Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều năm qua, cơ quan quản lý không can thiệp khi giá vàng SJC quá cao so với thế giới khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi lớn.
Không còn phù hợp!
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích năm 2012, Nghị định 24 ra đời đã góp phần tạo sự ổn định thị trường vàng. Nhưng hiện tại, một số quy định trong nghị định này đã không còn phù hợp, thị trường vàng trong nước "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là giá vàng SJC quá cao so với vàng thế giới. "Nhiều năm trước, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước (NHNN) nói mức chênh lệch khoảng 500.000 đồng/lượng là hợp lý, sau đó nâng lên 2 triệu đồng/lượng cũng nói là hợp lý.
Đến hiện tại, vàng SJC thường xuyên chênh lệch với vàng thế giới 16-17 triệu đồng/lượng, có lúc gần 20 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do NHNN độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC dẫn tới cầu lớn, cung có hạn khiến giá vàng SJC tăng cao và chênh lệch lớn với thế giới. Vì vậy, để thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và thế giới, cần xóa bỏ độc quyền vàng SJC và cho phép nhiều thương hiệu vàng khác cùng tham gia" - PGS-TS Ngô Trí Long phân tích và đề xuất.
Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng chỉ ra: Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, còn hiện nay giá vàng đang lên đến gần 70 triệu đồng/lượng. "Vậy Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó và thời điểm hiện tại có bất cập hay không? Và tại sao chúng ta không sửa nghị định này? Liệu NHNN có thể cho đơn vị, tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không để thị trường vàng hạ nhiệt, giá vàng giảm xuống?" - đại biểu hỏi.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự đồng tình và cho biết trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 thời gian tới, NHNN sẽ rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng; nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu; đồng thời sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của NHNN.
Nhiều chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC nhằm thu hẹp mức chênh lệch giá trong và ngoài nước . Ảnh: TẤN THẠNH
Cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu?
Góp ý về biện pháp thu hẹp chênh lệch giữa vàng SJC và vàng thế giới, một chuyên gia vàng nhấn mạnh phải liên thông với thị trường thế giới. Không thể "một mình một chợ", quản lý thị trường vàng bằng biện pháp hành chính như thời gian qua. Doanh nghiệp (DN) nào có đăng ký kinh doanh theo luật đều được kinh doanh vàng miếng, DN nào có máy móc thiết bị đủ tiêu chuẩn sản xuất vàng miếng sẽ được tham gia sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
Ở góc độ khác, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cho rằng việc mua vàng để đầu tư, cất giữ, làm tài sản bảo đảm… là nhu cầu chính đáng và tập quán lâu đời của người dân nhưng nhìn vào mức chênh lệch của vàng SJC với thế giới đều thấy rủi ro, trong khi các kênh đầu tư khác đều không mấy sáng sủa. Hệ lụy là dòng tiền nhàn rỗi thường đổ dồn vào bất động sản, gây ra những đợt sốt đất ảo, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Do đó, việc trả lại giá vàng miếng SJC theo giá thế giới là phù hợp thực tiễn. Thế nhưng, nếu Việt Nam nhập khẩu vàng chỉ góp phần hạ nhiệt nhất thời giá vàng SJC, còn về lâu dài chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn không giải quyết được vì "nhập bao nhiêu người ta cũng mua hết". Chưa kể, việc nhập khẩu vàng có thể tạo ra siêu lợi nhuận cho các đầu mối nhập khẩu.
"Với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, Nghị định 24 có thể sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giao dịch vàng online theo giá vàng thế giới. Nghĩa là pháp luật cho phép NHNN thành lập sàn giao dịch vàng "giấy" với tỉ lệ ký quỹ cao nhằm hạn chế tình trạng "đánh bạc" và giao cho ngân hàng thương mại điều hành hoạt động của sàn này.
Mặt khác, NHNN được phép phát hành chứng chỉ vàng để thu hút người sở hữu vàng "giấy" lẫn vàng miếng. Các chứng chỉ vàng được làm tài sản thế chấp mua trái phiếu Chính phủ, vay vốn ngân hàng…
Khi đó, NHNN sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu đầu tư và cất giữ vàng của người dân, vừa thu hẹp khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới. Việc còn lại là NHNN xem xét thời điểm phù hợp để nhập khẩu vàng nguyên liệu cung ứng cho nhu cầu chế tác nữ trang" - ông Hải đề xuất.
Về ý kiến lo ngại nếu giá vàng SJC về sát giá thế giới (tức khoảng 52-53 triệu đồng/lượng hiện nay), người dân sẽ đổ xô tích trữ vàng, một chuyên gia vàng nhiều năm cho rằng có một thực tế ở Việt Nam là giá vàng tăng cao người dân mới đổ xô đi mua vì sợ còn tăng nữa. Đặc biệt, nếu tỉ giá USD/VNĐ ổn định, VNĐ không mất giá và lạm phát được kiểm soát thì không ai đầu cơ vàng.
"Người dân chỉ giữ vàng làm tài sản để dành khi lo ngại VNĐ mất giá, còn khi không còn chênh lệch với giá thế giới sẽ không ai nhập khẩu vàng, nguồn ngoại tệ không lo ảnh hưởng" - chuyên gia này lập luận.
Lo ngại ảnh hưởng tỉ giá
Dưới góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng sau rất nhiều năm NHNN mới làm được việc là thống nhất quản lý ngoại tệ và vàng. Đây là thành công rất lớn góp phần ổn định tỉ giá USD/VNĐ bất kể giá vàng thế giới biến động mạnh thời gian qua và giá USD trên thị trường quốc tế cũng tăng mạnh.
Nếu giờ quay lại cho phép nhiều DN được nhập khẩu vàng hoặc vàng trở thành mặt hàng bình thường không phải kiểm soát, liệu có lặp lại tình trạng "lũng đoạn" như trong quá khứ và ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hoặc nếu cho phép nhập vàng nguyên liệu không kiểm soát, có thể phát sinh tình trạng rút USD khỏi ngân hàng để nhập khẩu vàng, khi đó việc quản lý dòng tiền và tỉ giá USD/VNĐ sẽ thế nào? Liệu có phát sinh chênh lệch giá USD trong ngân hàng và ngoài thị trường, ảnh hưởng đến tỉ giá?…
"Nếu có giải pháp nào hay hơn ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ thực hiện. Còn thực tế phải xác định vàng đang là danh mục cần quản lý để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tỉ giá" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.