Bất ngờ 'gây bão' chính trường Nga, Tổng thống Putin đang chọn con đường giống một nhà lãnh đạo châu Á?

Minh Đức |

Chính trường Nga đã có một ngày bận rộn với quyết định từ chức của Thủ tướng Medvedev và những đề xuất mới từ Tổng thống Putin.

Hôm thứ tư (15/1), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một số thay đổi hiến pháp giúp ông có thể kéo dài quyền lực chính trị sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Cùng lúc, Thủ tướng Dmitry Medvedev – một đồng minh lâu năm của ông Putin cũng quyết định từ chức.

Những thay đổi mà ông Putin nêu ra có thể giới hạn quyền lực của người có khả năng kế thừa ông vào năm 2024 khi ông phải rời bỏ vị trí theo quy định pháp luật. Ông cũng đề xuất tăng cường vai trò của Hội đồng Quốc gia mà ông hiện đang đứng đầu. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc gia, ông Putin có thể nắm trong tay quyền lực và chỉ huy chính sách ngay cả khi không còn là tổng thống.

"Hiện chưa rõ ông ấy sẽ giữ vai trò nào và ở vị thế nào. Điều chắc chắn duy nhất là ông ấy sẽ vẫn là người số 1", nhà phân tích chính trị, cựu cố vấn Điện Kremlin Aleksei Chesnakov cho hay.

Lá đơn từ chức của ông Medvedev được đánh giá là sự kiện bất ngờ nhất trong chính phủ Nga trong gần một thập kỷ qua, đặc biệt khi mà ông Putin đang nỗ lực để giữ cho một nền chính trị Nga ổn định bất chấp những áp lực kinh tế và cô lập từ phương Tây.

Trong bài phát biểu thường niên liên bang ngày 15/1, ông Putin khẳng định, những đề xuất thay đổi hiến pháp sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu "do chúng là những thay đổi mang tính nền tảng cho hệ thống chính trị". Truyền thông Nga dẫn lời một quan chức giấu tên tiết lộ, cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra trước mùa hè.

Các đề xuất sẽ cho phép quốc hội có thẩm quyền xác nhận thông qua thủ tướng và các thành viên nội các, đồng thời giảm bớt một số quyền lực của văn phòng tổng thống. Ông Putin cũng đề nghị, vai trò của Hội đồng Nhà nước phải được ghi rõ trong Hiến pháp như một cơ quan điều hành.

Theo Thomas Graham, một học giả tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại ở New York, Tổng thống Putin đang tìm cách để duy trì ảnh hưởng của mình tại Nga trong mọi tình huống.

"Ông ấy muốn kiểm soát quá trình", ông Graham nói. Với khả năng hiến pháp thay đổi, ông Putin "đã tự cho mình một số lựa chọn để có thể làm vậy".

Truyền thông Nga đăng tải, ông Mikhail Mishutin – người đứng đầu cơ quan thuế Nga từ năm 2010 đã được đề cử trở thành thủ tướng Nga tiếp theo. Duma Nga sẽ xem xét điều này vào ngày 16/1. Trong khi đó, ông Medvedev có thể sẽ đảm nhiệm một vị trí mới khá "khiêm tốn" là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.

"Với những điều kiện lúc này, tôi tin rằng, việc chính phủ liên bang Nga đương nhiệm từ chức là điều đúng đắn", ông Medvedev tuyên bố.

Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới đã thay đổi hiến pháp để duy trì quyền lực vô thời hạn, ông Putin lại chọn tuân thủ theo pháp luật. Năm 2008, ông từ tổng thống trở thành thủ tướng còn ông Medvedev giữ cương vị tổng thống trong 4 năm.

Một số nhà phân tích nhận định, ông Putin đang đi theo mô hình từng được nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu thực hiện – đó là dần rời bỏ quyền lực và đảm nhận vai trò bảo hộ cho quốc gia cho tới cuối đời. Năm ngoái, Tổng thống lâu năm Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan đã rời bỏ vị trị để trở thành người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia mới thành lập.

"Một sự chuyển giao quyền lực đã bắt đầu", nhà phân tích chính trị độc lập Valery Soloevi nói. "Nhưng ông Putin gần như chắc chắn không muốn ở trong tâm điểm nữa. Sau 20 năm là nhà lãnh đạo, ông ấy muốn chỉ đạo từ phía sau".

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, ông Putin e ngại mình đã nắm quyền quá lâu và muốn "chỉnh trang" lại di sản của mình khi vẫn còn sống.

Phản ứng từ Washington tỏ ra không quá vồn vã khi giới chức Mỹ hầu như tập trung vào kết quả của cuộc tranh luận tổng thống của Đảng Dân chủ và phiên tòa luận tội sắp tới nhằm vào Tổng thống Trump tại Thượng viện.

Ông Medvedev được đánh giá là gần như chắc chắn sẽ không còn là lựa chọn hàng đầu dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin. Ông Putin chịu trách nhiệm về các quyết định quốc phòng và đối ngoại còn ông Medvedev đảm nhận các chính sách đối nội và kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khi người dân Nga cảm nhận được rõ hơn những thách thức kinh tế và mức sống sụt giảm.

"Ông Medvedev không được người dân Nga ưa thích," nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính trị R.Politik Tatiana Stanovaya chỉ ra.

"Đây là một sự chia tay bất ngờ giữa ông Putin và Medvedev", bà Stanovaya nói. "Putin đang tìm kiếm một ai đó có thể giúp thực thi các cải cách hiến pháp của ông, thông qua đó, ông sẽ muốn kiểm soát người kế nhiệm tương lai. Và Medvedev lại không phải là người như vậy".

Năm nay 53 tuổi, ông Mishustin đã dẫn đầu những cải tổ lớn trong cơ quan thuế Nga, giúp gia tăng doanh thu và giảm bớt tình trạng tham nhũng. Việc Mishustin không quá nổi tiếng có thể là một lí do khiến Tổng thống Putin quyết định đề cử ông.

"Điều đó có thể thỏa mãn mong muốn của dư luận về những gương mặt mới", nhà tư vấn chính trị từng làm việc với ông Putin Abbas Gallyamov đánh giá.

Sự ra đi của ông Medvedev mở ra một sân khấu mới cho những "người chơi" mới trong một chính phủ vốn đang bị cho là ngày càng xa rời quần chúng Nga.

"Nó tạo nên cảm giác về quyền lực được tái tạo và sẵn sàng để giải quyết các nhiệm vụ lớn hơn bởi vì, xã hội đang có ấn tượng là chính phủ không thể giải quyết được các thách thức quy mô lớn hiện tại", nhà phân tích Chesnakov nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại