Những con ong đã cố gắng lăn các quả bóng liên tục dù các nhà khoa học không có sự tác động nào nhằm thu hút hay điều khiển chúng. Video thí nghiệm của Đại học Queen Mary, Anh.
Các nhà khoa học ở London (Anh) đã thiết lập các máy quay xung quanh một sân bóng mini được tạo ra đặc biệt để ghi lại hoạt động của 45 con ong và cách chúng tương tác với những quả bóng gỗ nhỏ.
Cảnh quay cho thấy những con ong đã cố gắng lăn các quả bóng liên tục dù các nhà khoa học không có sự tác động nào nhằm thu hút hay điều khiển chúng.
Trong công bố hôm 27-10, nhà khoa học Samadi Galpayage (Đại học Queen Mary, London) cho biết: "Chúng tôi đã thấy rất thú vị khi xem những con ong tham gia vào trò chơi lăn bóng này. Chúng tiếp cận và lăn qua lăn lại những quả bóng hết lần này đến lần khác".
Sân đấu được thiết kế một lối đi qua một con đường không có chướng ngại vật để đến khu vực có thức ăn và một đường khác đi vào khu vực có 18 quả bóng gỗ. 12 quả bóng trong số ấy được phun sơn màu vàng hoặc tím, 6 quả bóng còn lại được giữ nguyên màu gỗ ban đầu.
Sau đó, 28 con cái và 17 con đực được đưa vào sân đấu, mỗi ngày 3 giờ đồng hồ và kéo dài trong 18 ngày.
Tổng cộng 910 hành động lăn bóng của 45 con ong vò vẽ đã được ghi lại. Mỗi con ong lăn bóng từ 1- 44 lần trong một ngày.
Theo nhóm nghiên cứu, hành vi lặp đi lặp lại cho thấy việc lăn bóng là tự nguyện và "vốn dĩ là phần thưởng" vui thích cho những con ong.
Một thí nghiệm khác được thực hiện đồng thời, với 42 con ong được huấn luyện để tìm những quả bóng ở một trong hai buồng có màu sắc khác nhau. Các nhà khoa học nhận thấy những con ong tỏ ra thích màu sắc của khoang nơi chúng có thể lăn các quả bóng.
Nghiên cứu cũng cho thấy những con ong non lăn nhiều quả bóng hơn những con ong già. Đây là kiểu hành vi cũng được thấy ở động vật có vú, bao gồm cả con người. Trẻ nhỏ và các động vật có vú còn non là nhóm dễ tìm niềm vui tươi nhất.
Điều thú vị là ong đực lăn quả bóng lâu hơn so với ong cái và những con ong chơi bóng không liên quan gì đến hành vi kiếm thức ăn, chiến đấu hoặc giao phối, mà được thực hiện trong điều kiện không căng thẳng. Điều này cho thấy những con ong chỉ đơn giản là đang chơi đùa.
Khám phá mới này đã bổ sung thêm vào dữ liệu nghiên cứu về loài ong rằng chúng cũng có thể trải qua "'cảm giác"' tích cực. Mặc dù có kích thước và bộ não nhỏ bé, nhưng rõ ràng ong không chỉ là những sinh vật chỉ biết lấy phấn tạo mật. Chúng thực sự có thể trải qua một số loại trạng thái cảm xúc tích cực giống như các loài động vật lớn hơn.
Đối với nghiên cứu khoa học, phát hiện này có ý nghĩa đối với sự hiểu biết của chúng ta về "tính cách" của côn trùng, củng cố sự tôn trọng và bảo vệ sự sống trên Trái đất ngay cả đối với những loài sinh vật nhỏ bé.