Kết quả cuộc thăm dò vừa được công bố cho thấy: "Trong tháng Hai năm 2019, 57% người dân Ukraine ở đất nước Ukraine có cái nhìn tích cực hoặc rất tích cực đối với Nga, trong khi 27% nghĩ không tốt hoặc rất tệ về Nga. 17% người được hỏi không có lập trường rõ ràng. Ngoài ra, 77% người dân Ukraine đối xử tích cực với các công dân Nga và 13% người tham gia cuộc thăm dò có cái nhìn tích cực về giới chức Nga".
Kết quả trên đồng nghĩa với việc người Nga đối xử với người Ukraine tốt hơn người Ukraine đối xử với người Nga. 82% người dân Nga đối xử tích cực với người Ukraine trong khi chỉ có 7% người dân Nga có cái nhìn tích cực về giới chức Ukraine.
Các nhà điều tra xã hội học cũng phát hiện ra rằng, có gần 90% người dân tin rằng, Ukraine nên là một quốc gia độc lập. So với tháng Hai năm ngoái, con số người dân Ukraine mong muốn đóng cửa biên giới với Nga đã giảm từ 44% xuống còn 39% trong khi đó số người mong muốn mối quan hệ độc lập với những đường biên giới và hệ thống hải quan giữa hai nước tăng từ 44% lên 48%.
Về phía Nga, số người dân xứ sở Bạch Dương muốn đóng cửa biên giới với Ukraine cũng giảm từ 39% xuống còn 25% so với tháng Ba năm ngoái.
Viện Xã hội học Quốc tế Kiev đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận trên từ ngày 8-20/2 với sự tham gia của 2.042 người có độ tuổi trên 18 sống ở 110 cộng đồng của Ukraine. Họ đã được phỏng vấn trực tiếp. Sai số của cuộc thăm dò không vượt quá 3,3%.
Trung tâm Phân tích Levada cũng tiến hành một cuộc thăm dò tương tự ở Nga. Từ ngày 15 đến 20/2, các nhà xã hội học đã phỏng vấn 1.600 người có độ tuổi trên 18 sống ở 137 cộng đồng thuộc 50 khu vực của Nga. Sai số của cuộc thăm dò không vượt quá 3,4%.
Các cuộc thăm dò dư luận nói trên được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những "kẻ thù không đội trời chung". Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.
Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga.
Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Mặc dù Nga và Ukraine rơi vào căng thẳng cao độ nhưng dường như người dân của hai nước vẫn có cái nhìn tích cực về nhau.