Cách đây 63 năm (tức năm 1954), công chúng khắp từ Bắc vào Nam đã được phen xôn xao trước sự ra đời của Kiếp hoa – bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên được lồng tiếng, dưới tài đạo diễn của soạn giả cải lương Trần Lang.
Giữa lúc điện ảnh vẫn còn xa lạ, Kiếp hoa ngày ấy đã đạt kì tích khi công phá như một siêu phẩm bom tấn, gây cháy vé tại mọi rạp hát ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Khắp mọi nơi, người ta đổ về các rạp chiếu bóng để được xem phim.
Bầu Long (nhà sản xuất bộ phim) thậm chí còn mua được hẳn một căn biệt thự lớn trên đường Nguyễn Du nhờ tiền bán vé. Ông rất chịu chơi khi thuê nguyên một máy bay trực thăng rải tờ bướm quanh Hồ Gươm.
Kim Chung và chồng trong lễ công chiếu phim Kiếp hoa
Nhan sắc và phong thái đậm chất quý tộc Hà Nội xưa của Kim Chung – Kim Xuân
Ngoài kịch bản hấp dẫn và việc lần đầu được lồng tiếng, thành công vượt bậc của Kiếp hoa còn nhờ vào tài diễn xuất, ca hát của chị em nghệ sĩ Kim Chung (vai Ngọc Lan) – Kim Xuân (vai Ngọc Thủy).
Kim Chung và Kim Xuân trong phim rất đẹp, với khuôn mặt mềm mại, đầy đặn trăng rằm, cùng cặp lông mày lá liễu cong mảnh, ánh mắt sắc sảo và nụ cười tỏa nắng.
Chị em Kim Chung (trái) - Kim Xuân (phải)
Đó là vẻ đẹp thanh thoát, dịu nhẹ, xen lẫn chút đài các và quý phái, được xem như chuẩn mực cho sắc vóc của phụ nữ Hà Nội xưa.
Họ mặc trên người bộ áo dài truyền thống, sử dụng trang sức đơn giản nhưng đậm chất tiểu thư, đặc biệt là ở cách bện tóc và dùng khuyên tai.
Không chỉ đẹp, chị em Kim Chung – Kim Xuân trong phim còn diễn tả đúng cốt cách, phong thái của giới quý tộc Hà Thành xưa, tinh tế trong từng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt.
Dáng dấp, phong cách đậm chất quý tộc
Cái cách họ nhìn nhau, cười nói, đi lại, hay thậm chí là việc rướn ngực về phía trước để cong tấm lưng ong, rồi chắp tay lả lướt nhẹ như gió… mới thật thanh cao, yểu điệu thục nữ làm sao.
Nhìn vào chị em Kim Chung – Kim Xuân, khán giả dễ dàng nhận thấy, từng hành động, bước đi của họ đều là thước đo để các huấn luyện các hoa hậu ngày nay.
Tuy nhiên, những thần thái, tư thế ấy đã gần như biến mất trong giai đoạn hiện tại. May ra chỉ còn danh ca Thái Thanh là giữ được.
Giọng hát điêu luyện
Từ thời xa xưa ấy, chị em Kim Chung – Kim Xuân đã sở hữu kha khá kĩ thuật hát được du nhập từ phương Tây về. Đó là cách hát pha (mixed voice) giữa giọng thật và giả thanh, cùng vibrato nhẹ ở vùng đỉnh trán, trung âm với tốc độ hơi nhanh, tạo nên độ nảy rất cao trên tầm G#4.
Họ hát theo một lối rất mới, pha trộn giữa dân ca truyền thống Việt Nam (qua một số luyến láy, đổ hột) và cách hát tân nhạc đương thời của Tino Rossi, Edith Piaf, Félix Mayol , Lucienne Boyer , Marie-Louise Damien , Marie Dubas , Fréhel… bên Pháp.
Thậm chí, người ta còn thấy văng vẳng đâu đó "mùi" học thuật của Mado Robin.
Đây là minh chứng rõ ràng cho sự pha trộn văn hóa Việt – Pháp trong kiến trúc thượng tầng của lớp người trí thức tiểu tư sản trước 1954, tạo nên những nét rất riêng, vừa hiện đại lại vừa đượm hồn dân tộc.
Đặc biệt, cả Kim Chung và Kim Xuân đều là light lirico soprano nên có quãng giọng, tessitura thích hợp để phối kết hợp hai lối hát Đông – Tây tưởng như đối lập nhau vào làm một. Và họ đã rất thành công.
Toàn bộ đặc điểm trên được thể hiện rõ trong MV ca khúc Dư âm, được cắt từ một cảnh quay trong phim. Đây có thể xem như MV âm nhạc đầu tiên của Việt Nam.
Chị em Kim Chung (vai Ngọc Lan) - Kim Xuân (vai Ngọc Thủy) trình diễn ca khúc Dư âm trong một cảnh phim Kiếp hoa. Thước phim dù đã cũ nhưng không che đi vẻ đẹp, âm thanh chất lượng thấp không làm mờ đi giọng hát rực rỡ của họ.
Với các đổi mới này, chị em Kim Chung – Kim Xuân đã trở thành một trong những thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho nhạc nhẹ Việt Nam. Sau này, các ca sĩ đàn em như Thái Thanh, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh... đã kế thừa tốt nhất cách hát của họ, để nâng lên một tầm cao mới.