Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy?

Minh Đức |

Tại triển lãm xe lớn nhất châu Âu, nhiều cái tên từ Trung Quốc đã có mặt và phô diễn sức mạnh của mình.

Từ CNBC, Reuters tới Wall Street Journal, tin bài về các hãng xe điện Trung Quốc tại Triển lãm Xe hơi Quốc tế Đức 2023 thường nằm ở vị trí rất dễ thấy trên trang chủ hoặc trên đầu mục Phương tiện. "BYD, Tesla của Trung Quốc, sẵn sàng tham gia thị trường toàn cầu" - tiêu đề một bài viết trên Wall Street Journal; "Các thương hiệu xe Trung Quốc phô diễn sức mạnh tại triển lãm IAA" - một bài viết trên Deutsche Welle (DW - Cơn sóng Đức).

Triển lãm Xe hơi Quốc tế Đức 2023 (Internationale Automobil-Ausstellung - IAA) là triển lãm xe hơi lớn nhất châu Âu. Sự kiện này diễn ra cứ 2 năm một lần, vốn là sân chơi quen thuộc và quan trọng của các ông lớn nước Đức như Mercedes, BMW hay Volkswagen.

Nhưng câu chuyện năm nay có chút khác biệt. Trang web chính thức của triển lãm IAA có nói rằng sau Đức, Trung Quốc là quốc gia có số thương hiệu tham gia lớn nhất; không chỉ có các nhà sản xuất xe, các công ty chuyên về công nghệ pin cũng có mặt. Với hơn 70 cái tên tham gia IAA, ngành xe Trung Quốc thực sự muốn tham gia thị trường xe toàn cầu.

Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy? - Ảnh 1.

BYD là hãng xe Trung Quốc có gian hàng lớn nhất tại IAA 2023. Nguồn: BYD

Suốt hơn chục năm nay, Trung Quốc đã dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển giao thông ứng dụng năng lượng mới. Bên cạnh khoản hỗ trợ tiền mua xe năng lượng mới cho người dân, Trung Quốc đã từng có chính sách hỗ trợ các công ty dịch vụ đi chung xe mà đã đóng góp nhiều công sức giúp sinh ra một loạt nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Thực tế, tốc độ phát triển của ngành xe quá nhanh đã khiến Trung Quốc có những bãi nghĩa địa xe điện tới cả nghìn chiếc, hầu hết thuộc về các công ty dịch vụ đi chung xe. Những chiếc xe tại những bãi nghĩa địa này được mô tả "như vừa mới chạy hôm qua" phải nằm lại chờ thời gian làm mục ruỗng hầu hết đều là những chiếc xe điện đời đầu - có ít tính năng và đi được khoảng cách ngắn với 1 lần sạc.

Khó chối cãi, những bãi nghĩa địa xe điện đó là một sự lãng phí lớn, nhưng đổi lại cho điều đó là sức mạnh của ngành xe Trung Quốc. Trong số các quốc gia bán nhiều ô tô nhất năm 2022, Trung Quốc đứng vị trí số 1 với tổng doanh số 23.563.247 chiếc. Trong khi đó, đứng thứ 2 là Mỹ với 13.689.240 chiếc. Khoảng cách doanh số giữa quốc gia số 1 và số 2 bằng doanh số của các quốc gia đứng thứ 3, 4, 5 và 6 cộng lại.

Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy? - Ảnh 2.

Tại triển lãm IAA năm nay, tờ Wall Street Journal đã gọi vị thế của các hãng xe Đức là "trong tư thế khom người phòng thủ", và tư thế này đã lộ rõ tại IAA. Tesla lần đầu tiên xuất hiện tại IAA là năm nay, cũng là lúc hãng giới thiệu phiên bản mới của Tesla Model 3 - một trong những mẫu xe điện bán chạy nhất của hãng. Nhưng bên cạnh Tesla, các hãng xe Trung Quốc cũng tương tự vậy, và cũng thu hút nhiều khách tới.

Từng là đất diễn đầy tự hào của ngành công nghiệp xe Đức, giờ đây thì triển lãm đã là sân chơi với đầy những tay chơi mới, không chỉ chèn ép các ông lớn châu Âu bằng những mẫu xe giá rất rẻ mà còn đi kèm với công nghệ cao và tinh tế. Họ, các nhà sản xuất xe Trung Quốc, đã nới rộng khoảng cách giữa họ và các nhà sản xuất xe truyền thống.

Các nhà sản xuất xe Đức đang chứng kiến những minh họa sống động nhất về những khó khăn mà họ đang đối mặt. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu nay trở thành kẻ đi sau vì đã nhiều năm thiếu đầu tư, phải đối mặt với lạm phát, tăng lãi suất và gần đây nhất là giá năng lượng leo thang.

Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy? - Ảnh 4.

Mẫu xe ý tưởng CLA thuần điện mà Mercedes mang tới IAA 2023.

Tại Trung Quốc, Volkswagen đã từng là một cái tên rất được ưa chuộng, nhưng nay đã mất thị trường vào tay những nhà sản xuất nội địa. Volkswagen đã mua cổ phần của start-up xe điện XPeng; giờ đây thì cả Volkswagen và XPeng sẽ cùng phát triển công nghệ cho xe điện.

Trong một nghiên cứu về đổi mới công nghệ ô tô, Giám đốc của Trung tâm Giám sát Ô tô Đức - ông Stefan Bratzel - cho biết rằng năm 2022 là lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ và Đức về số lượng cải tiến công nghệ, ở những mảng như công nghệ pin, công nghệ xe tự hành và các tính năng khác.

Ông Stefan Bratzel cũng cho rằng chính những đổi mới này đã giúp xe Trung Quốc có lợi tại thị trường nội địa, và giờ đây, khi họ tới châu Âu thì điều tương tự cũng có thể xảy ra. Vấn đề lớn nhất với ngành xe Đức là công nghệ của họ thiếu tính cạnh tranh, giá xe lại cao: "Những cải tiến này ẩn chứa một mối nguy hiểm lớn cho các nhà sản xuất xe Đức".

Một điều đáng nhắc tới là chỉ vài năm trước thôi, các nhà sản xuất xe Đức đã đóng cửa then cài với các công ty công nghệ như Google và Apple, giữ họ tránh xa những chiếc xe của mình. Nhưng sau khi tự vật lộn sản xuất phần mềm cho xe thì giờ đây, họ đã bắt tay với các công ty công nghệ này để tạo phần mềm cho hệ thống giải trí, công nghệ hỗ trợ lái nâng cao hay hệ thống kiểm soát pin mà giúp xe điện vận hành tối ưu hơn.

Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy? - Ảnh 5.

Các hãng xe Trung Quốc gây bất ngờ tại IAA với xe giá rẻ nhưng có công nghệ cao.

Bên lề triển lãm IAA, giám đốc phụ trách thị trường châu Âu của BYD, ông Michael Shu, cho biết rằng họ đang đi đến bước cuối xây dựng một nhà máy tại châu Âu: "Chúng tôi hy vọng có thể có quyết định vào cuối năm nay".

Ông Michael Shu cũng cho rằng BYD đã nghiên cứu kỹ về thái độ chấp nhận của người tiêu dùng châu Âu với công nghệ của họ; BYD hiện cũng đang có sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, từ khoảng 30.000 euro đến khoảng 60.000 euro. Đằng sau mức phủ này, ông Michael Shu cho biết: "Chúng tôi phủ rộng như vậy vì chúng tôi tin rằng sẽ cần hiểu thị trường".

Thực tế, thương hiệu xe thể thao MG (từng là một biểu tượng của Anh quốc, nhưng nay đã thuộc sở hữu của SAIC) đã bán được 115.000 chiếc (hầu hết là xe điện) tại châu Âu trong nửa đầu năm nay. Con số này lớn hơn con số của cả năm 2022. Theo đà này, năm nay doanh số có thể vượt 200.000 chiếc.

Phụ trách kinh doanh tại Đức, Áo và Thụy Sĩ của MG, ông Jan Oehmicke, cho biết: "Chúng tôi là hãng xe tăng trưởng nhanh nhất nước Đức". Ông cũng cho biết thêm rằng MG đang tìm một nơi để xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại châu Âu.

Bất ngờ chiếm sóng loạt hãng thông tấn lớn, xe điện Trung Quốc đã làm gì khiến thế giới chú ý tới vậy? - Ảnh 6.

MG mang mẫu xe mui trần thể thao sắp ra mắt tới IAA 2023. Ảnh: Alexander-93 / Wikipedia

Theo dữ liệu từ trang EV-Volumes.com (đơn vị thống kê doanh số xe điện trên quy mô toàn cầu), xét trên thị trường xe điện toàn cầu, Volkswagen là nhà sản xuất xe lớn thứ 4 trong năm 2022 với thị phần chiếm 8% (giảm 2% so với năm trước đó). Tesla là đơn vị đứng đầu, theo sau là BYD và SAIC.

Hiện nay, các nhà sản xuất Đức đang cố giảm chi phí sản xuất khi chi phí lao động và chi phí năng lượng tại Đức tăng mạnh. Thậm chí, họ cũng đang cố gắng vận động để lùi lại mốc thời gian cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong năm 2035. Ngay trước IAA diễn ra, CEO của BMW đã trao đổi với tờ Handelsblatt rằng: "Tôi tin rằng mục tiêu xóa bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong thật là vô tâm".

Lãnh đạo các hãng xe Đức khác có vẻ cũng chung ý kiến với CEO của BMW. CEO của Mercedes cho rằng: "Đích đến là rất rõ: Không phát thải. Nhưng trong thập kỷ này và tới thập kỷ sau, chúng ta cần chiến lược linh hoạt".

Nhiều lãnh đạo hãng xe khác thúc giục giới cầm quyền châu Âu phải theo sát cách mà Mỹ đưa ra các ưu đãi cho các công ty đầu tư vào sản xuất. CEO tập đoàn Renault, ông Luca de Meo cho hay: "Toàn bộ ưu đãi của châu Âu đều nhằm vào cải tiến, nhưng không có đồng nào đầu tư cho sản xuất. Mỹ và Trung Quốc đầu tư vào sản xuất. Đó là điểm khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại