Trung tá về hưu bất ngờ gặp “bạn quý”
Sau gần 30 năm công tác trong lực lượng biên phòng, ông Nguyễn Thanh Tú (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm Trung tá. Một buổi sáng đầu năm 2013, trong một lần lên núi phát nương trồng rừng, ông Tú bất ngờ bắt gặp chuyện lạ.
Một bầy voọc gáy trắng đang chuyền cành ngay trước mắt ông! Vì trước đây từng được tập huấn nhận diện các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp theo Công ước CITES, ông Tú không khó nhận ra loài này. Voọc gáy trắng vốn chỉ sống ở rừng già, nên trong phút chốc, ông không tin vào mắt mình, không ngờ lại gặp chúng ở một khối núi đá vôi nằm ngay sát khu dân cư.
Thấy ông Tú, chúng không hề tỏ ra sợ hãi, trái lại còn như kiểu “con nọ bảo con kia”, di chuyển gần đến chỗ ông để “xem xét” một hồi, rồi rủ nhau bỏ trốn!
Sau lần “làm quen” với “những người bạn” cực quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ, ông Tú nhiều lần trở lại, đi sâu vào khu vực này để tìm kiếm thêm các đàn voọc khác. Công sức không hề uổng phí, một mặt ông tìm thấy thêm nhiều đàn mới, một mặt ông phát hiện ra tình trạng voọc bị săn bắn trái phép. Thế là ông quyết định hành động là tìm cách bảo vệ các đàn voọc.
“Tú Voọc”, cái tên quen thuộc mà người dân giờ đây người dân vẫn gọi ông, bắt đầu từ đấy.
Loài voọc đen gáy trắng, hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh, có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, được phân loại vào nhóm IB - nhóm động vật cực kỳ quý hiếm và nguy cấp, theo Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới.
Vùng di sản thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi tập trung chính của loài này tại Việt Nam, với khoảng 1.300 cá thể.
Ngoài ra còn khoảng 200 cá thể khác tại huyện Tuyên Hóa, chính là nơi mà ông “Tú Voọc” phát hiện và thành lập tổ bảo vệ, như trong câu chuyện này.
Ông “Tú Voọc” tự đặt ra cho mình nhiệm vụ là tuần tra và ngăn cản nếu phát hiện thấy ai đó định săn bắn voọc. Ông cũng nhiều lần tiếp xúc, vận động người dân xung quanh không săn bắt loài vật này. Thậm chí, với những đối tượng “chuyên nghiệp” quanh vùng, ông Tú chọn cách đóng vai người thu mua, bí mật ghi âm và quay video hành động săn bắt trái phép của họ. Sau đó, ông thông báo rằng mình có chứng cứ trong tay, nếu cần sẽ báo cho công an và kiểm lâm địa phương.
Ban đầu, người trong làng chưa hiểu chuyện, nói ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “thừa hơi làm việc không đâu”. Nhưng dần dần, sự kiên trì và thông tin của “Tú Voọc” cũng đem lại thành quả, người dân hiểu được săn voọc là vi phạm pháp luật, và bắt đầu có người quyết định đồng hành cùng ông. “Nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng” xã Thạch Hóa được hình thành.
“Tiểu đội” đặc biệt của vùng di sản Quảng Bình
“Tiểu đội” tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng do ông Tú làm đội trưởng, hiện có 16 thành viên, bao quát vùng rừng núi rộng khoảng 500ha. Trong số này, có cả những người từng là thợ săn “khét tiếng” trong vùng như ông Hồng, ông Sửu.
Một ngày làm việc của các thành viên trong tổ bảo tồn gồm tuần tra và kết hợp với lao động sản xuất. Tổ giữ liên lạc chặt chẽ với các cán bộ kiểm lâm, công an xã, các xã viên trong các việc như: đi gỡ bẫy săn, cho đàn voọc uống nước, tuyên truyền người dân không săn bắt động vật hoang dã quý hiếm, và thuyết phục thêm nhiều người tăng ý thức chung tay bảo vệ chúng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tú cho biết: “Công việc của tổ tự nguyện khá vất vả do diện tích khu bảo tồn rộng, đường đi lại khá nguy hiểm do là đường núi. Anh em trong nhóm đã từng xảy ra 4 tại nạn, trong đó 2 trường hợp bị gãy chân, nhưng vì là làm tự nguyện nên không có chế độ gì, hoàn toàn do gia đình tự chi trả”, ông Tú chia sẻ.
Nhưng khó khăn nhất với công việc của ông Tú, có lẽ là phải đối mặt với những nhóm săn bắt trộm. “Họ thường xuyên sử dụng súng tự chế. Có người còn đi ô tô vào rừng săn trộm, khi bị phát hiện, họ nổ súng bỏ chạy. Ngoài ra, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên thi thoảng vẫn xuất hiện tình trạng khai thác mật ong rừng gây cháy rừng, khá nguy hiểm”, ông Tú nói.
Từ ngày có “tiểu đội” của ông Tú, việc bảo vệ thảm thực vật của khu vực cũng được cải thiện, nguồn thức ăn cho voọc phong phú hơn, và tình trạng người dân chặt củi, khai thác gỗ, đá và săn bắn cũng đã giảm đáng kể.
Năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp chính quyền địa phương xác định khu vực nhóm ông Tú bảo vệ có khoảng 10 đàn voọc gáy trắng với hơn 100 cá thể ở các xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa. Đến năm 2020, qua kiểm đếm bằng máy của Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) trực thuộc Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam thì đã có 22 đàn với 156 con.
Ông Tú cho biết: “Kể từ tháng 7 năm 2020, số cá thể voọc gáy trắng chưa được kiểm đếm lại. Nhưng theo tôi, hiện nay, số lượng voọc lên tới trên 200 cá thể, vì mới đây, tôi đã ghi lại được hình ảnh của 1 đàn 7 cá thể trưởng thành với 4 con non. Hầu như đàn nào cũng có con non, chúng đều sinh sản rất tốt…”
Để tăng cường thêm hành lang bảo vệ voọc và các loài vật khác, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung thêm 710 ha rừng đặc dụng trên địa bàn xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) vào diện cấm khai thác khoáng sản, để bảo vệ khu vực sống cho quần thể voọc này và các loài động thực vật tự nhiên khác.
Qua thời gian, hoạt động của “tiểu đội” bảo vệ voọc huyện Tuyên Hóa đã “vang danh” vượt ra ngoài địa phận tỉnh quảng Bình.
Cụ thể, ngoài những chính sách và phối hợp của lực lượng chức năng trong tỉnh, “tiểu đội” còn nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Đà Nẵng), Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã WildAct và một số tổ chức phi chính phủ, để trang bị xăng xe đi lại, giày dép, quần áo và thiết bị giám sát.
Trong đó, phía WWF đã hỗ trợ nhóm lắp đặt nhiều bảng, biển báo với các nội dung cụ thể hóa được treo ở những nơi tập trung đông người qua lại, các trục đường giao thông, các tuyến đường xung quanh khu vực rừng có quần thể voọc gáy trắng sinh sống, trên đó là đều ghi số điện thoại của kiểm lâm và số đường dây nóng “tiểu đội” của ông Tú.
Nhóm cũng được Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) hỗ trợ nhiều trong về công cụ hoạt động, công tác tập huấn, vấn đề pháp lý, kỹ năng tuần tra, cứu thương cứu nạn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Năm 2023, Tổ chức Nghiên cứu nông lâm quốc tế (ICRAF) viện trợ không hoàn lại 296.132 USD (khoảng hơn 6,9 tỷ đồng). Số tiền này để thực hiện dự án bảo đồng quản lý đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân khu vực quy hoạch bảo tồn voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa. Theo đó, dự án được triển khai tại 4 xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đến hết quý I năm 2025.
Mới đây, tháng 9/2024, Công ty CP Xây dựng Coteccons phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa trồng trên 11.000 cây xanh tại khu vực rừng đặc dụng quần thể voọc gáy trắng này, và trao 5 suất học bổng cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Đồng Hóa. Trước đó, cũng Coteccons hỗ trợ cho xã Thạch Hóa mở rộng mô hình Sinh kế Bền vững bằng cách trồng cây cà gai leo làm dược liệu; tài trợ bàn ghế, máy tính làm việc cho tổ tình nguyện.
Chưa hết, giờ đây khu vực có đàn voọc cũng đã phối kết hợp dịch vụ cho du khách tham quan.
“Thành công lớn của dự án là việc bảo vệ được hơn 500 ha rừng núi vôi, giữ được môi trường sinh thái và động vật hoang dã. Việc ngắm, chụp ảnh đàn voọc ở lèn núi đá vôi Tuyên Hóa nay dễ dàng hơn nhiều. Không giống như nhiều nơi, khách đến đợi mãi không thấy voọc, ở đây, khách đến ngày nào cũng có thể quan sát đàn voọc (nhưng phải hẹn trước thời gian đến), chúng tôi sẽ giới thiệu và hướng dẫn để khách không thất vọng.
Thường nếu trời nắng gắt thì cứ tầm 5h sáng là đàn voọc đi kiếm ăn đến 7h sáng là đàn voọc về hang nghỉ ngơi, buổi chiều khoảng 16h lại ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn, khi nhá nhem tối chúng lại về, còn mùa đông thì chúng ra khỏi hang muộn hơn và về sớm hơn. Không chỉ xem chúng bay nhảy, du khách còn có thể ngắm voọc ở các cửa hang chúng sinh sống qua ống nhòm. Thời gian gần đây, khách du lịch cũng như các đoàn nghiên cứu về đây ngày càng đông…”, ông Tú hài lòng chia sẻ.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề " Cộng đồng kiến tạo " tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
- Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
- Ký kết và công bố hợp tác với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển bền vững và các đơn vị bảo trợ truyền thông:
- PwC - (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
- Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
- Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
- Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan toả những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.