Khi thực hiện chiến lược năng lượng ở châu Âu và chiến lược quân sự-chính trị ở Syria, Nga cần thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng mối quan hệ giữa Moscow và Ankara lại có những góc khuất, thăng trầm tùy từng thời điểm.
Ở Syria, mối quan hệ Nga-Thổ gặp nhiều thách thức vì về nguyên tắc, hai nước có các mục tiêu chính trị đối lập nhau. Moscow đặt mục tiêu khôi phục quyền kiểm soát hoàn toàn của chính quyền Assad đối với lãnh thổ Syria, trong khi Ankara ủng hộ việc lật đổ ông Assad.
Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc ngoại giao khác nhau kể từ năm 2016 cũng như Tiến trình Astana kể từ năm 2017 và Thỏa thuận Sochi 2019 đã dẫn đến sự đồng thuận của Moscow đối với một số hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria:
- Chiến dịch Lá chắn Euphrates năm 2016,
- Chiến dịch Cành ô liu năm 2018,
- Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình năm 2019 và Chiến dịch Lá chắn Mùa xuân năm 2020.
Mối quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp hơn khi xảy ra một số sự cố quân sự nghiêm trọng, chẳng hạn như việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vào tháng 11/2015 và việc máy bay Nga “vô hiệu hóa” toàn bộ hoạt động của một tiểu đoàn bộ binh cơ giới của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib, Syria.
Mặc những mập mờ trong mối quan hệ, có thể khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, Nga đã dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO – để triển khai các hoạt động của mình ở Syria, chẳng hạn như việc thiết lập các cuộc tuần tra chung Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sau khi Mỹ rút một phần khỏi quốc gia Trung Đông.
Việc triển khai đáng kể lính mặt đất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cũng cho phép Nga tập trung triển khai lực lượng không quân, hải quân, lực lượng bảo vệ và các cuộc tuần tra chung của cảnh sát quân sự với Lực lượng trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một diễn biến lớn khác là âm mưu đảo chính ngày 15/7/2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một bước ngoặt đối với Nga, vì nó tạo cơ hội để tăng cường các mối quan hệ quân sự và chính trị của Moscow và Ankara.
Tổng thống Nga đã tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Saint Petersburg vào ngày 8/8/2016. Điều này đi ngược lại với giả thuyết trước đó rằng âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dễ khiến Nga “có động thái thay đổi cuộc chơi lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ ".
Đây thực sự là khởi đầu của những thiện chí, mà đỉnh điểm là vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Lần bán vũ khí đầu tiên của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ báo trước một kỷ nguyên của việc Ankara tái định vị vị thế ở bên ngoài liên minh xưa cũ.
Nói chung, ngoại trừ cuộc xung đột lớn giữa Nga và NATO, mô hình hợp tác giữa Moscow và Ankara ở Syria có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ "nổi giận"
Nga thu lợi ích chiến lược kép từ thương vụ S-400
Việc đưa hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga vào trung tâm lực lượng không quân NATO thông qua việc bán hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 là một thành tựu chính trị lớn đối với Điện Kremlin.
Trước hết, Nga đã đặt chân vào trung tâm của một lực lượng không quân lớn của NATO và điều này có thể mang tới nhiều lợi ích cho Nga.
Thứ hai, Nga đã ngăn chặn việc triển khai các tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất — hoặc phương án thay thế của Pháp-Ý — ở sườn phía Nam của đất nước mình.
Thứ ba, bằng việc bán tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga khiến Mỹ hủy bỏ việc bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, Nga đã giảm khả năng triển khai máy bay chiến đấu tàng hình của NATO trên Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.
Đồng thời, Moscow đã đạt được lợi ích chính trị và mở ra triển vọng mua bán vũ khí quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi vẫn làm suy giảm vị thế của nước này như một cường quốc quân sự của NATO.
Thứ tư, với việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình công nghiệp F-35, Nga đã gián tiếp làm suy yếu ngành hàng không vũ trụ của Ankara. Ngành công nghiệp đó hiện đang mất các đơn đặt hàng ước tính trị giá 1,4 tỷ USD.
Trong bối cảnh nhận thức được mối đe dọa từ phương Tây, Nga đã thu được lợi ích chiến lược kép từ việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ: Sườn phía Nam của Nga hiện không còn tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Nếu quan điểm như một nhà phân tích từng cho rằng việc giải quyết bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về tên lửa S-400 là "một chặng đường dài " là đúng, thì lợi ích chiến lược này đối với Moscow sẽ càng lớn hơn.