>Đọc toàn bộ loạt bài "mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá" TẠI ĐÂY
Kỷ lục kinh hãi: Một gia đình đóng 17 triệu đồng/vụ
Ở thôn Thành Liên (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa), nhà ông Nguyễn Trọng Xuyên vốn đông con nhiều cháu. Chính thế, mỗi mùa đóng góp, ông Xuyên luôn giữ kỷ lục về lượng tiền phải nộp cho làng, xã.
Theo "trát đòi tiền" của làng, xã vụ đầu năm này, nhà ông có 7 khẩu phải tham gia đóng góp, trong đó có cả những đứa cháu đến bữa ăn còn phải vỗ về, bón xúc.
Riêng phần đóng góp của xã, gia đình ông Xuyên phải nộp hơn 600 nghìn. Phần đóng góp của làng, kể cả nợ cũ, ông phải nộp hơn 2,5 triệu đồng. Thêm phần thu của các tổ chức, đoàn thể nữa thì vụ này gia đình ông Xuyên phải đóng tổng cộng hơn 6,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số lớn nhất.
Vụ đóng góp đầu năm 2014, gia đình ông Xuyên phải nộp cả thảy hơn 17 triệu đồng.
Theo ông Xuyên, vụ đầu năm 2014 mới là vụ đóng góp kỷ lục của gia đình. Vụ ấy, bởi các con chưa ở riêng, nhà ông có 10 khẩu thuộc diện phải đóng góp.
Vụ này, riêng phần thu của xã, gia đình ông Xuyên phải đóng hơn 900 nghìn cho 5 loại quỹ, gồm: Quỹ xây dựng cơ bản, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Xây dựng kênh mương, Quỹ tu bổ giao thông nông thôn, Quỹ an ninh quốc phòng.
Phần của làng, gia đình ông Xuyên phải đóng gần 800 nghìn đồng cho cả thảy 8 khoản thu.
Phần thu của các tổ chức, của hợp tác xã, gia đình ông Xuyên phải đóng thêm gần 3 triệu đồng nữa. Tổng cộng gia đình ông phải đóng hơn 4,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, con số này chưa phải là cuối cùng.
Ông Xuyên bảo, vừa chạy vạy được khoản tiền trên thì làng lại gửi thêm một thông báo… đòi tiền khác. Đến thời điểm thanh toán với nhà thầu, cán bộ làng yêu cầu tất thảy các nhân khẩu trong làng đóng nốt phần tiền còn lại.
Mỗi nhân khẩu phải đóng gần 1,3 triệu đồng, nhà có 10 người, gia đình ông Xuyên phải lo thêm gần 13 triệu đồng. Nếu nộp thẳng tay thì gia đình ông Xuyên phải đóng cả thảy hơn… 17 triệu đồng!
Thông báo này, làng đã "tỏ thái độ" vô cùng quyết liệt.
Theo đó, ở cuối thông báo có dòng chốt đại ý là nếu không đóng đủ thì gia đình phải chịu tiền phạt sai hợp đồng mà làng đã ký kết với nhà thầu.
Trước đây, bởi đông con, nhà ông Xuyên phải lần ăn từng bữa. Và như nhiều hộ gia ở vùng quê này, cứ đến "mùa đóng góp" là vợ chồng ông lại ăn ngủ không yên.
"Không lo không được các chú ạ, ngày trước họ có cách thu của ngày trước, bây giờ có cách thu của bây giờ, mình không né tránh được đâu", bà Cao Thị Hồng, vợ ông Xuyên tâm sự.
Bắt trẻ con phải lo… chỗ chết!
Ở xã Trường Sơn, không chỉ dân làng Thành Liên phải è cổ gồng gánh những khoản đóng góp vô tội vạ mà xã, làng đề ra. Một số làng khác ở xã này cũng có nhiều khoản thu tương tự, thậm chí còn khủng khiếp nhiều hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Phúc Thọ, người dân cũng phải đóng góp tới gần 20 khoản thu các loại sau mỗi mùa đóng góp.
Trong vô số các khoản thu trên thì theo phản ánh của người dân, nặng nhất là khoản thu có tên là "Xây dựng nông thôn mới". Khoản thu này chỉ ưu ái "chút đỉnh" với những người hết tuổi lao động.
Cụ thể, người trong độ tuổi từ 60 đến 69 tuổi sẽ phải đóng 60 nghìn đồng/vụ. Từ 70 đến 79 tuổi thì phải đóng 40 nghìn đồng/vụ. Từ 59 tuổi trở xuống tới… trẻ lọt lòng, mỗi người phải đóng là 200 nghìn đồng/vụ.
Nếu khoản thu "Xây dựng nông thôn mới" còn niệm tình với những người có tuổi thì một khoản thu khác cũng "nặng đô" không kém lại chẳng chừa một ai. Tréo ngoe, khoản thu này còn áp dụng với cả những sinh linh vừa cất tiếng khóc chào đời.
Ấy là thu có tên "đóng góp nghĩa địa".
Mỗi người đang sống trong làng đều phải đóng 150 nghìn đồng/vụ cho khoản thu nghe có phần rùng rợn này.
Làng Phúc Thọ, cứ có tên trong hộ khẩu là phải lo "đóng góp nghĩa địa"
Giống như Thành Liên, ở Phúc Thọ, người dân vẫn hãi nhất phần thu của làng. Căn cứ vào tờ thông báo thu của làng thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, người dân phải cả thảy 9 loại quỹ. Trong đó, có quỹ trùng tên với phần thu của các tổ chức, đoàn thể.
Cụ thể, phần thu của làng và phần thu của các tổ chức, đoàn thể đều thấy xuất hiện "Quỹ khuyến học". Quỹ khuyến học của làng thu 10 nghìn đồng/khẩu, quỹ khuyến học của tổ chức, đoàn thể thu 6.500 đồng/khẩu.
So sánh "trát đòi tiền" của hai làng Thành Liên và Phúc Thọ cũng có nhiều điểm khác nhau. Lạ lùng và khó hiểu hơn là sự khác nhau này lại diễn ra ngay ở khoản thu của xã.
Ở làng Thành Liên, phần thông báo thu của xã có thêm khoản "Quỹ phòng chống thiên tai" (mỗi lao động phải đóng 15 nghìn đồng) nhưng thông báo thu ở làng Phúc Thọ thì lại không có khoản này.
Tuy nhiên, ở Phúc Thọ, thông báo thu của xã lại có thêm khoản đóng góp có tên "cây lưu liên". Theo giải thích của một hộ dân thì đây là phí mà xã "đánh" vào những gia đình đang sở hữu những loại cây lâu năm được trồng trên đất công.
"Nói là cây lưu liên cho sang chứ thực ra là mấy cây cọ thôi. Bỏ thì tiếc nhưng giữ thì cũng chẳng để làm gì. Tuy nhiên, năm nào cũng phải đóng cả chục cân thóc cho mấy cây ấy đấy", một "khổ chủ" ở làng Phúc Thọ cho biết.
Không biết thu để làm gì!
Ở thôn Thành Liên, như nhiều gia đình khác, cứ khi làng, xã "hò" đóng khoản gì là như phản xạ tự nhiên, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Lâm gắng lo cho đủ.
Tuy nhiên, đến giờ, nhiều khoản ông Lâm không biết cán bộ thu để làm gì, đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân có được sử dụng đúng mục đích hay không?
"Năm nào cũng nộp cả mấy chục loại phí, quỹ. Có quỹ mỗi gia đình phải nộp cả tiền trăm, tiền triệu.
Đơn giản như phí xây dựng kênh mương nội đồng, từ nhiều năm nay, vụ nào cũng phải nộp vài trăm nghìn mà chẳng thấy xây dựng kiến thiết gì", ông Lâm bức xúc.
Ông Lâm cho rằng có nhiều khoản thu ông không biết rõ mục đích sử dụng tiền thu được.
Theo ông Lâm, trong hàng chục loại phí, quỹ có loại khi xướng tên thì mọi người còn có thể biết làng, xã thu để phục vụ mục đích gì nhưng cũng có nhiều loại phí, quỹ mang cái tên chung chung, khó hiểu.
"Quỹ đầu tư công và phát triển sản xuất mỗi khẩu kể cả trẻ con đều phải đóng tới 40 nghìn đồng nhưng không hiểu xã dùng quỹ này để làm gì?", ông Lâm đặt câu hỏi.
Theo ông Lâm, tất cả các hoạt động sản xuất ở địa phương như thủy lợi, tu bổ kênh mương, bảo vệ hoa màu… đều đã có khoản đóng góp riêng, nên quỹ này là… thừa thãi.
Trên các tờ thông báo thu của xã, làng đều nhấn mạnh vào cụm từ tự nguyện, nhưng thực tế thì tất cả các quỹ đều đóng đinh, bổ đều theo hộ gia đình hoặc theo khẩu. Và đương nhiên, đứa trẻ con mới đẻ cũng bình đẳng như người đã trưởng thành.
Trao đổi với chúng tôi về "tinh thần tự nguyện" trên, ông Nguyễn Sỹ Thành, Trưởng làng Thành Liên khẳng định, tất cả các khoản thu đều đã được người dân bàn bạc, thống nhất nên làng, xã mới tiến hành thu.
Ông Thành dẫn chứng việc người dân trong làng thống nhất chuyện làm đường bê tông bởi theo ý ông Thành thì không có sự thống nhất, tự nguyện của người dân thì không thu được.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về biên bản họp dân để cho thấy sự "nhất trí cao" ấy thì ông Thành tỏ ra lúng túng. Không những vậy, vị trưởng làng này còn bao biện, biên bản đó được lập từ năm 2007 nên giờ rất… khó tìm.
Từ năm 2007 đến nay, làng Thường Liên đã làm nhiều công trình giao thông và làng thì vẫn dựa trên "tinh thần thống nhất" xa xôi đó.
Không những thế, từ đó đến nay đã có bao nhiêu đứa trẻ chào đời và vô tình những đứa trẻ ấy cũng phải khoác lên cổ cái "tinh thần tự nguyện" do người lớp trước để lại.
Gia đình có 4 khẩu đóng gần 3 triệu đồng một vụ là… bình thường!
Trường Sơn là xã điểm của tỉnh Thanh Hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới và cũng là xã đầu tiên trong huyện Nông Cống hoàn thành các tiêu chí của chương trình này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã thì hiện tại, xã còn 46 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo (cả xã có 1185 hộ dân, 4385 nhân khẩu).
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho rằng "một hộ 4 khẩu, thu gần 3 triệu mỗi vụ là... bình thường".
Trao đổi về chuyện người dân phải gồng mình đóng góp nhiều khoản thu, ông Thành cho biết, phần nhiều các khoản thu ấy là ở dưới làng đặt ra, trong đó nặng nhất vẫn là các khoản liên quan đến xây dựng, kiến thiết.
Theo ông Thành thì việc thu ấy là… chuyện của làng, xã không can thiệp.
"Tìm hiểu chúng tôi được biết ở xã, nhiều gia đình chỉ có 4 khẩu mà phải đóng tới gần 3 triệu đồng mỗi vụ, như vậy có nặng quá không?", chúng tôi đặt câu hỏi với vị chủ tịch xã này.
"Bốn khẩu đóng gần 3 triệu là bình thường", ông Thành trả lời rõ ràng và bình thản.