Bất thường ở nước từ chối vào BRICS: Người dân đột nhiên cần nội tệ sau khi Tổng thống đề xuất đô la hóa

Hữu Hiển |

Bloomberg đưa tin, nhiều người dân Argentina hiện đang muốn bán tiền tiết kiệm bằng đô la Mỹ của họ để đổi lấy đồng nội tệ peso nhằm trang trải cuộc sống hơn là mua đồng bạc xanh.

Bloomberg hôm 3/6 đưa tin, sự phục hồi đột ngột ở thời điểm hiện tại của nhu cầu đối với peso - loại tiền dễ gặp khủng hoảng - là hệ quả không ngờ của các chính sách trị liệu sốc mà Tổng thống Argentina Javier Milei thực hiện sau khi nhậm chức vào ngày 10/12/2023.

Bất thường ở nước từ chối vào BRICS: Người dân đột nhiên cần nội tệ sau khi Tổng thống đề xuất đô la hóa- Ảnh 1.

Ông Javier Milei cầm poster in mặt mình trên tờ 100 USD trong chiến dịch tranh cử tổng thống Argentina vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Argentina công bố hôm 31/5, khoảng 208.000 người Argentina đã bán ngoại tệ thông qua các kênh chính thức trong tháng 4, trong khi 51.000 người mua đô la hoặc các loại tiền tệ mạnh khác. Điều đó được củng cố dựa trên xu hướng bắt đầu vào tháng 1 và đánh dấu sự đảo chiều đầu tiên của người mua và người bán kể từ ít nhất là năm 2018.

Vào tháng 11/2023, một tháng trước lễ nhậm chức của ông Milei, 789.000 người Argentina đã mua ngoại tệ trong khi chỉ có 114.000 USD được bán ra. Những con số này chỉ là một phần nhỏ của bức tranh thực tế, vì có hàng triệu người Argentina trao đổi peso và đô la trên thị trường chợ đen rộng lớn, cũng như thông qua các giao dịch tài chính hợp pháp.

Theo Bloomberg, nhu cầu về peso bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Milei từ bỏ việc kiểm soát giá nhưng vẫn kiểm soát chặt đồng peso, cuối cùng làm giảm sức mua của người Argentina. Giá cả tại nước này từng bị kiểm soát bởi hàng nghìn biện pháp được ban hành bởi những đời tổng thống Argentina tiền nhiệm, nhưng khi vừa nhậm chức, ông Milei - người theo chủ nghĩa tự do – đã ngay lập tức từ bỏ việc kiểm soát giá cả.

Trong khi giá cả tại Argentina đã tăng hơn 100% kể từ khi Tổng thống Milei nắm quyền thì đồng peso chỉ mất giá 59% trong cùng thời gian này. Điều đó đã khiến các nhu yếu phẩm hàng ngày trở nên đắt đỏ nếu tính bằng đồng đô la khi thu nhập địa phương giảm sút, buộc người dân Argentina phải dùng đô la tiền tiết kiệm để chi trả các hóa đơn hàng tháng.

Theo Bloomberg, Tổng thống Milei và các cố vấn kinh tế của ông đã nhiều lần phủ nhận việc đồng peso được định giá quá cao, và cho biết cũng không có kế hoạch đẩy nhanh tốc độ mất giá để bắt kịp lạm phát. Thay vào đó, họ cho rằng các doanh nghiệp cần phải giảm giá.

Tổng thống Milei vẫn tuyên bố sẽ thực hiện một "cuộc cạnh tranh tiền tệ" trong đó đồng đô la Mỹ và peso sẽ cùng tồn tại dưới dạng đấu thầu hợp pháp. Ông Milei cũng nói rằng cuối cùng ông sẽ thực hiện cam kết đóng cửa hoàn toàn ngân hàng trung ương.

Từ chối gia nhập BRICS

Tháng 12/2023, trong thư gửi lãnh đạo 5 nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Tổng thống các nước Brazil, Nam Phi và Nga, Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Argentina Javier Milei cho biết trong giai đoạn hiện tại nhiều chính sách đối ngoại của nước này đã thay đổi và "không còn phù hợp" để Argentina trở thành thành viên của nhóm này vào đầu năm 2024.

Trước đó, vào tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố Johannesburg, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo rằng BRICS đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập nhóm này ngay từ tháng 1/2024. Tổng thống Argentina khi đó, ông Alberto Fernández, đã chấp nhập lời mời của các nhà lãnh đạo BRICS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại