Bầu cử Indonesia: Cử tri lo ngại ảnh hưởng từ Bắc Kinh

Anh Tú |

Bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của Indonesia sẽ phải đối mặt với việc điều chỉnh mối quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc. Bắc Kinh là một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước Vạn đảo nhưng BBC nhận định là "ngày càng không được lòng cử tri" tại Indonesia.

Bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của Indonesia sẽ phải đối mặt trong việc điều chỉnh mối quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc. Bắc Kinh là một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước Vạn đảo nhưng BBC nhận định là "ngày càng không được lòng cử tri" tại Indonesia.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số 250 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm khoảng 5%. Đến năm 2050, Indonesia được dự đoán là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, theo PwC.

Nhưng các nhà phân tích luôn cho rằng Indonesia sẽ không tạo được ảnh hưởng từ sức nặng của nền kinh tế bởi hàng thập niên sa lầy từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như bị tổn thương từ tham nhũng.

Vì vậy, với 193 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tuần tới (17.4) để chọn tổng thống tiếp theo của họ, tăng trưởng kinh tế là một chủ đề đáng quan tâm. Nhưng sự tăng trưởng kinh tế đó sẽ không xảy ra nếu không có sự đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng tại Indonesia, điều này đang cản trở tình hình thương mại, cản trở tiềm năng của đất nước.

Bắc Kinh đã rất muốn phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở Indonesia và lôi kéo Indonesia vào danh sách (ngày càng tăng) các quốc gia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

"Theo truyền thống, các nguồn đầu tư quốc tế lớn nhất ở Indonesia là Nhật Bản và Hàn Quốc", Tom Lembong, người đứng đầu ban điều phối đầu tư của Indonesia nói. "Nhưng tôi phải lưu ý rằng trong 5 năm qua, Trung Quốc đã nhảy từ vị trí nhà đầu tư quốc tế lớn thứ 13 ở Indonesia lên gần vị trí thứ nhất (Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba của Indonesia sau Singapore và Nhật Bản, theo cơ quan giám sát đầu tư của chính phủ Indonesia)".

Mặc dù Vành đai và Con đường chưa được chính thức triển khai ở nước này, nhưng Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản để thắng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Indonesia.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung là một dự án trị giá 5,9 tỉ USD đang được xây dựng bởi một tập đoàn Trung Quốc và một số đối tác Indonesia. Được biết, ít nhất 75% dự án đang được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tài trợ.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á, kết nối Jakarta với Bandung - một trong ba thành phố lớn nhất của Indonesia,.

Nhưng dự án phải đối mặt với sự chậm trễ vì các vấn đề thu hồi đất. Ngoài ra, các nhà phê bình đã chất vấn chuyện xây dựng tuyến đường sắt mới đến Bandung để làm gì, do có những lựa chọn rẻ hơn hiện có, bao gồm phương tiện xe buýt hoặc dịch vụ tàu hỏa.

Đầu tư của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong cuộc bầu cử này, khi Tổng thống đương nhiệm của Indonesia, Joko Widodo, đã kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Indonesia. Điều này một phần vì không ai khác có khả năng tài chính phù hợp như Trung Quốc, và một phần vì Indonesia là nơi có thủ tục đầu tư rườm rà đến mức hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Nhưng ông Lembong nói rằng vẫn có các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút bởi Indonesia và sẵn sàng đương đầu với một số khó khăn. Ông cũng nói rằng để đầu tư của Trung Quốc đạt được tiềm năng đầy đủ ở Indonesia, nó phải được quản lý đúng cách.

"Tôi nghĩ rằng hầu hết các quốc gia mà tôi biết đều mong muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để tiếp tục điều chỉnh và phát triển đầu tư nhằm làm cho nó ngày càng ít gây tranh cãi hơn", ông phân tích đồng thời so sánh đầu tư của Trung Quốc với đầu tư của Nhật Bản trên khắp thế giới vào thập niên 80 và 90.

"Ngày nay, đầu tư của Nhật Bản trên khắp thế giới đã được chấp nhận và hoàn toàn không gây tranh cãi. Dù tin hay không thì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang đối mặt với một tình huống mà chúng ta sẽ phải giải quyết."

Nhưng đầu tư của Trung Quốc cũng đã trở thành điểm yếu của ông Jokowi (gọi tắt Joko Widodo). Đối thủ của ông Jokowi, Prabowo Subianto đã sử dụng chuyện này để ra đòn với ông.

Ông Subianto đã cáo buộc ông Jokowi quá mềm mỏng đối với Trung Quốc và cho phép hàng triệu công nhân Trung Quốc làm việc trong các dự án do Trung Quốc tài trợ. Ông Subianto đã nói nếu trở thành tổng thống, ông sẽ xem xét tất cả các dự án của Bắc Kinh ở nước này.

Ông Subianto có thể đang chơi trò dân túy. Có một tâm lý được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người Indonesia, những người ngày càng cảnh giác với ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Từ lâu đã có một sự phẫn nộ sâu sắc đối với người Indonesia gốc Hoa, thậm chí dẫn đến xung đột bạo lực trong quá khứ. Lý do một phần là ghen tị với sự giàu có của người Indonesia gốc Hoa, những người được cho rằng giàu có hơn người bản địa.

Trong khi nhiều gia đình doanh nhân lớn của Indonesia là người Indonesia gốc Hoa, thì thực tế là đại đa số cộng đồng này thuộc tầng lớp bình dân, vất vả kiếm sống giống như bao người khác.

Tâm lý bài Hoa này cũng đã trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều người Indonesia nghĩ rằng Bắc Kinh có tham vọng thâu tóm kinh tế và chính trị tại xứ Vạn đảo. Trong một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, tỷ lệ người Indonesia có quan điểm tích cực về Trung Quốc đã giảm theo thời gian. Năm 2018, 53% giữ quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 66% năm 2014 của Indonesia, tức là giảm 13 điểm trong vòng có 4 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại