Bên cạnh đào tiên, Tây du ký 1986 còn một loại quả khác gây tò mò không kém là nhân sâm nghìn năm mang hình hài đứa trẻ sơ sinh. Trong nguyên tác, tác giả Ngô Thừa Ân miêu tả loại nhân sâm trên 3.000 năm mới ra hoa, 3.000 năm sau nữa mới kết quả, muốn quả chín ăn được lại phải đợi thêm 3.000 năm nữa. Người nào có phúc được ngửi quả ấy một lần thì sẽ sống thọ 360 tuổi, ăn được một quả thì sẽ sống mãi 47.000 năm.
Để tạo ra những quả nhân sâm nghìn năm đặc biệt trong phim, nữ đạo diễn Dương Khiết đã từng phải lao tâm khổ tứ rất nhiều. Với kĩ xảo nghèo nàn thời đó, việc biến một loại quả không có thật thành loại quả có thật mà các nhân vật trong phim có thể cắn ăn ngon lành là điều không hề đơn giản.
Cận cảnh nhân sâm nghìn năm.
Cuối cùng, bà đã quyết định cho mời nghệ sĩ mỹ thuật Trương Liệt Quân từ Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Tứ Xuyên tới giúp sức. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, họ quyết định sử dụng củ đậu của vùng Tứ Xuyên để tạo nên những quả nhân sâm ngàn năm.
Theo đó, nghệ sĩ Trương Liệt Quân dùng dao khắc củ đậu thành hình em bé trong tư thế ngồi, sau đó phủ lớp màu thực phẩm bên ngoài một cách khéo léo sao cho giống trái cây nhất có thể.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, vị chuyên gia mỹ thuật này đã cùng đội ngũ tạo ra hàng trăm quả nhân sâm như mong muốn của đạo diễn Dương Khiết.
Khi xem Tây du ký 1986, nếu tinh mắt, khán giả sẽ thấy lúc Tôn Ngộ Không cắn một miếng từ quả nhân sâm, lòng bàn tay của nhân vật bị dính một ít phẩm màu.
Nhân sâm nghìn năm thực chất là củ đậu
Sau khi tạo ra số lượng quả nhân sâm đủ dùng, đạo diễn đã lựa chọn một cây cổ thụ có tuổi đời hơn 1.700 năm, chiều cao 6.3 mét để gắn nhân sâm nghìn năm lên.
Đây là cây cổ thủ mà Trương Tòng – một nhân vật lịch sử đã cho trồng từ đời Hán. Đặc biệt hơn, cái cây này lại nằm ngay trong khu đất có phần mộ của cha đẻ đạo diễn Dương Khiết.