Ngày 15/9, Hành trình Từ Trái Tim đã đến thăm, trao sách và tổ chức tọa đàm chia sẻ hệ thức thành công cùng vai trò của việc đọc sách tại trường CĐ Bến Tre và THPT Lê Hoài Đôn (tỉnh Bến Tre). Tham dự chương trình có nhiều lãnh đạo cấp cao của UBND tỉnh Bến Tre, TP Bến Tre và UBND huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre).
Bến Tre là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu về phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL thông qua các chương trình cụ thể như: Chương trình hành động số 10 về "Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp năm 2016"; Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025...
Trò chuyện bên lề sự kiện Hành trình Từ Trái Tim cùng phóng viên Trí Thức Trẻ, lãnh đạo trường CĐ Bến Tre và UBND huyện Thạnh Phú đã có rất nhiều chia sẻ về phong trào khởi nghiệp của địa phương cũng như những mong muốn nhắn gửi đến Tập đoàn Trung Nguyên Legend.
Thành phố Bến Tre ngày nay, điểm đến của Hành trình Từ Trái Tim ngày 15/9/2019.
Người gọi vốn thành công từ Shark Tank muốn Đặng Lê Nguyên Vũ đầu tư vào starup
Anh Nguyễn Minh Thuận - Quyền Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp của Trường CĐ Bến Tre, cho biết sau 3 năm thực hiện chủ trương khuyến khích khởi nghiệp từ Tỉnh ủy, Bến Tre đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ. Là đơn vị giáo dục đào tạo, Trường CĐ Bến Tre đặc biệt quan tâm đến việc trang bị cho sinh viên kiến thức làm giàu. Mỗi năm, nhà trường đều tổ chức ngày hội hướng nghiệp khởi nghiệp kết hợp với hội chợ sách 1 lần.
Ngoài ra, trường cũng tổ chức nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ doanh nhân thành đạt, tăng cường kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp vùng ĐBSCL.
"Vì thế, chúng tôi rất vui khi Hành trình Từ Trái Tim đã đến thăm, trao sách và tổ chức hội thảo khơi dậy khát vọng khởi nghiệp kiến quốc đúng vào lúc tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và người dân toàn tỉnh đang dâng cao".
Anh Nguyễn Minh Thuận - Quyền Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp của Trường CĐ Bến Tre
Ở Bến Tre, lãnh đạo phong trào khởi nghiệp đều là những người dám nói, dám làm. Chẳng hạn như, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh Bến Tre - anh Phù Tường Nguyên Dũng là người rất thành công với dự án trồng sa sâm ở vùng đất ngập mặn ven biển.
Cây sa sâm Việt hay còn nhân sâm cát mọc nhiều ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre có tác dụng tốt trong chữa bệnh và làm đẹp. Từ một loại cây mọc hoang vùng ven biển, anh Dũng đã chế biến loại cây ít giá trị ấy thành những chiếc mặt nạ giấy dưỡng da rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty anh cũng sản xuất 18 loại thực phẩm chức năng, hiện đang được bày bán rộng rãi.
"Ở mảnh đất ngập mặn, nơi người ta vốn chỉ nghĩ đến việc nuôi tôm thì anh Dũng lại có những sự sáng tạo khác biệt tuyệt vời. Không ai nghĩ cây sa sâm lại có thể đem lại giá trị cao đến như thế nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm và luôn tìm tòi cái mới, anh Dũng đã thành công".
Một ví dụ khác là nguyên Trưởng khoa Kinh tế Tài chính trường CĐ Bến Tre hiện cũng đang là giám đốc một doanh nghiệp nổi tiếng chuyên về sản phẩm chế biến từ dừa, đặc biệt là mặt nạ dưỡng da xuất khẩu đi nước ngoài. Công ty của chị hiện đã và đang có tên tuổi cùng chỗ đứng vững chắc.
Với sự định hướng của lãnh đạo tỉnh, Bến Tre luôn đẩy mạnh việc khởi nghiệp gắn với điều kiện địa phương, trong đó đặc biệt nhất là lĩnh vực nông nghiệp với các sản vật nổi tiếng như dừa, thủy hải sản và trái cây nhiệt đới. Lô xoài đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường Mỹ cũng là của doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.
Cá nhân anh Nguyễn Minh Thuận cũng khởi nghiệp thành công với dự án chế biến bột bã mía thành thức ăn chăn nuôi. Ý tưởng này không chỉ giúp tái sử dụng rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường mà còn làm hạ giá thành phẩm cũng như đem đến một nguồn thức ăn chăn nuôi hữu cơ sạch.
Dự án này được anh Thuận đem đến chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) trên truyền hình để gọi vốn đầu tư, và đã kêu gọi được 2 tỷ đồng. Bên cạnh việc làm chủ doanh nghiệp này, anh Thuận cũng đầu tư vào một số doanh nghiệp khác.
Vì đã trải nghiệm trên con đường vươn lên làm giàu và bước đầu đạt được thành công nhất định, anh Thuận luôn mong muốn có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm đến sinh viên. "Kiến thức của một mình tôi thì không đáng nói nhưng tôi luôn muốn có thể kết nối, mời các doanh nghiệp lớn đến trường truyền cho sinh viên khát vọng, kinh nghiệm khởi nghiệp".
Theo anh Thuận, ở Bến Tre, người ta có thể tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo không thua kém gì đất nước Israel được tác giả Dan Senor, Saul Singer hết lời ca ngợi trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp. Nhưng khác với Israel - đất nước nghèo nàn về điều kiện tự nhiên, Bến Tre là mảnh đất trù phú về thiên nhiên, nổi bật về năng lực, phẩm chất con người.
"Tuy nhiên, người Bến Tre có nhược điểm là thường nghĩ hẹp, tư duy nhỏ lẻ. Việc khai mở tư duy, đánh thức khát vọng lớn cho người dân là rất quan trọng. Những chương trình trao sách quý kết hợp với chia sẻ thôi thúc ý chí lập thân, lập nghiệp như Hành trình Từ Trái Tim là rất thiết thực, ý nghĩa và phù hợp với mong mỏi của người dân tỉnh Bến Tre".
Trong số các cuốn sách mà Hành trình đem tặng, anh Thuận rất tâm đắc với cuốn Quốc gia khởi nghiệp và cho rằng đây là cuốn mà thanh niên Bến Tre nào cũng nên đọc.Sự sáng tạo bất tận với vô vàn ý tưởng mới của người Israel đã biến đất nước 60% hoang mạc thành "vườn rau của châu Âu", đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông nghiệp sẽ là những bài học quý cho thanh niên tỉnh Bến Tre trên con đường khởi nghiệp gắn với điều kiện quê hương.
"Hiện nay, Bến Tre cũng đang hình thành các hợp tác xã chuyên canh quy mô rộng. Điều này cũng rất trùng khớp với mô hình nông trang (kibbutz) ở Israel. Ngoài ra, trong thời đại 4.0, khởi nghiệp công nghệ cũng đang được tỉnh đánh giá cao và ưu tiên hàng đầu. Cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp sẽ dạy cho bạn thấy là ai cũng có thể khởi nghiệp, thậm chí không cần vốn. Chỉ cần với bộ óc sáng tạo, những phát kiến trong lĩnh vực công nghệ có thể đem lại rất nhiều tiền. Điều này rất phù hợp với điều kiện của những bạn trẻ xuất phát thấp, không có nền tảng về vốn".
Anh Thuận cũng bật mí, có một Tập đoàn trong nước khiến anh rất ngưỡng mộ về con đường khởi nghiệp làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là Trung Nguyên Legend. Người đứng đầu Tập đoàn - ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng xuất thân con nhà bần nông nhưng nhờ khát vọng lớn và tình yêu với sản vật địa phương nên đã thành công.
"Tôi nghĩ ông Vũ khi đưa chương trình Hành trình Từ Trái Tim đến với Bến Tre là cũng có những dụng ý rất sâu xa. Mong rằng bên cạnh những chương trình ý nghĩa như Hành trình Từ Trái Tim, ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đầu tư vào các dự án starup trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre".
"Bến Tre rất cần những nhà đầu tư có tâm, có tầm như Tập đoàn Trung Nguyên Legend"
Mong mỏi Tập đoàn Trung Nguyên sẽ đầu tư mạnh mẽ vào Bến Tre cũng là điều được ông Nguyễn Trúc Sơn (Phó Chủ tịch - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú) nêu ra khi trao đổi cùng phóng viên bên lề sự kiện Hành trình Từ Trái Tim.
Theo ông Sơn, nhờ chính sách khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, chỉ trong 3 năm, Thạnh Phú từ một trong những huyện sâu xa, nghèo nhất tỉnh Bến Tre đã trỗi dậy mạnh mẽ. Số hộ nghèo, cận nghèo từ 25% đã giảm xuống còn khoảng 15%. Các chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích xuất khẩu lao động học hỏi kinh nghiệm để trở về quê hương khởi nghiệp làm giàu đã và đang được huyện Thạnh Phú thực hiện rất tốt.
Ông Nguyễn Trúc Sơn (áo trắng) cảm kích trước ý nghĩa của Hành trình Từ Trái Tim và kêu gọi Trung Nguyên Legend quan tâm đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ở Bến Tre.
Huyện Thạnh Phú đã và đang phát huy tốt lợi thế về nông nghiệp (dừa, trái cây, gia súc, thủy hải sản) du lịch. Với dân số chỉ khoảng 130.000 người, huyện đã thu hút tới 450.000 khách du lịch.
Để có được những thành tích đáng nể đó, huyện Thạnh Phú đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục với 50% ngân sách dành cho lĩnh vực trồng người. Tuy nhiên, các trường học trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu thư viện chất lượng, khan hiếm các đầu sách dạy làm giàu, kỹ năng sống và khai mở tư duy. Đặc biệt là chất lượng giáo dục cũng là vấn đề khiến địa phương trăn trở bởi theo ông Sơn, giáo dục hiệu quả là phải tạo ra giá trị thật sự.
Vì thế, ông Sơn đánh giá rất cao chương trình Hành trình Từ Trái Tim khi đã gửi tặng đến học sinh trong huyện 5 đầu sách quý là Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách. Đây đều là những cuốn nền tảng, giúp trang bị cho người trẻ kiến thức để xác định đúng tầm nhìn, khát vọng của bản thân.
"Chương trình đã mang đến cho học sinh THPT Lê Hoài Đôn nói riêng và Bến Tre nói chung những kiến thức quý, giúp các em cập nhật và làm quen với sự phát triển của xã hội, khai mở tư duy, khát vọng lớn. Bởi vì muốn có khát vọng, phải có tri thức. Hành trình Từ Trái Tim là chương trình rất phù hợp với phong trào khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre trong bối cảnh tỉnh không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp mà còn xây dựng chiến lược 10 năm nhằm xác định tầm nhìn, khát vọng địa phương để giúp địa phương phát triển nhanh hơn".
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng rất mong muốn Chủ tịch Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ quan tâm, đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở Thạnh Phú nói riêng và Bến Tre nói chung.
"Tỉnh đang kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp lớn có tâm, có tầm để tạo ra sự lan tỏa, thu hút nguồn vốn lớn hơn. Bến Tre đang thiếu những nhà đầu tư lớn và thiếu cả những doanh nghiệp lớn. Tập đoàn Trung Nguyên - một doanh nghiệp lớn đã đi tiên phong về phát triển cây cà phê rất phù hợp trong việc hướng dẫn, định hướng, đầu tư cho những doanh nghiệp Bến Tre đang mong muốn học hỏi, bơi ra để kết nối với thị trường toàn cầu như Trung Nguyên".
* Lịch trình tiếp theo: Ngày 16/9, đoàn sẽ có các hoạt động tại đây và di chuyển tiếp tới Sóc Trăng (xem chi tiết lịch trình).