Bắt nạt tại trường học chưa bao giờ là một đề tài cũ và cho tới nay nó vẫn là một vấn đề không dễ đối phó. Trong một cuộc khảo sát không chính thức trên tờ Today của Mỹ, 86% trong số 1.643 phụ huynh cho biết con họ đã từng bị bắt nạt và hơn 1 nửa phụ huynh cho biết lo lắng về việc con mình sẽ bị bắt nạt.
"Sẽ rất khó khăn cho các bậc cha mẹ để có thể điều hướng cho con trong việc giải quyết các vấn đề bắt nạt tại trường học", tiến sĩ Gail Saltz, phó giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian / Weill Cornell (Mỹ), cho biết.
Bắt nạt có thể khiến trẻ cảm thấy bất lực, dễ bị tổn thương, bối rối. Bắt nạt cũng có thể khiến trẻ bị sốc, xấu hổ hoặc buồn bã, mất động lực học tập và thú vui trong cuộc sống.
Bắt nạt ở trường học còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường học đường và tạo ra nỗi sợ hãi cho học sinh. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Hoa Kỳ), bắt nạt cũng có thể ảnh hưởng tới việc học tập của không chỉ những đứa trẻ bị bắt nạt mà cả những nhân chứng của vụ bắt nạt đó.
Việc chấm dứt tình trạng bắt nạt ở trường học là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và cả các bậc phụ huynh.
Dưới đây là 7 cách mà cha mẹ có thể bảo vệ con mình khỏi vấn đề này.
1. Ngăn bắt nạt học đường: Bắt đầu ngay tại nhà
Ảnh: Camille Tokerud / Getty Images.
Là cha mẹ, một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm đó là giải thích cho con mình hiểu được thế nào là bắt nạt. Ngoài việc nói cho con biết bắt nạt là gì, cha mẹ cần cho con biết bắt nạt thường xảy ra dưới những hình thức như thế nào. Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với con mình về những điều gây dựng nên một tình bạn tốt và hãy nói cả về những điều sẽ khiến cho tình bạn ấy trở nên xấu đi.
Một nghiên cứu của Đại học Arizona (Hoa Kỳ) đã chỉ ra rằng thông thường cha mẹ là người cuối cùng biết được con mình là nạn nhân hoặc là người gây ra những vụ bắt nạt tại trường học. Tuy nhiên, các nhà khoa học gợi ý cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh được tình trạng bắt nạt học đường cho con bằng cách trò chuyện với con mỗi ngày về các mối quan hệ xã hội, bạn bè của con.
Để khuyến khích con trò chuyện, cha mẹ hãy hỏi những câu hỏi mở, ví dụ như:
- Hôm nay con đã ăn trưa với ai vậy?
- Giờ giải lao hôm nay có gì vui không con?
- Có chuyện gì đã xảy ra trên đường con đi học về?
2. Ngăn bắt nạt học đường: Nhận biết dấu hiệu
Ảnh: Phil Boorman / Getty Images.
Rất nhiều đứa trẻ không kể cho bất cứ ai biết rằng mình bị bắt nạt hoặc là người đi bắt nạt các bạn tại trường học. Do đó, cha mẹ hãy lưu ý các dấu hiệu cảnh báo con mình có thể đang bị bắt nạt tại trường học. Các dấu hiệu cảnh báo đỏ bao gồm:
- Né tránh, không muốn tới trường hoặc không muốn tham gia các hoạt động của trường học.
- Thay đổi thói quen ăn uống.
- Không chú ý tới ngoại hình hoặc mất đi các thói quen sinh hoạt hàng ngày.
- Học hành giảm sút.
- Đau đầu, bụng và một số triệu chứng thân thể khác.
- Thay đổi tâm trạng và tính cách.
3. Ngăn bắt nạt học đường: Tạo thói quen lành mạnh cho con
Ảnh: Getty Images
Hãy luôn nói với con về chống bắt nạt ở trường học. Đây là điều rất quan trọng. Chống bắt nạt ở trường học không chỉ đơn thuần là dạy con không được đánh, xô đẩy hoặc trêu chọc các bạn của mình mà hãy cho con biết chỉ trích, phán xét, pha trò cười để gây tổn thương và việc tung tin đồn cũng là những hành vi bắt nạt.
Bắt nạt trên mạng internet cũng là một vấn đề lớn với trẻ em. Do đó, việc dạy con có trách nhiệm với các hành vi trên mạng internet không bao giờ là quá sớm.
4. Ngăn bắt nạt học đường: Dạy con xử lý tình huống
Ảnh: LWA / Getty Images
Một trong những điều hữu ích nhất mà bạn có thể làm là cung cấp cho con bạn các cách thức để đối phó với hành vi bắt nạt.
Bỏ đi chỗ khác, kể cho người lớn hoặc nói với người đang bắt nạt hãy dừng hành vi đó lại bằng giọng kiên quyết – đó là những điều mà bạn có thể hướng dẫn con mình.
Việc dạy trẻ cách thức và thời điểm báo cáo hành vi bắt nạt khi con là người chứng kiến cũng rất quan trọng. Hãy trang bị cho con những cách xử lý trong tình huống này.
5. Ngăn bắt nạt học đường: Thuộc các nội quy của nhà trường
Ảnh: sturti / Getty Images
Điều quan trọng là cha mẹ cần nắm chắc cách xử lý hành vi bắt nạt ở trường học của con mình. Điều này bao gồm việc cha mẹ cần biết nên gọi cho ai nếu có điều gì đó xảy ra với con, ai sẽ là người tiếp nhận thông tin, quy định của nhà trường về hành vi này là như thế nào...
6. Báo báo những hành vi bắt nạt
Ảnh: SDI Productions / Getty Images
Nếu con bạn nói với bạn rằng chúng đang bị bắt nạt, hãy bắt đầu bằng việc liên hệ với nhân viên nhà trường và yêu cầu gặp gỡ giữa các bên để làm rõ và giải quyết vấn đề.
Điều này cũng sẽ hữu ích để thu thập các tài liệu nếu cần tới sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật.
7. Ủng hộ ngăn chặn việc bắt nạt ở trường học
Ảnh: Steve Debenport / Getty Images
Cha mẹ hãy lên tiếng ủng hộ việc ngăn chặn bắt nạt tại trường học. Nếu có thể, cha mẹ hãy kêu gọi các bậc phụ huynh khác và nhờ cố vấn của nhà trường để phát triển chương trình chống bắt nạt học đường. Nếu nhà trường đã có sẵn chương trình này, hãy cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động đó để tất cả phụ huynh và các con em của mình đều có hiểu biết về vấn nạn bắt nạt trường học và từ đó có cách ngăn ngừa.
Tiến sĩ Karen Gail Lewis, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Washington, Mỹ, nói: "Quan trọng là giảm thiểu mức độ leo thang của vấn đề". Nữ tiến sĩ cho biết có nhiều cách mà trẻ em có thể áp dụng để đối phó với hành vi bắt nạt. Nhưng các biện pháp can thiệp có thể không hiệu quả trong một số tình huống. Do đó, mọi trẻ em nên biết trước những điều mình phải làm khi bị bắt nạt và cha mẹ nên là người hướng dẫn các con phát triển các kỹ năng quyết đoán, xây dựng lòng tự trọng và cải thiện các kỹ năng xã hội của mình.
(Tổng hợp: Today, Very Well Family)