Bất ngờ "thiên vị Israel", Mỹ đẩy cao căng thẳng với Palestine, khoét sâu chia rẽ với đồng minh

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Động thái mới nhất này của Washington một lần nữa làm mất đi vai trò trung gian hoà giải của Mỹ.

Tuyên bố bất ngờ của Washington

Ngày 18/11/2019 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố "Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất không phải là không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức tuyên bố, sự thay đổi quan điểm của Mỹ coi các khu định cư Do Thái không phải là hành động phi pháp là một việc làm "sửa chữa sai lầm lịch sử".

Tuyên bố của Washington được đưa ra trong bối cảnh nội bộ nước Mỹ hết sức căng thẳng, Tổng thống Mỹ D. Trump đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội và có khả năng bị phế truất.

Chính trường Israel cũng đang trong tình trạng hết sức bế tắc. Đến nay, sau cuộc bấu cử lần hai, đã qua hạn chót theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng B. Netanyahu vẫn chưa thành lập được chính phủ, Tống thống Reuven Rivlin đang tính khả năng giao cho Beny Gantz, thủ lĩnh đảng "Xanh-Trắng" đối lập đứng ra thành lập chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Israel không thành lập được chính phủ sau bầu cử.

Trong tình hình phức tạp và căng thẳng như vậy, tuyên bố của chính quyền Mỹ được coi là "một hòn đá ném hai con chim".

Thứ nhất, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nhân vật Do Thái trong nội bộ chính quyền Mỹ đối với Tổng thống D. Trump trong cuộc khủng hoảng với Quốc hội.

Thứ hai, góp phần cứu vãn Thủ tướng Israel B. Netanyahu khỏi cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay.

Israel đã từng trả lại các khu định cư cho Ai Cập và Palestine

Bờ Tây đã bị lực lượng Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967. Trước đó, sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel 1947-1949, Bờ Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhiều lần coi việc xây dựng các khu định cư của người Israel trên đất Palestine là bất hợp pháp và trái với Công ước Geneva năm 1949, nghiêm cấm đưa người Israel sang sinh sống tại các vùng đất bị chiếm đóng.

Quan điểm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ từ trước tới nay là Nhà nước Palestine phải được thành lập trên vùng lãnh thổ Bờ Tây và Dải Gaza. Tháng 12/2016, Hội đồng Bảo an đã tái khẳng định coi các khu định cư của Israel là bất hợp pháp. Mỹ cũng đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết này.

Trước đây, Israel cũng đã xây dựng các khu định cư trên vùng lãnh thổ của bán đảo Sinai và Dải Gaza bị họ chiếm đóng trong chiến tranh năm 1967. Tuy nhiên, sau khi ký Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel năm 1979, Israel đã trả lại các khu định ở Sinai cho Ai Cập và năm 2005, trả lại các khu định cư ở Dải Gaza cho chính quyền Palestine.

Tuyên bố của Mỹ "thiên vị" Israel

Tiếp theo việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này, công nhận cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng là một phần lãnh thổ Israel, việc chính quyền của Tổng thống D. Trump tuyên bố hợp pháp hoá các khu định cư của Israel ở Bờ Tây rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột Israel - Palestine, đi ngược lại chính nghị quyết năm 1978 của Bộ Ngoại giao Mỹ coi các khu định cư của Israel là "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Bất ngờ thiên vị Israel, Mỹ đẩy cao căng thẳng với Palestine, khoét sâu chia rẽ với đồng minh - Ảnh 2.

Khu định cư của Israel. Ảnh: Reuters

Tuyên bố này cũng hoàn toàn trái với những thoả thuận đã đạt được giữa Israel và Palestine nhằm giải quyết cuộc xung đột, đặc biệt là Tuyên bố về các nguyên tắc của giải pháp (Declaration of Principles - DOP) còn được gọi là Thoả thuận Oslo ký năm 1993 giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Tuyên bố này của Mỹ là sự coi thường người Ả Rập, người Palestine và cộng đồng quốc tế đang cố gắng tìm ra một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc xung đột, đáp ứng được lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan.

Cộng đồng quốc tế lên án tuyên bố của Mỹ

Các nước Ả Rập, phương Tây và Liên Hợp Quốc đã lên án quyết định của chính quyền Mỹ từ bỏ lập trường trước đây khẳng định các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp.

Thư ký Ủy ban chấp hành PLO Saeb Erekat cho biết, chính quyền Palestine (PA) "đã bắt đầu một loạt các bước đi chống lại lập trường gần đây của Mỹ về các khu định cư, trong đó có việc triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế và Hội đồng Nhân quyền.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit đã lên án và coi tuyên bố của Mỹ là "một sự phát triển rất tiêu cực, coi thường các nguyên tắc pháp lý đã được ghi trong luật pháp quốc tế".

Bộ Ngoại giao Ai Cập, Jordan, Qatar... đều tuyên bố cho rằng các khu định cư của Israel là trái với luật pháp quốc tế và việc Washington thay đổi lập trường là một hành động "giết chết giải pháp" cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở các vùng lãnh thổ của Palestine, Michael Link đã lên án tuyên bố của Mỹ về các khu định cư, cho đây là "vi phạm trắng trợn sự đồng thuận quốc tế và sẽ chỉ dẫn đến hợp pháp hoá sự chiếm đóng của Israel".

Bất ngờ thiên vị Israel, Mỹ đẩy cao căng thẳng với Palestine, khoét sâu chia rẽ với đồng minh - Ảnh 3.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố, lập trường của EU là "rõ ràng, không thay đổi" và khẳng định "mọi hoạt động định cư của Israel là bất hợp pháp, gây nguy hiểm cho khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước và triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài". EU kêu gọi Israel chấm dứt các hoạt động định cư.

Bộ Ngoại giao Nga, Pháp, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... đều tuyên bố cho rằng "chính sách định cư của Israel tại các vùng đất bị chiếm đóng là bất hợp pháp, trái với luật pháp quốc tế và trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trở ngại đối với hoà bình và đe doạ giải pháp hai nhà nước."

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tuyên bố chính sách định cư của Israel "mâu thuẫn với các quy định cơ bản của luật nhân đạo quốc tế, luật chiếm đóng".

Ngay cả ứng cử viên tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thuộc đảng Dân chủ cũng cho rằng, các khu định cư của Israel là bất hợp pháp. Ông nói: "Một lần nữa, Trump đang cô lập Washington bằng các quan điểm cực đoan của mình."

Tác động tuyên bố của Mỹ

Động thái mới nhất này của Washington một lần nữa làm mất đi vai trò trung gian hoà giải của Mỹ, đẩy giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine vốn đã bế tắc càng trở nên bế tắc hơn.

Tuyên bố của Mỹ cho thấy sự thiên vị rõ ràng của Mỹ đối với Israel, chắc chắn sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Trump và người Palestine, cũng như khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.

Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng M. Pompeo, sứ quán Mỹ tại Jerusalem đã khuyến cáo công dân Mỹ cân nhắc việc đi tới Jerusalem, khu Bờ Tây hoặc Dải Gaza, đồng thời gia tăng nhận thức về tình hình an ninh tại các khu vực này.

Khuyến cáo của sứ quán Mỹ cho biết các cá nhân và tổ chức phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng M. Pompeo có thể sẽ có các hành động nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ, lợi ích hoặc công dân Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Quan điểm của Tổng thống Mỹ D. Trump về cuộc xung đột Israel - Palestine

- Tháng 2/2017, một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống D.Trump tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ "giải pháp hai nhà nước", trái với chính sách của Mỹ từ trước tới nay.

- Tháng 5/2017, Tổng thống D. Trump đến thăm Israel và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

- Tháng 12/2017, D. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn, không chia cắt được của Israel.

- Tháng 8/2018, Mỹ tuyên bố ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ của Liên Hợp Quốc giúp người tị nạn Palestine (UNRWA) và xóa bỏ hơn 200 triệu USD viện trợ cho người Palestine.

- Tháng 9/2018, Mỹ tuyên bố đóng cửa văn phòng Cơ quan Ngoại giao Palestine ở Washington.

- Tháng 3/2019, Mỹ đóng cửa văn phòng Lãnh sự quán của mình tại Jerusalem (được coi là một phái đoàn ngoại giao bên cạnh chính quyền Palestine) và sáp nhập với đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

- Tháng 3/2019, D. Trump tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm đóng năm 1967.

- Tháng 5/2019, Jared Kushner, con rể và cố vấn của Tổng thống D. Trump về Trung Đông tuyên bố "Thỏa thuận thế kỷ" của Mỹ sẽ không đề cập đến "giải pháp hai nhà nước".

- Tháng 6/2019, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman khẳng định Israel có quyền sáp nhập "các bộ phận" của Bờ Tây bị chiếm đóng. J. Kushner tiết lộ khía cạnh kinh tế của "Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ tại Bahrain.

- Tháng 11/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tuyên bố Mỹ không còn coi các khu định cư của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng là "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại