Bất ngờ với kết quả trồng rừng theo phương pháp Miyawaki ở Nhật Bản

Hà Linh |

“Từ những cây nhỏ thành dàn lính canh chỉ trong vài năm thay vì cả thế kỷ” là tít bài báo mà Hannah Lewis say sưa đọc. Bài viết được đăng trên tờ báo Pháp với nội dung xoay quanh tổ chức môi trường có tên MiniBigForest tạo một diện tích nhỏ trồng dày đặc các loài cây bản địa tại Nantes.

Bất ngờ với kết quả trồng rừng theo phương pháp Miyawaki ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Hàng trăm tình nguyện viên đã trồng cây con trên sườn núi Tsukuba theo phương pháp Miyawaki. Ảnh: japantimes

Những cây con này sẽ nhanh chóng trở thành rừng cây bảo vệ người dân khỏi tiếng ồn và ô nhiễm khi lưu lượng xe cộ tăng lên. Hannah Lewis nhận thấy phương pháp trồng rừng có tên Miyawaki này chính là câu trả lời cho điều cô tìm kiếm bấy lâu.

Lewis - nhà nghiên cứu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Biodiversity for a Livable Climate có trụ sở tại Mỹ - đã liên lạc với MiniBigForest và đề xuất ý tưởng tương tự tại xã Roscoff thuộc vùng Bretagne (Pháp).

Khu rừng nhỏ mới được trồng vào tháng 12/2021 này và quá trình biến nó thành hiện thực đã trở thành hạt giống cho cuốn sách của Lewis có tiêu đề “Cuộc cách mạng rừng nhỏ: Sử dụng phương pháp Miyawaki để nhanh chóng tái hoang dã thế giới” xuất bản tháng 6/2022. Cuốn sách giới thiệu các dự án tái trồng rừng tương tự ở những quốc gia khác và phần hướng dẫn cách thực hiện để các cá nhân và cộng đồng của họ có thể tự trồng rừng.

“Mọi người đều nhận thức được rằng chúng ta có vấn đề lớn nhưng họ chưa biết rõ bản thân có thể làm điều gì để tạo khác biệt. Mọi người trên khắp thế giới nhận ra rằng phương pháp này là một hướng đi tốt”, cô Lewis nhận xét.

Ý tưởng xanh

Bất ngờ với kết quả trồng rừng theo phương pháp Miyawaki ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Với phương pháp Miyawaki, những cây nhỏ có thể phát triển mạnh mẽ thành khu rừng nhỏ chỉ trong vài năm. Ảnh: japantimes

Cố giáo sư Akira Miyawaki tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) đã hình thành phương pháp trồng rừng này vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Phương pháp Miyawaki khuyến khích trồng dày đặc, ngẫu nhiên các loại cây bản địa và cây bụi đa dạng để chống lại nạn phá rừng. Việc trồng phối hợp từ 10 đến 30 loài cây khác nhau được điều chỉnh phù hợp với khí hậu và địa chất cụ thể của khu vực đồng thời tạo ra một khu rừng ở giai đoạn trưởng thành hoặc cao đỉnh, có năng lực tồn tại ở bất kỳ đâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm.

Cây con, được chọn ngẫu nhiên từ hỗn hợp các loài. Cứ một mét vuông sẽ có 3 cây được trồng và sau đó chúng được phủ rơm rạ hoặc vật liệu tự nhiên sẵn có khác tại địa phương để ngăn chặn cỏ dại và duy trì độ ẩm của đất. Sau ba năm đầu tiên làm cỏ và tưới nước, một khu rừng Miyawaki có thể tự duy trì với những cây có khả năng phát triển trung bình một mét mỗi năm. Kết quả thu được sau vài thập niên là một khu rừng mà thông thường trong tự nhiên phải mất hàng trăm năm để phát triển.

Những khu vực dày đặc các loài đa dạng, được bố trí ngẫu nhiên không chỉ là đặc điểm của phương pháp Miyawaki mà còn của các khu rừng tự nhiên trưởng thành. Khu hỗn hợp các loại cây xen kẽ sát nhau khuyến khích thực vật cạnh tranh và hợp tác khi chúng tạo ra một mạng lưới sự sống trên và dưới mặt đất.

Giáo sư về hưu của trường đại học quốc gia Yokohama – ông Kazue Fujiwara lập luận: “Các loài cây có chiến lược phát triển khác nhau. Ví dụ, một cây sồi thường xanh có thể cao đến 20 hoặc 25 mét và có rễ chính rất sâu. Trong khi đó, hoa trà là một loại cây tầng dưới trong khu rừng cao đỉnh. Hoa trà có hệ thống rễ nông hơn lan rộng và tạo điều kiện cho nó cùng tồn tại với những cây lớn. Hệ thống rễ nông và sâu này tạo thành một mạng lưới ổn định đất và duy trì mực nước”.

Khả năng giữ nước và ổn định đất khiến rừng Miyawaki trở nên lý tưởng cho các sườn dốc có nguy cơ sạt lở do nạn phá rừng hoặc nơi độc canh chiếm ưu thế. Ông Fujiwara đã hợp tác với Hiệp hội Bồi dưỡng Hành tinh Xanh để trồng lại các sườn dốc phía sau Đền Tsukuba ở tỉnh Ibaraki vốn đang được thống trị bởi cây bách và tuyết tùng. Một cảnh tượng phổ biến trên các sườn núi ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản, những loài này được trồng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để bán làm vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, luật thương mại thay đổi và vật liệu xây dựng hiện đại khiến gỗ nội địa trở nên quá đắt đỏ. Trong bối cảnh đó, cây tuyết tùng và bách mọc quá nhiều, vượt mức phát triển thông thường trong tự nhiên. Ngày nay, nhiều nơi tại Nhật Bản phải hứng chịu tác động sinh thái từ việc quản lý rừng yếu kém này.

Ông Fujiwara nói: “Tuyết tùng và bách là những cây rễ nông, do đó rừng thương mại thường yếu đuối khi đối mặt với gió mạnh và mưa lớn. Loại rừng này được khai thác sau 45 năm trồng, điều này đồng nghĩa không còn thứ gì khác mọc lên ở dưới. Nếu bổ sung thêm cây lá rộng, cây và đất sẽ giữ nước tốt hơn từ đó hình thành một khu rừng khỏe mạnh”.

Những khu rừng nhỏ

Bất ngờ với kết quả trồng rừng theo phương pháp Miyawaki ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Chỉ sau 4 năm, những cây xanh này đã phát triển trưởng thành. Ảnh: japantimes

Kể từ năm 2007, giám đốc Hiệp hội Bồi dưỡng Hành tinh Xanh Ayako Ishimura cùng các tình nguyện viên của tổ chức này đã trồng cây con của các loài bản địa từ hạt giống được thu lượm quanh khu vực Đền Tsukuba. Cây con chỉ được trồng cho đến khi chúng 3 tuổi cứng cáp.

Vào tháng 6/2022, đã có 300 người đã tập trung tại Đền Tsukuba để trồng và phủ 1.000 cây con trên khu đất rộng khoảng 500 mét vuông. Trong khi những cây con gần như không cao quá đầu gối của các tình nguyện viên thì những cây được trồng bốn năm trước ở một địa điểm gần đó đã cao hơn 8 mét. Chúng nằm giữa những cây tuyết tùng và cây bách thẳng tắp, vỏ màu đỏ.

Trưởng giáo sĩ Kiyokazu Kusayama Đền Izumo Taisha Sagamibushi tại Hadano, tỉnh Kanagawa cũng tin tưởng phương pháp Miyawaki. Năm 2007, giáo sĩ Kusayama cùng 200 tình nguyện viên đã trồng khu rừng Miyawaki đầu tiên dọc phía Tây ngôi Đền Izumo Taisha Sagamibushi. Khu rừng 3.000 mét vuông đóng vai trò như một vùng đệm giữa ngôi đền và con đường tấp nập xe cộ, chỗ đường sắt giao nhau. 17 năm sau đó, hơn 30 loại cây khác nhau mọc lên, có cây cao gần 20 mét.

Đối với ông Kusayama, mỗi cây được trồng sẽ khôi phục và làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa cộng đồng địa phương với thiên nhiên. Ông chia sẻ: “Khi mọi người chung tay trồng rừng, họ nhận ra tầm quan trọng của cây cối và quan tâm hơn đến môi trường”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại