Mặt hàng được "săn lùng" nhiều nhất dịch Covid-19: Phụ kiện máy tính, thiết bị nhà bếp và bao cao su

Hoàng Linh |

Công ty so sánh giá iPrice Group thống kê nhu cầu tìm kiếm trực tuyến và phát hiện 6 nhóm sản phẩm nhờ Covid-19 mà “đắt như tôm tươi” trên chợ trực tuyến, với nhu cầu tăng gấp hàng trăm lần.

Bộ Công Thương cho biết, trong khi doanh thu tại các chợ tại Hà Nội đã giảm 50 - 80% thì ngược lại, doanh thu từ mua sắm online qua các kênh thương mại điện tử của một số doanh nghiệp đã tăng từ 20 - 30% từ đầu mùa dịch đến nay, cho thấy xu hướng mua sắm online gia tăng mạnh trong đại dịch.

Thống kê của Công ty so sánh giá iPrice Group mới đây cũng chỉ ra 6 nhóm hàng được "săn lùng" nhiều nhất trên chợ trực tuyến trong tháng 3 vừa qua, bao gồm: Dụng cụ tập gym tại nhà, Webcam và bàn phím máy tính, Vitamin C, Máy chơi game và đồ chơi các loại, Thiết bị nhà bếp và bao cao su.

Webcam và bàn phím máy tính

Trước yêu cầu giãn cách xã hội, hàng loạt trung tâm, siêu thị điện máy tạm ngừng hoạt động và chuyển sang bán hàng online cộng với nhu cầu làm việc và học tập từ xa khiến cho nhu cầu mua sắm webcam online gia tăng đến 624% trong tháng 3.

Tiếp sau đó, thống kê của iPrice.vn cũng chỉ ra bàn phím máy tính và chuột máy tính lần lượt đắt hàng hơn trước, với 264% và 67% nhu cầu tìm kiếm mua sắm.

Mặt hàng được săn lùng nhiều nhất dịch Covid-19: Phụ kiện máy tính, thiết bị nhà bếp và bao cao su - Ảnh 1.

Làm việc từ xa, học trực tuyến được doanh nghiệp, trường học triển khai trong dịch Covid-19 khiến cho mặt hàng máy tính, bàn phím, chuột và webcam đắt khách.

Dụng cụ tập gym

Chỉ số cũng tăng vọt ở nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và thể dục, thể thao như máy chạy bộ, xe đạp, với 116% so với tháng trước. Theo lý giải từ iPrice.vn, việc hàng loạt các trung tâm thể thao tạm đóng cửa, các địa điểm công cộng như công viên hạn chế tụ tập đông người khiến cho nhu cầu mua sản phẩm tự tập ở nhà tăng cao.

Vitamin C

Nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe rất được ưa chuộng trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh hai sản phẩm luôn "cháy hàng" là khẩu trang và nước rửa tay khô thì Vitamin C cũng gây "sốt" không kém.

Cụ thể, iPrice ghi nhận từ đầu tháng 3, nhu cầu tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin C đã tăng 42% so với tháng 2. Các sản phẩm này được giới thiệu là có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng của cơ thể, làm giảm nhẹ các triệu chứng cảm cúm và vì vậy đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của người tiêu dùng.

Máy chơi game

Hơn 3 tháng qua, diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thương hàng hóa cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Các mặt hàng giải trí trong thời gian cách ly xã hội được ưa chuộng nhiều hơn.

Trong đó, người tiêu dùng Việt Nam hiện đặc biệt quan tâm tới máy chơi game Nintendo Switch và XBOX khi số lượt tìm kiếm cho hai dòng máy này trên iPrice.vn tăng lần lượt 59% và 40% trong tháng 3.

Bên cạnh đó thì các sản phẩm đồ chơi truyền thống như bộ ghép hình, súng nhựa, yo-yo hay hồ bơi cao su cũng đồng loạt được tìm mua nhiều hơn từ 30% đến 200%.

Thiết bị nhà bếp

Có một sự thay đổi đáng kể từ thói quen ăn uống bên ngoài sang thói quen đặt giao thức ăn đến nhà, từ tiêu dùng mua mang đi đến tiêu dùng an toàn tại nhà do ảnh hưởng của đại dịch.

Điều này dẫn đến nhu cầu mua sắm các thiết bị nhà bếp gia tăng từ giữa tháng 2. Trong đó, nhóm hàng "bán đắt như tôm tươi" gồm máy ép trái cây, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu và nồi nấu chậm. Riêng trong tháng 3, các mặt hàng này đều được tìm mua nhiều hơn từ 50% - 80%.

Cá biệt có sản phẩm máy đánh trứng đã tăng trưởng vượt bậc 249% về nhu cầu tìm kiếm. Theo iPrice.vn lý giải, nguyên nhân có thể xuất phát từ nhu cầu pha chế món cà phê Dalgona hiện đang là "gây bão" trên mạng xã hội.

Mặt hàng được săn lùng nhiều nhất dịch Covid-19: Phụ kiện máy tính, thiết bị nhà bếp và bao cao su - Ảnh 2.

Đồ dùng nhà bếp đắt khách trong mùa dịch Covid-19.

Bao cao su

Dựa trên so sánh hoạt động tìm kiếm trong tháng 3/2020 và tháng 2/2020 cho các sản phẩm và thương hiệu có trong cơ sở dữ liệu của iprice.vn, với hơn 500 đối tác là các website thương mại điện tử tại Việt Nam, iPrice cũng nhận thấy hoạt động mua bán trực tuyến cho bao cao su vốn đã sôi động từ trước, nay tăng thêm 56% chỉ tính từ đầu tháng 3.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra, nhu cầu tăng nhưng nguồn cung thì có nguy cơ giảm do Karex Berhad, công ty sản xuất bao cao su hàng đầu thế giới, hiện phải ngừng sản xuất vì lệnh phong tỏa tại Malaysia.

Mặt hàng được săn lùng nhiều nhất dịch Covid-19: Phụ kiện máy tính, thiết bị nhà bếp và bao cao su - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại