Bắt tay với Ả rập Xê út, Nga muốn “dằn mặt” Iran?

Đào Cảnh |

Nga và Ả rập Xê út mới đây đã đạt được thỏa thuận về việc “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ.

Dù đang phản đối phương án này nhưng nếu như không muốn quan hệ Nga-Ả rập Xê út trở nên gần gũi hơn thì Iran sẽ buộc phải tính đến các lợi ích của Nga.

Nga và Ả rập Xê út mới đây (12/4) đã đạt được thỏa thuận về việc “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ.

Dù đang phản đối phương án này nhưng nếu như không muốn quan hệ Nga-Ả rập Xê út trở nên gần gũi hơn thì Iran sẽ buộc phải tính đến các lợi ích của Nga, cụ thể là trong lĩnh vực mà Moscow và El-Riyadh đã đạt được thỏa thuận.

Chính sách cân bằng của Nga ở Trung Đông

Ngày 12/4 vừa qua, hãng thông tấn Interfax, trích dẫn các nguồn tin thân cận của mình, đã đăng tải thông tin cho rằng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh dầu mỏ ở Doha (thủ đô Qatar), Moscow và El-Riyadh đã đạt được sự đồng thuận “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ.

Điều này gần như ngay lập tức tác động tích cực lên giá dầu khi giá dầu đã vượt ngưỡng 40 USD/thùng.

“Hôm nay đã diễn ra cuộc tiếp xúc giữa đại diện của Nga với đại diện của Ả rập Xê út, hai bên đã đạt được thỏa thuận về đóng băng lượng khai thác dầu mỏ”- tuyên bố nêu rõ.

Trước đó, El-Riyadh đã thể hiện sẵn sàng đồng thuận với ý kiến của Nga (về việc đóng băng sản lượng khai thác dầu) nhưng lại yêu cầu tất cả các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng phải thực hiện bước đi này.

Tuy nhiên, Iran, quốc gia vừa “chân ướt chân ráo” thoát khỏi các lệnh cấm vận quốc tế lại không đồng ý thực hiện bước đi này.

Bản thân Iran muốn tăng mạnh sản lượng khai thác dầu, chí ít là đạt đến sản lượng trước khi bị cấm vận, rồi sau đó mới tiến hành các cuộc đàm phán về hạn chế sản lượng khai thác.

Theo giới phân tích quốc tế, quan điểm này của Iran là điều hoàn toàn dễ hiểu vì chính phủ Iran đã ký kết nhiều hợp đồng (chủ yếu là các hợp đồng mua sắm vũ khí) có giá trị hàng chục tỷ USD nên rất cần đến ngoại tệ để thanh toán cho các hợp đồng này.

Do đó, theo các phương tiện truyền thông Nga, Iran đã kiên quyết không thay đổi quan điểm của mình. Mặc dù vậy, Nga cuối cùng vẫn thuyết phục được Ả rập Xê út “phớt lờ” quan điểm của Iran để cùng Nga hạn chế sản lượng khai thác dầu.

Xét về thực chất, thỏa thuận Nga-Ả rập xê út vẫn còn nhiều điểm gây nghi ngờ. Trong bối cảnh hiện nay, El-Riyadh đơn giản là không thể đồng thuận “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mà không có sự tham gia của Iran.

Nguyên nhân là do giữa Iran và Ả rập Xê út đang xảy ra một cuộc “chiến tranh lạnh” thực sự. Người Ả rập Xê út sẽ khó có thể “hào phóng” đến mức cho phép Iran tăng cường sản lượng khai thác dầu để bán với giá cao.

Tuy nhiên, nếu như các thông tin về việc Nga và Ả rập Xê út đạt được sự đồng thuận này dù chỉ phần nào đúng như thực tế thì thỏa thuận này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.

Nó cho thấy Nga đã tiến một bước dài trong việc thực hiện chính sách cân bằng ở khu vực Trung Đông.


Bộ trưởng dầu mỏ của Ả rập Xê út, Ali al-Naimi nói với báo chí rằng người khổng lồ năng lượng Ả Rập và Nga đã đồng ý đóng băng việc sản xuất dầu,

Bộ trưởng dầu mỏ của Ả rập Xê út, Ali al-Naimi nói với báo chí rằng người khổng lồ năng lượng Ả Rập và Nga đã đồng ý đóng băng việc sản xuất dầu,

Ranh giới giữa “đen” và “trắng”

Nói một cách so sánh, nếu tính trong khuôn khổ các đối tác “tốt” và “không tốt” của Moscow, El-Riyadh rõ ràng thuộc về đối tác “không tốt”.

Theo các chuyên gia phân tích, Ả rập Xê út là quốc gia rất tích cực trong việc hỗ trợ hoạt động cho lực lượng khủng bố ở vùng Bắc Kavkaz của Nga trong thời gian diễn ra 2 cuộc chiến ở Chesnia.

Ngoài ra, El-Riyadh còn là một trong những “nhà tài trợ” cho các cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đồng thời kéo hàng loạt các quốc gia trong khu vực tụt hậu hàng chục năm phát triển.

Cuối cùng, Ả rập Xê út vẫn đang tích cực cản trở các kế hoạch của Nga ở Syria cả về mặt quân sự (vũ trang cho các lực lượng phiến quân), kinh tế (tài trợ cho lực lượng đối lập Syria) và thông tin tuyên truyền (các phương tiện truyền thông của Ả rập Xê út thường xuyên đăng tải các thông tin về việc lính Nga giết hại nhiều dân thường Syria.

Với những hành động này của phía Arab Saudi, dường như Nga sẽ không thể tìm thấy điểm chung nào với Arab Saudi mà ngược lại, Nga cần phải trợ giúp cho Iran, đối thủ “truyền kiếp” của Arab Saudi để có thể gây những tổn thất tối đa cho Arab Saudi, ví dụ như hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Iran tại Yemen.

Tuy nhiên, trong chính trị không thể phân biệt rõ ràng “trắng-đen” như vậy. Iran, dù là đối tác chiến lược của Nga nhưng chưa chắc sẽ được liệt kê vào danh sách các đối tác “trắng”.

Giữa Nga và Iran có nhiều lợi ích chung nhưng thực tế cũng cho thấy giữa hai bên đang tồn tại những bất đồng có thể nói là sâu sắc.

Iran dù đã “cảm ơn” Nga về sự giúp đỡ không nhỏ trong giai đoạn xung đột Iran-Mỹ đang căng thẳng nhưng rõ ràng Iran không định “cảm ơn” Nga bằng việc ký kết nhiều hợp đồng có giá trị lớn.

Thay vào đó, Iran đang tăng cường tiếp xúc với các đối tác Pháp, Italia và Trung Quốc. Ngoài ra, Iran cũng không muốn tiến hành đàm phán với Nga về “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ.

Ngoài ra, Iran đang “né tránh” trách nhiệm của mình ở Syria khi cố gắng buộc Điện Kremlin phải tham gia tối đa vào các hoạt động quân sự ở Syria, trong khi Iran lại hạn chế tối thiểu sự tham gia của mình.

Nếu như xét từ góc độ lợi ích quốc gia thì những hành động này của Iran lại hoàn toàn hợp lôgic.


Nga - Ả rập Xê út đã đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng khai thác dầu mỏ

Nga - Ả rập Xê út đã đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng khai thác dầu mỏ

Cần “cái nhìn” thực tế

Trong bối cảnh hiện nay, nhằm bảo đảm các lợi ích của mình ở Trung Đông, Nga cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ của mình trong khu vực, trước hết là cần tăng cường hợp tác với Ả rập Xê út.

El-Riyadh rõ ràng đã muốn tìm kiếm “sự hiểu nhau” với Moscow vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: cần phải có đối trọng với Iran (hoặc ít ra là Nga không ngả về Iran); mong muốn trang bị cho quân đội các loại vũ khí hiện đại của Nga đã được kiểm nghiệm trong chiến dịch quân sự ở Syria; nhận được các lợi ích từ phát triển quan hệ chính trị với Nga.

Đối với Moscow, El-Riyadh có thể coi là cánh cửa để Nga tiếp cận với các nước là đồng minh của Ả rập Xê út trong khu vực này.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, điểm cản trở chính hiện nay đối với Moscow và El-Riydah trong việc tăng cường mối quan hệ thực dụng là những “ác cảm” về nhau của giới lãnh đạo hai bên.

Lãnh đạo Nga coi Ả rập Xê út như là quốc gia đang cố gắng phá hoại nước Nga bằng việc ép cho giá dầu sụt giảm. Trong khi đó, lãnh đạo Ả rập Xê út lại coi Nga là nhân tố trong “trục ma quỷ dòng Hồi giáo Shiite” ở Trung Đông.

Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc và các chuyến thăm của quan chức lãnh đạo cấp cao hai bên đang góp phần làm sáng tỏ quan điểm của hai bên để hướng quan hệ hai bên đến hợp tác theo chiều hướng thực dụng hơn.

Các cuộc gặp gỡ, đàm phán trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về dầu mỏ ở Doha (dự kiến 17/4) chính là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Mặc dù vậy, hợp tác với Ả rập Xê út cũng không có nghĩa là Nga sẽ từ bỏ đối tác truyền thống là Iran. Moscow đơn giản là muốn tăng cường hợp tác với cả hai bên.

Điển hình cho mong muốn này là việc chính Iran mới đây đã tuyên bố đã nhận được các tổ hợp tên lửa S-300 đầu tiên do Nga cung cấp.

Nếu như Iran không muốn quan hệ Nga-Ả rập Xê út trở nên gần gũi hơn thì Iran sẽ buộc phải tính đến các lợi ích của Nga, cụ thể là trong lĩnh vực “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại