Bất ngờ về "Đại tá Tomb" Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ

Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN |

R.Cunningham là một trong ba phi công giỏi nhất, nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ông được phía Mỹ cho là đã bắn hạ "Đại tá Tomb" - một siêu phi công của Không quân Việt Nam.

MiG-17 tiêu diệt máy bay Mỹ - Ảnh minh họa

MiG-17 tiêu diệt máy bay Mỹ - Ảnh minh họa

LTS: Nhiều năm sau chiến tranh, nhờ sự nỗ lực kết nối của các cựu chiến binh phi công chiến đấu Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có những cuộc gặp gỡ giữa cựu phi công của hai nước được tổ chức. Những người lính từng ở hai bên chiến tuyến đã cùng gặp mặt để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Trong các năm 2016, 2017, và 2018, đã có ba cuộc gặp gỡ cựu phi công Việt - Mỹ được tổ chức. Cuối tháng 9/2018, đoàn cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội, mở đầu cuộc gặp gỡ lần thứ ba.

Xin trân trọng giới thiệu loạt bài của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN - một người trực tiếp tham dự và ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp của cuộc gặp gỡ cựu phi công Việt - Mỹ lần thứ ba.

---------------

Kỳ 1. Bất ngờ huyền thoại "Đại tá Tomb" của Không quân Việt Nam - Trận không chiến khiến người Mỹ kính nể!

Huyền thoại "Top Gun" đi viếng mộ thiếu úy KQNDVN

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi xa, nhưng với nước Mỹ và đặc biệt là những quân nhân Mỹ đã từng tham chiến, đó là một vết thương sâu, vẫn thi thoảng rỉ máu.

Trong tâm trí nhiều người Mỹ vẫn còn đó những câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng: Vì sao sức mạnh khổng lồ đứng đầu thế giới của nền công nghiệp và quân sự Hoa Kỳ lại phải bó tay thất bại ở Việt Nam?

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 1.

Tác giả - nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, nguyên sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Sau chiến tranh, đã có nhiều nỗ lực hàn gắn, hòa giải giữa những cựu binh đã từng một thời ở hai bên chiến tuyến, trong đó có các cựu phi công chiến đấu.

Nhờ sự nỗ lực kết nối của một số cựu phi công chiến đấu Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên đã thống nhất tổ chức hoạt động gặp gỡ cựu phi công Việt - Mỹ.

Tháng 04/2016 một đoàn cựu phi công Mỹ do Đại tá Charlie Tutt làm trưởng đoàn đã đến thăm Việt Nam và đã có cuộc gặp gỡ, giao lưu với các cựu phi công chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN).

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các cựu phi công hai bên, mở đầu cho những cuộc gặp mặt, giao lưu và trao đổi giữa cựu phi công chiến đấu của hai nước sau này.

Tháng 09/2017, nhận lời mời của các cựu phi công Mỹ, đoàn cựu phi công chiến đấu không quân Việt Nam do Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát làm trưởng đoàn đã đến thành phố San Diego để tham gia những sự kiện trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai.

Trong đoàn có đại diện các cựu phi công MiG-17, MiG-19 và MiG-21, người lớn tuổi nhất là phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy. Cuộc gặp lần thứ 2 ở San Diego với tâm điểm "Từ không chiến đến hòa giải - From Dogfight to détente".

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, các cựu phi công Việt - Mỹ có cuộc gặp mặt, giao lưu lần thứ ba tại Hà Nội.

Trong các cuộc gặp mặt, giao lưu, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy luôn là trung tâm chú ý của các cựu phi công Mỹ và các nhà báo.

Ông (Nguyễn Văn Bảy) đi đến đâu cũng có rất nhiều người hỏi chuyện, xin chụp ảnh kỷ niệm với ông và quay phim, phỏng vấn ông.

Các cựu phi công Mỹ và gia đình họ rất muốn về thăm mảnh đất nơi đã sinh ra người phi công huyền thoại. Ông đã mời đoàn cựu phi công Mỹ về thăm quê ông.

Vì vậy, sau cuộc gặp mặt, giao lưu ở Hà Nội, đoàn cựu phi công Mỹ đã bay vào TP.HCM để gặp gỡ một số cựu phi công Việt Nam do tuổi cao và sức khỏe nên không thể ra tham dự cuộc gặp mặt ở Hà Nội. Họ cũng đã về Lai Vung, Đồng Tháp thăm gia đình Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Tác giả (Nguyễn Việt Cường) cũng đã được tham gia, chụp ảnh và ghi chép lại những hoạt động của cựu phi công Việt Nam và cựu phi công Mỹ tại Khánh Hòa, TP.HCM, và Đồng Tháp trong cuộc gặp gỡ lần thứ ba.

Trong ba lần gặp mặt, giao lưu giữa các cựu phi công hai nước, người chuyển tải chính các nội dung trao đổi cho cả hai phía là phi công Nguyễn Nam Liên, cơ trưởng của Hãng Hàng không Việt Nam, nguyên giáo viên bay Trường Sĩ quan Không quân, anh là phiên dịch chính trong các cuộc gặp mặt, giao lưu.

Dịch những trao đổi về không chiến với những từ chuyên ngành cần phải vừa vững về tiếng Anh, vừa phải có chuyên môn giỏi trong lĩnh vực hàng không, phi công Nguyễn Nam Liên đã làm rất tốt vai trò của mình.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 3.

Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham bên mộ liệt sĩ KQNDVN Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

Trở lại với diễn biến cuộc gặp gỡ lần thứ ba: Sau cuộc gặp tại Hà Nội, một cựu phi công Mỹ khoảng 80 tuổi, chân bước khập khễnh do đầu gối bị mổ xin phép được tách đoàn để vào vùng biển miền Trung, nơi ông còn món nợ, nỗi ân hận mà gần 50 năm qua luôn ám ảnh ông.

Người phi công già đó chính là Randy "Duke" Cunningham, cựu phi công tiêm kích của Hải quân Mỹ. Ông là một trong ba phi công giỏi nhất, nổi tiếng nhất nước Mỹ. Sau này khi tham gia chính trường, ông đã từng trúng 2 khóa Thượng nghị sĩ của một Bang nước Mỹ.

Trong không quân Mỹ vẫn còn lưu lại một huyền thoại về R. Cunningham: Ông chính là người đã bắn hạ "Đại tá Tomb" - một siêu phi công của Bắc Việt.

Lần này đến Việt Nam, Randy Cunningham muốn thực hiện một nguyện vọng cuối đời: Ông muốn đến thăm phần mộ và gia đình liệt sĩ phi công không quân Việt Nam Trà Văn Kiếm, người đã không chiến với ông và bị ông bắn hạ ngày 10/05/1972.

Trước khi sang Việt Nam dự cuộc gặp mặt lần thứ ba, ông và phi công Nguyễn Nam Liên, phi công Phạm Đông đã trao đổi nhiều lần về chuyến thăm gia đình liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Phi công Nguyễn Nam Liên đã đi cùng người cựu phi công Mỹ từ Hà Nội vào thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa - nơi an nghỉ liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Như nhiều cựu phi công Mỹ khác, Randy Cunningham cũng có thoáng lo âu khi nghĩ đến phản ứng của gia đình liệt sĩ. Nhưng rồi bằng những tình cảm tại các cuộc gặp mặt, giao lưu giữa cựu phi công hai nước; những cảm nhận qua những lần tiếp xúc với người dân khi ông đến thăm Việt Nam … những lo âu cũng dần qua.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 5.

Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham bên bàn thờ liệt sĩ KQNDVN Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

Trở lại chiến trường Việt Nam năm 1968: Trước tình hình máy bay Mỹ bị không quân Việt Nam bắn rơi với tỉ lệ đáng báo động, phía Mỹ đã tổ chức chương trình Top Gun (Tay súng hàng đầu) để huấn luyện lại cho phi công Mỹ các phương pháp không chiến với những loại máy bay MiG khác nhau.

Đồng thời, chương trình Top Gun cũng cải tiến lại hỏa lực trang bị cho các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Tại các đơn vị trực tiếp tham chiến, Mỹ chọn 1% số phi công thiện chiến nhất để tham gia, sau đấy số phi công này sẽ về tổ chức huấn luyện tại các đơn vị. Phi công R.Cunningham là một trong những người tham gia chương trình này, và cũng là người xuất sắc bậc nhất trong số 1% phi công thiện chiến nhất của Mỹ.

Sau này, khi làm bộ phim Top Gun nổi tiếng, các nhà làm phim Mỹ đã xây dựng nhân vật nam chính (do tài tử Tom Cruise thủ vai) với hình mẫu là Randy Cunningham ngoài đời.

R.Cunningham đã trực tiếp lái thử máy bay MiG-17 và máy bay MiG-21 mà Mỹ thu được ở Trung Đông để tìm hiểu về tính năng của các loại máy bay MiG, từ đó chỉ ra các điểm mạnh, yếu để khắc phục. Kết thúc chương trình huấn luyện cũng là lúc Mỹ phát động chiến dịch Linebacker 1.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 6.

Phi công Randy Cunningham chính là nguyên mẫu cho nam chính trong phim Top Gun - do tài tử Tom Cruise thủ vai

Ngày dài không chiến - MiG-17 đối đầu F-4 Hoa Kỳ

Ngày 10/05/1972, ngày đầu tiên của chiến dịch Linebacker 1, là ngày ghi nhận nhiểu kỷ lục nhất trong không chiến ở Việt Nam:

- Ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất;

- Số lần xuất kích của hai bên nhiều nhất;

- Phía Mỹ tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu nhất;

- Lần đầu tiên KQNDVN sử dụng cả 4 trung đoàn hiệp đồng chiến đấu; và

- Là ngày máy bay của cả hai phía bị rơi nhiều nhất.

Sau này, Kênh truyền hình History Channel đã chiếu một loạt phim về các trận không chiến ngày 10/5/1972 với tiêu đề "Ngày đẫm máu" (The Bloodiest Day).

Trong ngày mở đầu cho chiến dịch Linebacker 1 này, phía Mỹ đã huy động hơn 400 lần chiếc máy bay vào đánh phá các mục tiêu ven biển và sâu trong đất liền bao gồm cả khu vực Yên Viên, kho xăng Đức Giang, cầu Long Biên.

KQNDVN đã dàn thế trận sẵn sàng chiến đấu. Các Sở Chỉ huy được tăng cường kíp trực ban có nhiều kinh nghiệm. Tại Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân: Tư lệnh Đào Đình Luyện chủ trì, đồng thời cũng có mặt của các Phó Tư lệnh: Trần Mạnh, Trần Hanh; Phó Chính ủy Hồ Luật.

Kíp trực ban dẫn đường gồm: Lê Thành Chơn, Đỗ Cát Lâm, Khổng Đức Thi, Lê Viết Diện.

Mỗi thành viên trong kíp trực ban dẫn đường đều được phân công trách nhiệm rõ ràng:

- Lê Thành Chơn dẫn chính MiG-21 của Trung đoàn Không quân 927 trực tại sân bay Kép, đồng thời dẫn bổ trợ MiG-19 của Trung đoàn Không quân 925 trực tại sân bay Yên Bái;

- Khổng Đức Thi dẫn chính MiG-21 của Trung đoàn Không quân 921 trực tại sân bay Đa Phúc;

- Đỗ Cát Lâm dẫn chính MiG-17 của Trung đoàn Không quân 923 trực tại Gia Lâm.

Các kíp trực ban dẫn đường ở các Sở Chỉ huy Trung đoàn cũng được phân công cụ thể.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 8.

Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham và các cán bộ, cựu sĩ quan KQNDVN chào bên mộ liệt sĩ Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

Ngày 10/05/1972, lúc 12h55, Biên đội MiG-17 của Trung đoàn Không quân 923 gồm: Nguyễn Văn Thọ (số 1) - Tạ Đông Trung (số 2) - Đỗ Hạng (số 3) - Trà Văn Kiếm (số 4) cất cánh từ sân bay Kép.

Sĩ quan dẫn đường Phạm Từ Tịnh và Đặng Văn Hảo dẫn biên đội giữ độ cao 500m bay về phía Bắc cầu Lai Vu chờ ở tầng thấp, phối hợp với MiG-21 của Trung đoàn 927 ở tầng cao hơn. Sở Chỉ huy thông báo vị trí máy bay địch ở cự ly 20km đồng thời cho biên đội lấy độ cao 1.000m, tốc độ 850km/h.

Phát hiện tốp A-7 đang bay từ hướng Đông Nam vào, số 1 Thọ lệnh cho biên đội vứt thùng dầu phụ, lấy độ cao 1.500m, tốc độ 900km/h. Tốp A-7 tách thành 2 tốp, số 1 Thọ cắt bán kính bám theo chiếc A-7 số 4. Đến cự ly thích hợp, anh nổ súng, loạt đạn trùm lên đầu chiếc A-7.

Khi vòng lạ,i anh thấy tốp F-4 đang bám theo và phóng tên lửa về phía MiG-17 số 3 và số 4, anh hô to: "cơ động" nhưng chỉ có số 4 cơ động kịp thời, còn phi công Hạng (số 3) trúng tên lửa, nhảy dù và hy sinh.

Chiếc MiG-17 của Tạ Đông Trung bám theo chiếc A-7 số 3, chiếc A-7 liền hạ thấp độ cao lủi ra biển, Trung cố đuổi bám theo và bắn, khi đến biển anh quay về hạ cánh ở Kép.

Số 1 Thọ quay lại cùng số 4 Kiếm quần nhau với tốp F-4. Thọ nổ súng 2 loạt nhưng không trúng, anh bám theo và định nổ súng nữa nhưng hết đạn. Máy bay bị thương không thể điều khiển được, anh quyết định nhảy dù.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 9.

MiG-17 Không quân Việt Nam không chiến với máy bay Mỹ

Trong khi dù đang rơi anh nhìn thấy số 4 Kiếm đang quần nhau với tốp F-4, liên tục cơ động tránh tên lửa. Một chiếc F-4 luôn bám sát chiếc MiG-17, sau này mới biết đây là chiếc F-4 của R.Cunningham.

Phi công R. Cunningham trên đường thoát ly ra biển thì nhìn thấy 1 chiếc MiG-17 đang bay ở hướng đối đầu. Ông ta định nổ súng uy hiếp thì chiếc MiG-17 đã bắn trước.

Quá bất ngờ, bằng kỹ thuật bay điêu luyện R. Cunningham kéo dựng đứng chiếc F-4 lên với hy vọng sẽ thoát và chiếc MiG-17 sẽ không thể làm gì được vì không theo kịp. Trà Văn Kiếm quyết định cũng kéo thẳng đứng theo và tiếp tục bắn.

Hai máy bay MiG-17 và F-4 tiếp tục quần nhau và bám sát nhau trên mặt thẳng đứng. Đã có những khi hai buồng lái máy bay gần như áp sát nhau, cả hai bên nhìn rõ nhau.

Vài lần R.Cunningham thoát hiểm và tưởng như thoát khỏi chiếc máy bay MiG-17, ông ta nhìn thấy Hà Nội và biển, nghĩ rằng MiG-17 sẽ bay về, còn ông ta cũng bay ra biển. Nhưng ông ta vẫn bị chiếc MiG-17 bám sát và nổ súng rất mãnh liệt.

Trận không chiến căng thẳng bất phân thắng bại. Mặc dù vậy, Randy Cunningham vẫn là một phi công dày dặn kinh nghiệm hơn, và chiếc F-4 cũng có tính năng vượt trội hơn MiG-17 của Trà Văn Kiếm.

Bằng những động tác rất điêu luyện - thả giảm tốc đột ngột khi đang kéo dựng đứng máy bay của phi công đầy kinh nghiệm, R.Cunningham đã làm cho MiG-17 vượt lên phía trước.

Lập tức Randy Cunningham cho máy bay bám theo và phóng tên lửa, chiếc MiG-17 bị thương và lao xuống cánh đồng huyện Thanh Hà, Hải Dương, phi công Trà Văn Kiếm không kịp nhảy dù. Sau này người dân nơi đây gọi cánh đồng MiG-17 rơi là Cánh đồng máy bay.

Trận không chiến giữa R.Cunningham và Trà Văn Kiếm mặc dù chỉ diễn ra 3 phút, nhưng đây là độ dài kỉ lục của không chiến trong chiến tranh Việt Nam: Thông thường, không chiến giữa hai máy bay chỉ diễn ra trong vài chục giây hoặc hơn 1 phút.

Trên đường bay ra biển, máy bay của R.Cunningham bị tên lửa SAM-2 bắn rơi, phi công nhảy dù và được cứu thoát.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 11.

Cựu phi công Randy Cunningham mô tả lại trận không chiến giữa ông và Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

"Đại tá Tomb" chỉ là thiếu úy trẻ lần đầu không chiến?

Trong những năm chiến tranh Việt Nam (1965-1973), có một "giai thoại" trong không quân Mỹ về nhân vật "đại tá Tomb" - một phi công Bắc Việt huyền thoại đã bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Có nhiều giả thuyết theo lối "đồng âm, khác nghĩa" nói rằng đại tá Tomb tên là Nguyễn Tuân, hay Đinh Tôn (một phi công nổi tiếng khác của KQNDVN).

Nhiều người bên phía Mỹ cho rằng trong ngày 10/05/1972 định mệnh, R.Cunningham đã quần nhau với "đại tá Tomb", họ cho rằng chỉ có một nhân vật như vậy mới đủ tầm điều khiển chiếc MiG-17 lạc hậu đánh tay đôi sòng phẳng với F-4 hiện đại trong tay một phi công ưu tú nhất trong không lực Hoa Kỳ.

Dù R.Cunningham đã bắn hạ được đối phương, nhưng ông chỉ thắng sát nút trong gang tấc.

Tuy nhiên, phía Không quân Việt Nam không đưa các sĩ quan cấp tá trở lên trực tiếp tham chiến. Cái tên "Đại tá Tomb" chỉ là một huyền thoại do các phi công Mỹ tưởng tượng ra.

Thực ra, người bị Randy Cunningham bắn hạ thực ra chỉ là thiếu úy Trà Văn Kiếm - một phi công trẻ mới không chiến lần đầu. Anh hi sinh, nhưng đã giành được sự tôn trọng và kính phục từ đối thủ. Người bắn hạ anh được xem như bắn hạ "đại tá Tomb", đủ để thấy đối phương xem trọng khả năng không chiến của Trà Văn Kiếm như thế nào.

Bất ngờ về Đại tá Tomb Không quân Việt Nam: Trận không chiến kỷ lục khiến người Mỹ nể sợ - Ảnh 12.

Vòng hoa của phi công Randy Cunningham bên mộ liệt sĩ KQNDVN Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

Tại nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Ninh Hòa, cựu phi công R.Cunningham đã quì bên mộ liệt sĩ phi công Trà Văn Kiếm xin được tha thứ. Ông nói rằng: Nếu có kiếp sau được cùng là phi công chiến đấu thì ông ta nguyện bay số 2 để bảo vệ anh Kiếm. Những giọt nước mắt lăn ra trên khóe mắt của người cựu phi công đã gần 80 tuổi.

Sau khi R.Cunningham nói ra những lời từ trong trái tim mình, một làn gió nhẹ đã thổi ngã vòng hoa kết hình phù hiệu của Không quân Mỹ đổ xuống mộ anh Kiếm, những cánh hoa phủ lên mộ anh, ông R.Cunningham và mọi người cùng thốt lên: anh Kiếm đã về chứng giám và đồng ý tha thứ.

Sau khi viếng mộ anh Kiếm, R.Cunningham xin ra thắp hương và viếng mộ của ba và anh trai anh Kiếm - hai liệt sĩ cũng yên nghỉ tại đây.

Trong căn nhà đơn sơ, những người thân của anh Kiếm đãtiếp ông R.Cunningham bằng những trái cây quê hương. Trước bàn thờ anh Kiếm, ông cựu phi công Mỹ kính cẩn dâng bức phù điêu bằng đồng và chiếc khăn choàng mà các phi công Mỹ khi bay dùng để chống lạnh cổ.

Cả hai thứ quà này đều được R.Cunningham chuẩn bị từ bên Mỹ, gửi gắm rất nhiều tâm huyết của người cựu phi công.

Ông R.Cunningham tâm sự: Sau khi đến viếng mộ anh Kiếm, ông thấy thanh thản và khỏe khoắn hơn, yêu đời hơn. Ông cũng muốn những ngày cuối đời được mua một căn hộ và sống bên bờ biển Khánh Hòa xinh đẹp để được gần anh Kiếm.

Trong buổi tọa đàm của các cựu phi công Việt - Mỹ, một lần nữa nước mắt của ông R.Cunningham lại rơi khi nhắc về trận không chiến giữa ông và liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Những giọt nước mắt, sự tha thứ của anh Kiếm và gia đình anh, của người dân Việt Nam, những bàn tay bắt thật chặt đã khép lại những đối đầu để hòa giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại