Quan chức Đài Loan (Trung Quốc) đón tiếp bà Pelosi tại sân bay. (Ảnh: Reuters).
"Chuyến thăm của chúng tôi tới Đài Loan thể hiện cam kết không lay chuyển của Mỹ trong việc ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi viết trên Twitter sau khi đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc) trong chuyến thăm gây nhiều tranh cãi hôm 2/8.
Đây cũng là thông điệp được văn phòng của bà, nhiều thượng nghị sỹ Dân chủ nhắc lại trong vài ngày qua.
Nhưng mục đích của chuyến đi liệu chỉ có như vậy?
Tính toán của đảng Dân chủ
Khi bà Nancy Pelosi có chuyến công du đến một số nơi như Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều bộn bề. Lạm phát tại Mỹ chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ khiến nền kinh tế có nguy cơ lại rơi vào suy thoái. Giá xăng, thực phẩm và các mặt hàng khác tăng chóng mặt khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Chuỗi cung ứng sản xuất đang dần phục hồi sau đại dịch tiếp tục bị gián đoạn, bởi xung đột Nga - Ukraine.
Trong cuộc thăm dò hồi giữa tháng 7, tỷ lệ ủng hộ với Tổng thống Biden giảm xuống còn 36%, ngang với mức thấp nhất trong 19 tháng cầm quyền của ông tính đến thời điểm này. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo đối với đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11. Hiện, phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Mỹ.
Với tình hình hiện tại, các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát ít nhất Hạ viện hoặc Thượng viện trong lần bầu cử này.
Trang web thăm dò FiveThirtyEight.com đánh giá đảng Cộng hòa đang có 83% cơ hội giành lại Hạ viện trong khi đảng Dân chủ chỉ có 17% cơ hội duy trì quyền kiểm soát. Chuyến đi của bà Pelosi nhiều khả năng nhằm mục đích đảo ngược tình thế này.
Dù chuyến thăm của nữ chính khách 82 tuổi bị Tổng thống Biden và Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối, nó thu hút tiếng nói ủng hộ từ không chỉ các nghị sỹ Dân chủ, mà còn cả các thành viên đảng Cộng hòa.
"Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn phù hợp chính sách 'Một Trung Quốc' mà Mỹ theo đuổi. Trong nhiều thập kỷ qua, các thành viên Quốc hội Mỹ, bao gồm các cựu Chủ tịch Hạ viện, đều đã tới hòn đảo", nhóm 29 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ra tuyên bố chung hôm 2/8.
Đây là lần hiếm hoi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa thể hiện sự ủng hộ với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội.
Chuyến đi mới đây của bà Pelosi chắc chắn sẽ làm hài lòng những người mong muốn chính quyền cứng rắn hơn, đồng thời giúp đảng Dân chủ kiếm thêm phiếu từ cử tri không đồng tình với Nhà Trắng vì không đủ mạnh tay với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Điểm đáng chú ý là chuyến công du của bà Pelosi trùng với thời điểm đếm ngược 100 ngày tới cuộc bầu cử giữa kỳ.
Ngoài Đài Loan (Trung Quốc), bà Pelosi cũng tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, bà thăm khu phi quân sự ở biên giới với Triều Tiên và đưa ra các tuyên bố nhằm ca ngợi mối quan hệ giữa Washington và Seoul trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, bà không gặp trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc mà thay vào đó là đàm thoại với ông Yoon Suk-yeol.
Nhiều nghị sỹ Cộng hòa đặt câu hỏi về thời gian và mục đích của động thái này. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Kennedy chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ vì không có bất cứ thành viên Cộng hòa nào trên chuyên cơ cùng bà Pelosi.
"Nếu thực sự muốn chứng tỏ sức mạnh từ Mỹ, bà ấy sẽ đưa Kevin McCarthy đi cùng", ông Kennedy nói, đề cập tới lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ.
Nếu đảng Cộng hòa giành lại đa số tại Hạ viện vào tháng 11 tới, ông McCarthy có thể thay thế vị trí của bà Pelosi. Ông này cũng nói với các phóng viên vào tuần trước, hàm ý sẽ giành chiến thắng trong đợt bầu cử tới và thay thế bà Pelosi.
Bà Pelosi chúc mừng chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. (Ảnh: Reuters).
Người Mỹ cần cú hích kinh tế trong nước
Một số nhà quan sát đang đặt câu hỏi về hiệu quả "hút" phiếu trong chuyến đi của bà Pelosi.
Lyle Goldstein, Giám đốc chuyên trách tương tác với châu Á thuộc tổ chức nghiên cứu - tư vấn Defense Priorities, có trụ sở ở Washington, nhận định, chuyến đi này sẽ không có nhiều ý nghĩa với đảng Dân chủ. Nguyên nhân là người Mỹ nhìn chung đang mệt mỏi vì những hậu quả kinh tế tiêu cực và họ có xu hướng bỏ phiếu vì ví tiền của mình.
Robert Daly, Giám đốc Viện Wilson Centre's Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, cũng chia sẻ quan điểm trên. Theo ông này, chuyến công du tới Đài Loan của bà Pelosi sẽ không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vì cử tri vẫn tập trung vào các vấn đề trong nước như lạm phát và “định hướng chung của đất nước”. Đồng thời, họ cần những cú hích thực sự từ chính quyền để kéo lại tình trạng không tốt của kinh tế Mỹ hiện nay, đặc biệt là vấn đề giá cả tiêu dùng và việc làm.
Một số chuyên gia cảnh báo chuyến đi của bà Pelosi có thể phản tác dụng bởi nó vấp phải sự phản đối từ chính ông Biden. Cử tri Mỹ có thể cho rằng, nội bộ phe Dân chủ đang có những đứt gãy trong giao tiếp giữa hai nhân vật hàng đầu trong đảng này.
Nhìn nhận này chắc chắn sẽ là một bất lợi lớn với đảng Dân chủ khi chỉ còn 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ, sự kiện có thể đánh dấu nhiệm kỳ cuối cùng của bà Pelosi với tư cách là Chủ tịch Hạ viện.