Theo lịch, phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) sẽ diễn ra trong 4 ngày. Tuy nhiên cuối ngày làm việc thứ 2, HĐXX đã tuyên án sau khi các bên không còn ý kiến tranh luận.
Theo đó, bị cáo Như tiếp tục lĩnh thêm một án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh này bị cáo Võ Anh Tuấn bị tuyên mức án 7 năm tù giam.
Như vậy cùng với mức án đang chấp hành, bị cáo Như phải chịu án tù chung thân, trong khi bị cáo Tuấn chịu mức án 27 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, Huyền Như và Anh Tuấn phải liên đới bồi thường cho công ty Hưng Yên 200 tỷ đồng. Riêng Huyền Như chịu trách nhiệm bồi thường cho bốn công ty 860 tỷ đồng.
Theo HĐXX, các tài liệu, chứng cứ của vụ án đã thể hiện Như có một loạt hành vi gian dối, làm giả con dấu, hồ sơ để chiếm đoạt tiền của năm tổ chức. Hành vi này đã đủ điều kiện cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và cáo trạng truy tố tội danh này là có căn cứ, đúng người đúng tội.
Với bị cáo Võ Anh Tuấn, HĐXX nhận định rằng bị cáo đã mặc nhiên giúp sức cho Như chiếm đoạt 200 tỷ của công ty Hưng Yên, do vậy phải chịu trách nhiệm đồng phạm với Như về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước ý kiến của luật sư cho rằng bị cáo Tuấn đang phải chịu xét xử hai lần về cùng một hành vi, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm chưa xét xử hành vi liên quan đến sự việc xảy ra với công ty Hưng Yên, do vậy lập luận của các luật sư bị bác bỏ.
Tương tự bị cáo Như, HĐXX nhận xét rằng hành vi “Làm giả con dấu” đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để truy tố lại về hành vi “Tham ô tài sản”, do vậy lập luận của các luật sư là không có căn cứ.
Cũng theo HĐXX, các tổ chức gửi tiền nhưng vì lợi ích riêng đã bỏ mặc cho Như chiếm đoạt. Đồng thời các đơn vị đã thỏa thuận để nhận lãi suất vượt trần, lãi ngoài hợp đồng là trái luật. Không những vậy, các đơn vị còn thực hiện thỏa thuận ngoài trụ sở của Vietinbank.
HĐXX nhấn mạnh rằng, trong vụ án này, các nguyên đơn dân sự (năm đơn vị) đã có hành vi gian dối, cả về hình thức và nội dung đều vi phạm pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy người chiếm đoạt là Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hội đồng xét xử vụ án.
Theo cáo trạng, từ năm 2007 cùng với công việc tại ngân hàng, Huyền Như đã tham gia kinh doanh bất động sản với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản “sụp đổ” khiến Như bị thua lỗ, việc thanh toán ngày càng khó khăn.
Để có tiền trả nợ, Như đã lợi dụng danh nghĩa của ngân hàng nơi mình làm việc đi huy động tiền gửi của nhiều công ty, cá nhân rồi chiếm đoạt. Bằng cách lập các chứng từ giả, giả chữ ký của chủ tài khoản, Như đã chiếm đoạt ngay khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản cá nhân.
Tổng cộng Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó 5 công ty nói trên bị chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng. Cụ thể: 209 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya; 200 tỷ của Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên; 380 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông; 124 tỷ của Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu; 170 tỷ của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc.