(Ảnh minh họa)
Tại sao lại là súng máy điều khiển từ xa?
Tờ Forbes của Mỹ dẫn lời các quan chức Iran ngày 30/11 cho biết, một khẩu súng máy điều khiển từ xa đã được sử dụng để ám sát chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran là Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 vừa qua.
Nếu sự việc diễn ra theo như đúng những gì Iran tuyên bố thì đây sẽ là lần đầu tiên một vụ ám sát bằng súng máy điều khiển từ xa được ghi nhận. Điều này cũng cho thấy, vũ khí tấn công chính xác hay vũ khí điều khiển tự động ngày càng trở nên phổ biến hơn, thậm chí các nhóm khủng bố lẫn phiến quân cũng được trang bị các loai vũ khí này.
Còn theo hãng tin FARS của Iran, toàn bộ vụ ám sát diễn ra chỉ vài phút vào đầu chiều ngày 27/11 (theo giờ địa phương). Tehran cũng cáo buộc tình báo Israel đứng sau vụ việc này.
Trước đó, cũng theo truyền thông Iran, có khoảng 12 tay súng tham gia vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Fakhrizadeh, trong đó có cả hai tay súng bắn tỉa.
Trong một tuyên bố vào đầu tuần, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Thiếu tướng Ali Shamkhani cho biết không có bất cứ nghi phạm nào có liên quan đến vụ ám sát Fakhrizadeh xuất hiện tại hiện trường khi vụ việc xảy ra.
Khi chiếc xe chở theo chuyên gia hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh di chuyển tới gần cũng là lúc khẩu súng máy điều khiển từ xa bắt đầu nhả đạn. Ảnh: The Times of Israel.
Theo FARS, khẩu súng máy điều khiển từ xa được đặt trong một chiếc xe tải Nissan đậu ven đường và bắt đầu khai hỏa khi đoàn xe của Fakhrizadeh tiến đến gần. Kẻ điều khiển khẩu súng đã nã nhiều phát đạn vào chiếc xe chở Fakhrizadeh từ khoảng cách 150m. Kết quả chuyên gia hạt nhân Iran thiệt mạng và một vệ sĩ của ông này bị thương nặng.
Ngay sau vụ tấn công kết thúc, những kẻ điểu khiển khẩu súng máy đã cho nổ tung chiếc xe tải bằng một quả bom cài sẵn, xóa đi mọi bằng chứng về chúng.
Sự ẩn danh này chính xác là lý do khiến nhiều quốc gia, bao gồm cả Iran, thường xuyên sử dụng máy bay không người lái (UAV) thay vì máy bay có người lái cho các nhiệm vụ cụ thể ở nước ngoài.
Mặc dù, Iran tuyên bố tìm thấy một số bằng chứng từ hiện trường vụ ám sát chỉ ra Israel có liên quan đến cuộc tấn công nhưng điều này khó có thể xảy ra bởi Tehran không thể thu được gì nhiều từ những gì còn sót lại của chiếc Nissan đã cháy đen.
Việc thiếu bằng chứng cụ thể sẽ khiến Iran có thể giành được sự ủng hộ của quốc tế hay cả dư luận trong nước trong việc thực hiện một hành động trả đũa nhằm vào Israel hay xa hơn là Mỹ.
Bên cạnh đó, có một giả thuyết khác là vụ ám sát Fakhrizadeh không phải do Israel thực hiện mà có một thế lực nào đó đang đổ trách nhiệm cho người Do Thái vốn sẽ trở thành đối tượng nghi vấn đầu tiên khi có một cuộc tấn công nhằm vào Iran.
Vũ khí tuyệt vời để thực hiện các vụ ám sát
Theo David Hambling - Chuyên gia quân sự của Forbes, vũ khí điều khiển từ xa đã có lịch sử phát triển hơn 70 năm. Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng các loại vũ khí như vậy từ Thế chiến thứ 2.
Ví dụ như các tháp súng máy trên máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfortress, 5 tháp súng máy trước đó được điều khiển hoàn toàn bằng tay và cần có xạ thủ ngồi bên trong. Sau nâng cấp, xạ thủ có thể điều khiển các tháp súng từ một khoang riêng biệt.
Cũng theo Hambling, các tháp súng máy của B-29 được điều khiển thông qua một hệ thống kiểm soát hỏa lực do General Electric phát triển. Thiết kế này tiếp tục được Không quân Mỹ phát triển và sử dụng các trên các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 Stratofortress.
Đó là những năm đầu 1950, ngày nay công nghệ chế tạo vũ khí điều khiển từ xa đã tiến thêm một bước khi xạ thủ có thể theo dõi trực tiếp mục tiêu qua hệ thống quan sát quang điện tử dù không ở gần hệ thống vũ khí.
Trong các cuộc xung đột gần đây ở Iraq và Afghanistan, phiến quân thường tấn công xạ thủ súng máy trên xe bọc thép bằng thiết bị nổ tự chế (IED) hoặc súng bắn tỉa. Điều này dẫn đến việc các "xạ thủ hàng đầu" là con người được Quân đội Mỹ thay thế bằng các trạm vũ khí có tên là hệ thống vũ khí điều khiển từ xa phổ dụng (CROWS).
Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa phổ dụng (CROWS) của Quân đội Mỹ, được trang bị cho các mẫu xe bọc thép chiến thuật và cả xe tăng. Ảnh: DefPost.
Những hệ thống như CROWS có thể tích hợp với súng máy hạng nặng cỡ nòng 12.7mm hoặc 7,62mm hoặc súng phóng lựu, với các tùy chọn về camera ngày, đêm hoặc camera ảnh nhiệt. Các hệ thống hoạt động hoàn toàn ổn định hoàn toàn, vì vậy xạ thủ có thể giữ súng máy ở mục tiêu ngay cả khi đang di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Hambling cũng cho biết ở Trung Đông các mẫu súng máy điều khiển từ xa cũng được sử dụng rộng rãi nhất là những điểm nóng như Syria và Iraq. Điển hình như Quân đội tự do Syria trong một số trận đánh ở thành phố Aleppo, các chiến binh Shia ở Iraq và cả các phần tử khủng bố.
Phiến quân Syria với một hệ thống súng điều khiển từ xa tự chế với những thiết điện tử có sẵn trên thị trường. Ảnh: U.S. ARMY.
Mặc dù, công nghệ để chế tạo các loại mẫu súng điều khiển từ xa trên không thể so sánh với hệ thống CROWS của Quân đội Mỹ nhưng nó chắc chắn hiệu quả và đạt được mục tiêu chính là độ chính xác. Nó cũng có hai lợi thế chính so với việc sử dụng các tay súng trên mặt đất.
Một là, không có nguy cơ một đặc nhiệm bị giết hoặc bị bắt trong một cuộc đấu súng với mục tiêu.
Hai là, không thể lần theo dấu vết cuộc tấn công.
Với hai điểm trên cũng không quá khó hiểu khi thế lực đứng sau vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran quyết định sử dụng một mẫu súng máy điều khiển từ xa để thực hiện cuộc tấn công.
Một số mẫu súng máy điều khiển từ xa do Belarus chế tạo.