Radar cảnh báo sớm với tầm hoạt động... "quá xa"
Washington đang thể hiện sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại vịnh Ba Tư. Iran và Yemen là hai quốc gia duy nhất trong khu vực không đặt cơ sở quân sự của Mỹ.
Lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng các căn cứ không quân lớn ở Qatar, đồng thời mở rộng hoạt động tại UAE và Oman. Vương quốc Bahrain trở thành "ngôi nhà" của Hạm đội 5 Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington còn khuyến khích các nước thành viên thuộc Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) mua và triển khai hệ thống phòng không Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3), cùng hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Mỹ và các nước GCC đã nhấn mạnh cam kết xây dựng hệ thống phòng thủ tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng 5/2015.
Trên danh nghĩa, "mối đe dọa từ Iran" được dùng làm cơ sở cho cam kết này. Theo tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia GCC cam kết phát triển khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ, trong đó có bao gồm hệ thống cảnh báo sớm.
Phát triển một mạng lưới BMD tích hợp mạnh mẽ trên khắp khu vực là mục tiêu chính của quân đội Mỹ. Điều này đảm bảo rằng an ninh của các quốc gia GCC sẽ phụ thuộc vào Washington.
Hôm 10/12, phát biểu tại hội nghị an ninh khu vực tổ chức ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS - Manama, Bahrain), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo, Mỹ đã thông qua thỏa thuận cho phép Qatar mua hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa (EWR) từ Raytheon.
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cho phép Qatar mua radar cảnh báo sớm với tầm hoạt động 5.000km để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa" - ông Carter nói.
Trước đó, vào tháng 7/2013, Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ đã thông báo với Quốc hội nước này về khả năng cung cấp cho Qatar hệ thống radar cảnh báo sớm A/N FPS-132 Block 5 trong khuôn khổ chương trình bán vũ khí cho nước ngoài (FMS). Hợp đồng này, nếu đạt được, sẽ bao gồm các thiết bị đi kèm, phụ tùng, hỗ trợ hậu cần và ước tính có giá trị tới 1,1 tỷ USD.
Theo nhà sản xuất Raytheon, hệ thống AN/FPS-132 có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa cách xa hàng nghìn dặm để phát đi cảnh báo sớm đến các trung tâm chỉ huy - điều khiển và các hệ thống kiểm soát hỏa lực.
"Hệ thống radar với độ tin cậy cao có thể hoạt động suốt 365 ngày/năm, 24 giờ/ngày, cung cấp góc quét 360 độ trên phạm vi trải rộng tới 5.000km" - ông Steve Sparagna, kỹ sư trưởng của chương trình AN/FPS-132 EWR cho hay - "đây là cảm biến lý tưởng để phát hiện và ngăn chặn các vụ phóng tên lửa thù địch".
Theo ông Michael Elleman, chuyên gia cấp cao về phòng thủ tên lửa tại IISS, trong tương lai, hệ thống này không chỉ mang lại cho Qatar, mà cả hệ thống phòng thủ tên lửa hợp nhất của GCC, khả năng cảnh báo sớm trước bất cứ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào của Iran.
Tên lửa đạn đạo Iran chỉ là một cái cớ để Mỹ bán radar cho Qatar?
Thực ra mục tiêu không phải Iran?
Hệ thống radar AN/FPS-132 bố trí ở Qatar là một trường hợp rất đặc biệt. Thiết kế cho phép nó được sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm trước bất cứ phương tiện tấn công chiến lược nào - thứ mà Iran không có.
Một số radar loại này đã được bố trí tại căn cứ không quân Beale (California), Fylingdales (Anh) và Thule (Greenland) để hoạt động trong mạng lưới phòng thủ tên lửa GMD và BMD của Mỹ.
Theo chuyên gia Alex Gorka của chuyên san Strategic Culture, tầm hoạt động 5.000km của radar AN/FPS-132 vượt quá nhu cầu cần thiết để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Iran. Hiện có những loại radar với tầm hoạt động ngắn hơn đang hỗ trợ các hệ thống PAC-3 và THAAD do các nước GCC triển khai.
Trên lý thuyết, hệ thống radar đặt trên xe tải AN/TPY-2 là hệ thống phù hợp với nhiệm vụ đó. Nó có thể phát hiện vụ phóng tên lửa cách xa hàng trăm dặm. Nếu như hệ thống này đã đủ hiệu quả để bố trí ở Hàn Quốc nhằm đối phó Bình Nhưỡng và các vùng do Trung Quốc kiểm soát thì tại sao lại không được lựa chọn bố trí ở vùng Vịnh?
Gorka cho rằng, triển khai radar AN/FPS-132 tại Qatar không cần thiết cho việc hỗ trợ các lực lượng NATO ở châu Âu đối phó Iran. Radar cảnh báo sớm công suất cao X-band đặt tại Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm đương nhiệm vụ này. Nó đã được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2012.
Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác vì sao radar AN/FPS-132, với phạm vi phát hiện mục tiêu ấn tượng như vậy, lại được dùng chỉ để đối phó với Iran ở vùng Vịnh.
Khoảng cách từ Qatar đến Iran là 821km và từ Qatar đến Turkmenistan (nếu băng qua lãnh thổ Iran) là 1.700km. Như vậy, phạm vi hoạt động của AN/TPY-2 vẫn bao phủ cả Turkmenistan. Hiển nhiên, không cần tới một loại radar có phạm vi hoạt động tới 5.000km chỉ để đối phó với mối đe đọa từ Iran.
Không có lời giải thích hợp lý nào khác cho lựa chọn này của Mỹ, ngoại trừ thực tế radar AN/FPS-132 có thể giám sát những vùng lớn trên lãnh thổ Nga.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's cũng "vô tình" thừa nhận điều này khi đưa tin rằng:
"Tập đoàn Raytheon đã được trao hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD vào tháng 12/2014 để xây dựng cho Qatar trung tâm hoạt động phòng thủ tên lửa và phòng không (ADOC). Trung tâm này sẽ tích hợp các hệ thống phòng không của Mỹ (như Patriot, radar cảnh báo sớm, THAAD) với các hệ thống phòng không, radar của châu Âu và trung tâm hoạt động không quân của Qatar".
Điều này phần nào chứng tỏ rằng hệ thống radar cảnh báo sớm AN/FPS-132 bố trí tại Qatar là một thành tố trong mạng lưới BMD toàn cầu đang được Mỹ thiết lập để đối phó với các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.
Theo Gorka, tuyên bố về hợp đồng radar AN/FPS-132 với Qatar cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm "bao vây" Nga bằng các trạm BMD và vô hiệu hóa khả năng tiến hành trả đũa của Moscow khi bị tấn công. Tất nhiên, Nga sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước các động thái này của Mỹ.
Vị chuyên gia nhận định, Mỹ đã có một bước đi khiêu khích khác nhằm làm tổn hại tới an ninh của Nga và phức tạp hóa mối quan hệ song phương giữa 2 nước.