chúng đã được chứng minh là sai.

Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn - Ảnh 3.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Reuters

Ông Trump tin rằng mặc dù ông đã giành chiến thắng năm 2016 nhưng đảng Dân chủ đã gian lận để cố gắng ngăn ông đắc cử. Năm 2017, ông đã chỉ định Uỷ ban Quản lý Gian lận bầu cử của Tổng thống để xác minh những nghi ngờ của ông. Kết quả là chỉ có rất ít bằng chứng về gian lận được tìm thấy.

Khi cuộc bầu cử tháng 11 năm nay đến gần, cả hai ứng cử viên đều huy động tổng lực chuẩn bị khiếu kiện pháp lý cho những cáo buộc gian lận bầu cử. Cả hai đã thuê hàng trăm luật sư, chuyên gia và tư vấn luôn trong tư thế sẵn sàng. Khoảng 300 vụ kiện đã được đệ trình ngay từ trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.

Trong bầu không khí hoang mang do cả hai bên tạo ra, không có gì lạ khi năm nay người Mỹ phải chứng kiến một cuộc bầu cử so kè gắt gao, đầu tiên là trong thời gian chiến dịch, sau đó là tại các tòa án.

Đảng Dân chủ đổ thêm dầu vào lửa

Năm 2018, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở tiểu bang Georgia, ứng cử viên nữ người da đen của phe Dân chủ, Stacey Abrams, đã thua trong cuộc bầu cử thống đốc. Thay vì đón nhận thất bại một cách lịch thiệp, bà không chịu thừa nhận thất bại và cáo buộc đối thủ của mình "trấn áp" cử tri da đen tại tiểu bang. Bà Abrams phát động một phong trào với thông điệp rằng cử tri da đen đang bị đàn áp trên khắp nước Mỹ. Hàng triệu USD đã được quyên góp cho phong trào này. Bất chấp một thực tế là cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2008 đã thu hút lượng cử tri da đen ở mức kỷ lục.

Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn - Ảnh 4.

Những tuyên truyền của đảng Dân chủ về việc trấn áp cử tri có lẽ được sao chép từ thời kỳ những năm 1960 và trước đó, khi tình trạng này thực sự tồn tại ở Mỹ.

Phe Dân chủ đã chọn "trấn áp cử tri" làm một vấn đề tranh cử của ông Biden. Họ cố gắng tận dụng để giành giật các lá phiếu của cử tri da đen. Thậm chí đã có lúc bà Abrams được cân nhắc để chọn làm ứng viên Phó Tổng thống của ông Biden bởi bà ấy là người da đen.

Phe Dân chủ đã tìm ra cơ hội khác nữa để tận dụng chiến thuật "trấn áp cử tri". Họ triển khai một loạt thay đổi trong hệ thống bầu cử theo hướng có lợi cho "những người không còn quyền bầu cử". Thay bằng việc bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử trong tháng 11, một số tiểu bang của phe Dân chủ kiểm soát đã cho phép cử tri bỏ phiếu qua thư và bắt đầu bỏ phiếu từ 3 tuần trước ngày bầu cử.

Thực tế là một số tiểu bang đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cho phép bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư. Những bang khác không có kinh nghiệm về việc này nhưng lại quyết định tiến hành thay đổi ngay sát cuộc bầu cử tháng 11.

Điều này có nghĩa là họ không có thời gian chạy thử, hệ thống máy bỏ phiếu chưa được kiểm tra, các quy trình chưa được vận hành thử, và trong nhiều trường hợp đã xảy ra nhầm lẫn, sai sót lớn.

Bước tiếp theo

Các vụ kiện tranh chấp kết quả bỏ phiếu đã được bắt đầu.

Lịch sử về những sai phạm trong bầu cử và thông tin dối trá về những sai phạm này, việc người dân mất lòng tin vào hệ thống bầu cử, sự thù địch dành cho các đối thủ chính trị, và khao khát chiến thắng bằng mọi giá sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho nền dân chủ Mỹ.

Tiêu đều do tòa soạn đặt lại

Phần II: Cận cảnh cuộc chiến pháp lý của ông Trump


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại