Nga "hợp tác" với Taliban
Nhiều nguồn tin cho hay trong hai năm trở lại đây, dưới hình thức này hoặc hình thức khác Nga đã có các cuộc tiếp xúc với Phong trào Taliban.
Thậm chí báo chí phương Tây dựa trên lời các quan chức cao cấp của phong trào Taliban đã đăng tin về cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Tổng thống Vladimir Putin và thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansour tại một căn cứ quân sự ở Tadjikistan hồi tháng 9 năm ngoái.
Khi đó, ông Putin đang tham gia Hội nghị khu vực chống khủng bố ở thủ đô Dushanbe.
Cuối tháng 12/2015, Đặc phái viên của Nga về vấn đề Afghanistan Zamir Kabulov tuyên bố: "Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS là kẻ thù chung của Moscow và Taliban, lợi ích của Taliban trùng hợp với lợi ích của chúng tôi".
Ông cũng tiết lộ có một số kênh liên lạc để trao đổi thông tin với phong trào này.
Cuối năm ngoái, đại sứ Nga tại Kabul Alexander Mantinesky cũng đã thừa nhận mối quan hệ của Nga với Taliban.
Nga đang tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan nhằm khuyến khích Taliban tham gia các cuộc thương lượng hoà bình và tìm ra giải pháp cho vấn đề Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố công khai rằng, sự hợp tác giữa Nga và phong trào Taliban là xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố IS.
Trong khi đó, Đại sứ Mantytsky gần đây cũng nói với các phóng viên rằng, những mối liên hệ giữa Nga và Taliban là nhằm đảm bảo an toàn cho công dân Nga tại Afghanistan.
Dù với bất cứ mục đích nào, việc Moscow thừa nhận có mối liên hệ với phong trào Taliban có thể coi là một bước ngoặt trong chính sách của Nga đối với Afghanistan.
Quân đội Taliban tháng 2/2016. (Ảnh: BBC)
Mảnh đất đau thương Afghanistan
Afghanistan có vị trí địa-chính trị hết sức quan trọng đối với Nga. Năm 1979, Liên Xô đã đưa quân vào Afghanistan để ủng hộ chế độ thân hữu với Moscow sau cuộc đảo chính năm 1978. Tuy nhiên, sau 10 năm tổn thất nặng nề, năm 1989 họ đã phải rút về nước.
Nay Moscow đang tìm cách trở lại Afghanistan qua cánh cửa của phong trào Taliban. Tư lệnh tối cao Liên quân NATO Curtis Scaparroti nói ông đang thấy ảnh hưởng của Nga đang ngày càng lớn mạnh ở các khu vực, trong đó có Afghanistan.
Mặc dù còn nhiều khác biệt, nhưng giữa Nga và Taliban đều có mục tiêu chung là chống sự có mặt của Mỹ và sự bành trướng của IS ở Afghanistan.
Bị đánh mạnh và tổn thất nặng nề phải rút khỏi Iraq và Syria, IS đang tổ chức lại lực lượng và âm mưu chuyến căn cứ địa của chúng sang Afghanistan, lấy đó làm bàn đạp mở rộng hoạt động sang các nước cộng hoà Trung Á thuộc Liên Xô cũ và Nga.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) tháng 9/2015, khoảng 3.000 chiến binh IS hiện đang có mặt ở 25 trong tổng số 34 bang của Afghanistan. Theo đánh giá của Nga thì con số này lớn hơn nhiều. Tình hình này hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới an ninh của Nga.
Mỹ và NATO mở chiến dịch quân sự lật đổ chính quyền Taliban năm 2001 với lý do chống khủng bố sau sự kiện 11/9. Từ đó đến nay Mỹ luôn luôn duy trì sự có mặt quân sự tại Afghanistan.
Hiện nay khoảng 10 ngàn quân Mỹ vẫn đồn trú tại Afghanistan với nhiệm vụ chính là bảo vệ chính quyền Kabul và huấn luyện quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Mặc dù vậy, đã 17 năm trôi qua, với chi phí lên tới hơn 1.000 tỷ đô la, Mỹ vẫn không giành được thắng lợi ở Afghanistan, chiến tranh vẫn không chấm dứt, đất nước bị tàn phá nặng nề, ngày càng mất nhiều lãnh thổ vào tay Taliban.
Ông Trump tiếp tục gửi hàng ngàn lính Mỹ sang Afghanistan. (Ảnh: BBC)
Theo đánh giá của Mỹ, hiện nay chính phủ Afghanistan chỉ kiểm soát được khoảng 60% lãnh thổ, 40% còn lại do Taliban nắm giữ. Taliban đang trở thành một lực lượng đối lập mạnh nhất đối với chính phủ Kabul.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây đã phải tuyên bố trước Quốc hội: "Chúng ta đã không thắng tại Afghanistan".
Những nước đi của Nga - Mỹ
Nga tố cáo Mỹ không thực sự chống IS mà muốn duy trì sự có mặt của mình ở Afghanistan để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga.
Ngày 13/4/2017, Mỹ ném quả "bom mẹ" GBU-43 nặng hơn 10 tấn có sức công phá mạnh chưa từng có xuống miền Đông Afghanistan.
Ngày 21/8/2017 Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan và khu vực Nam Á, đưa thêm 3-5 ngàn quân đến Afghanistan, ngoài mục đích công khai là chống khủng bố còn có hàm ý để răn đe Nga.
Moscow cho rằng, sở dĩ họ quan hệ với Taliban là do đây là một tổ chức mang tính chất địa phương hoàn toàn không có tham vọng khu vực. Khi quan hệ với Taliban, các nhà hoạch định chiến lược của Nga đã xuất phát từ luận điểm "không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn" và "kẻ thù của kẻ thù là bạn".
Gần đây, giữa Nga và Taliban có quan điểm giống nhau trong việc chống lại mục tiêu mở rộng hoạt động của IS ở Afghanistan và bác bỏ sự có mặt của Mỹ và NATO.
Sau sự kiện 11/9/2001, Nga không phản đối Mỹ tấn công lật đổ chính quyền của Taliban và sau đó còn tham gia hỗ trợ hậu cần trong khuôn khổ chương trình hợp tác với NATO nhằm tái thiết Afghanistan.
Tổng thống Nga Putin và Thủ lĩnh phong trào Taliban Mullah Akhtar Mansour (Ảnh: NewsBangladesh)
Đến năm 2013, Nga còn phản đối việc đưa Taliban vào tiến trình chính trị với lý do không khuyến khích khủng bố. Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và NATO bành trướng ảnh hưởng về phía Đông, triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu.
Nga công khai chỉ trích Mỹ tìm cách ngăn cản không cho Nga và Iran tham gia vào việc xác định tương lai của Afghanistan.
Không thể đứng ngoài cuộc, Moscow đã đưa ra một kề hoạch riêng để có được ảnh hưởng và vai trò độc lập của mình thông qua các cố gắng kết nối với chính phủ Kabul. Để thực hiện được mục tiêu này, Nga đã đưa ra phương án gắn viện trợ kinh tế và hứa hẹn đầu tư với viện trợ quân sự.
Vấn đề không thể giải quyết bằng quân sự
Afghanistan có thể đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giống Syria, giữa một bên là Washington và NATO, bên kia là Nga và Iran. Sự thay đổi quan điểm của Nga đối với Taliban sau khi phong trào này tăng cường quy mô các hoạt động chống chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ.
Báo Al-Arab phát hành tại London số ra ngày 7/7/2017 cho biết, năm 2016 các cuộc tấn công của Taliban vào quân chính phủ và quân Mỹ tăng 35%. Những cuộc tấn công này đã gây ra nhiều thiệt hại cho chính phủ Afghanistan và quân Mỹ.
Chính cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người được Mỹ đưa lên đỉnh cao quyền lực sau khi lật đổ chế độ Taliban, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây của kênh truyền hình Fox News, đã phê phán mạnh mẽ chính sách của Mỹ ở Afghanistan và nói rằng Mỹ đã tạo ra tổ chức khủng bố IS.
Ông Karzai tuyên bố, chiến lược của Mỹ là chống lại hoà bình và đi ngược lại lợi ích của nhân dân Afghanistan. Chính Mỹ trước đây đã ủng hộ các lực lượng Mujahideen (phần lớn sau này gia nhập Phong trào Taliban) để chống lại Liên Xô.
Tình hình Afghanistan ngày càng cho thấy vấn đề không thể giải quyết được bằng quân sự. Các bên liên quan đến cuộc xung đột, kể cả Mỹ và chính phủ Kabul đang tính đến một giải pháp hoà bình với sự tham gia của Phong trào Taliban.