Bất ngờ: Nga đã bị loại khỏi chương trình nâng cấp Su-30 Ấn Độ

Quang Hưng |

Một số quốc gia đang tìm cách giảm phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng Nga.

Đối với Ấn Độ, Su-30MKI của Nga được ví như "xương sống" của Không quân nước này. Với hơn 260 chiếc, chiếm khoảng 50% trong tổng số 500 máy bay chiến đấu đang hoạt động của Ấn Độ. Đáng chú ý, việc sản xuất Su-30 diễn ra tại Ấn Độ bắt đầu từ cuối những năm 1990 và theo giấy phép của Nga.

Điều này khiến việc hiện đại hóa các máy bay chiến đấu này trở nên rất quan trọng đối với Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên, để đi theo con đường này đòi hỏi Ấn Độ phải đàm phán với Moskva và có khả năng phải chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây. Do đó, Ấn Độ từ lâu đã bày tỏ ý định tự xử lý việc nâng cấp Su-30MKI.

Bất ngờ: Nga đã bị 'đá' khỏi chương trình nâng cấp Su-30 Ấn Độ - Ảnh 1.

 

Kế hoạch hiện đại hóa Su-30 của Ấn Độ

Vào cuối tháng 7 năm nay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phác thảo một dự án và ngân sách để nâng cấp lô 83 máy bay đầu tiên. Theo tờ Times of India, sáng kiến này sẽ cần 7,5 tỷ USD, bao gồm cả chi phí thiết kế và chuẩn bị sản xuất. Mục tiêu là kéo dài tuổi thọ hoạt động của máy bay chiến đấu cho đến năm 2055.

Cụ thể, kế hoạch bao gồm trang bị cho Su-30MKI radar Virupaksha AFAR mới của Ấn Độ, đổi mới hoàn toàn các hệ thống điện tử trên máy bay và thậm chí chuyển đổi thành máy bay không người lái. Bản nâng cấp này cũng sẽ bao gồm việc tích hợp vũ khí mới và thay thế động cơ bằng các phiên bản hiện đại hóa. Những nỗ lực này có liên quan chặt chẽ đến việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Ấn Độ.

Quá trình hiện đại hóa dự kiến sẽ mất 7 năm, để nâng cấp 84 máy bay trong khoảng 15 năm. Một số nguồn tin khác cho rằng, tốc độ hiện đại hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, lên tới 25 máy bay mỗi năm, mục tiêu hoàn thành vào năm 2034. Hindustan Aeronautics Limited, nhà sản xuất được cấp phép của Su-30MKI sẽ thực hiện công việc này.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng có những động thái vượt ra ngoài biên giới. Defense Security Asia đưa tin rằng, Ấn Độ và Malaysia đã nhất trí hiện đại hóa 18 chiếc Su-30MKM của Malaysia. Phiên bản nâng cấp sẽ tích hợp tên lửa BrahMos và thay thế một số thành phần bằng các thiết bị mới hơn do Ấn Độ sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Su-30MKM của Malaysia bằng cách cung cấp phụ tùng thay thế.

Armenia cũng đã chính thức xác nhận mong muốn hiện đại hóa phi đội gồm bốn máy bay Su-30 của mình tại Ấn Độ. Thông tin này đã được lan truyền từ tháng 1/2023, mặc dù các cuộc đàm phán chỉ mới bắt đầu, nhưng rõ ràng là các nỗ lực đang được tiến hành.

Bất ngờ: Nga đã bị 'đá' khỏi chương trình nâng cấp Su-30 Ấn Độ - Ảnh 2.

 

"Sự im lặng" của Nga

Những chương trình hiện đại hóa trên cần được Moskva chấp thuận, nhưng sự im lặng hoàn toàn của Điện Kremlin là điều đáng ngạc nhiên, Moskva dường như đang phớt lờ những diễn biến này. Liệu Nga có đang bị gạt ra ngoài lề, hay đó là một nỗ lực nhằm tránh gây sự chú ý về việc tham gia của nước này, vào một chương trình vi phạm lệnh trừng phạt?

Ví dụ, hợp đồng dài hạn gần đây của Hindustan Aeronautics Limited để sản xuất 240 động cơ AL-31FP cho Su-30MKI trong tám năm tới, trị giá 3 tỷ USD. Điều thú vị là Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo rằng tỷ lệ linh kiện trong nước khoảng 63%, như vậy là vẫn còn 37% linh kiện đến từ Nga.

Như vậy quá trình nâng cấp Su-30 với tên lửa BrahMos cũng không thể tiến hành nếu không có sự tham gia của Nga, vì tên lửa này là sản phẩm của liên doanh giữa NPO Mashinostroenie của Nga và DRDO của Ấn Độ.

Điều này chỉ ra rằng, Ấn Độ đang đóng vai trò trung gian cho các hợp đồng quốc phòng của Nga liên quan đến Su-30, loại máy bay đang hoạt động ở nhiều quốc gia như Algeria, Angola, Belarus, Venezuela, Indonesia, Kazakhstan, Trung Quốc, Uganda,... với tổng cộng 270 máy bay.

Bất ngờ: Nga đã bị 'đá' khỏi chương trình nâng cấp Su-30 Ấn Độ - Ảnh 3.

 

Lợi thế cho Ấn Độ

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn giữ một vai trò chiến lược, bởi trọng tâm của quá trình hiện đại hóa là hệ thống thiết bị điện tử, vẫn sẽ do Ấn Độ sản xuất. Ngoài ra, việc thay thế radar H011M của Nga bằng radar Virupaksha của Ấn Độ, sẽ cho phép tích hợp tên lửa Ấn Độ vào Su-30.

Việc tích hợp tên lửa Ấn Độ vào máy bay chiến đấu Su-30MKI và Su-30MKM đặt ra những thách thức đáng kể cho Nga. Bằng cách lựa chọn tên lửa do Ấn Độ sản xuất, nước này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga mà còn tiến một bước tới việc tự chủ hơn về công nghệ quốc phòng.

Nga trước đây đã sử dụng quan hệ đối tác quốc phòng của mình để gây ảnh hưởng chiến lược lên Ấn Độ. Tuy nhiên, việc tích hợp tên lửa Ấn Độ có thể làm giảm đòn bẩy này, cho phép Ấn Độ theo đuổi các chiến lược quốc phòng của riêng mình một cách độc lập hơn.

Nếu Ấn Độ thành công trong việc phát triển và tích hợp các hệ thống tên lửa tiên tiến, điều này sẽ tạo ra tiền lệ mạnh mẽ cho các quốc gia khác noi theo. Xu hướng này có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu, vì nhiều quốc gia có thể lựa chọn nâng cao nền tảng quân sự của họ bằng các công nghệ sản xuất trong nước.

Khi Ấn Độ củng cố ngành sản xuất quốc phòng, nước này có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trên thị trường vũ khí toàn cầu, thách thức sự thống trị của Nga, đặc biệt là ở những khu vực mà Ấn Độ tiếp thị các hệ thống do nước này tự sản xuất. Động thái này có khả năng tạo ra những thay đổi lâu dài trong bối cảnh xuất khẩu quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược của Nga.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại