Cuối tuần này, các cử tri Moskva sẽ đi bỏ phiếu bầu các thành viên hội đồng lập pháp thành phố. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tìm thấy bất kỳ ứng viên nào được đảng cầm quyền "Nước Nga Thống nhất" đề cử, The Moscow Times và Politico đưa tin.
Đây đường đường là đảng cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin, tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Liệu điều này có liên quan tới các cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do tại Moskva gần đây hay không?
Theo thông tin của hai nguồn The Moscow Times và Politico, thực chất các thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất vẫn tham gia cuộc đua vào hội đồng lập pháp thành phố; nhưng năm nay họ đã đổi sang chiến lược "ẩn thân" bằng cách tranh cử trên danh nghĩa ứng cử viên độc lập.
Điều này diễn ra trong bối cảnh phe đối lập Nga của thủ lĩnh Alexei Navalny đang ra sức kêu gọi các cử tri hãy "bỏ phiếu thông minh" nhằm "lật đổ" đảng cầm quyền, thay vì ồ ạt tràn xuống đường biểu tình.
Tuy nhiên, giờ đây, nếu chỉ nhìn vào lá phiếu, thì các cử tri sẽ không thể biết được ai là ứng cử viên được đảng Nước Nga Thống nhất hậu thuẫn nhờ chiến thuật "ẩn danh" nói trên, theo The Moscow Times.
Đây là lần đầu tiên có sự việc này kể từ khi đảng Nước Nga Thống nhất được thành lập vào năm 2001, một năm sau ngày ông Putin chính thức đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Các ứng viên của đảng này được cho là buộc phải dùng đến cách "ẩn thân" để tránh ảnh hưởng từ những định kiến tiêu cực của cử tri về đảng cầm quyền.
"Ngày nay, mọi hành động và sáng kiến của đảng Nước Nga Thống nhất đều kích động người biểu tình trên toàn quốc" - tờ Moskovsky Komsomolets đã viết như vậy hồi tháng trước.
Đảng cầm quyền và phe đối lập đồng loạt đổi "chiến thuật"
Trong năm qua, nước Nga đã nhiều lần chứng kiến các cuộc biểu tình xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình này cũng khá đa dạng, từ việc hoán đổi lãnh thổ giữa các nước cộng hòa Bắc Caucasus của Ingushetia và Chechnya, một bãi rác mới ở khu vực phía Bắc Arkhangelsk, cho tới kế hoạch xây dựng một nhà thờ mới ở thành phố Yekaterinburg của vùng Ural.
Tuy nhiên, không lâu sau khi Tổng thống Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 và chính quyền ông thông qua chính sách tăng tuổi nghỉ hưu vào tháng 6 năm ngoái, làn sóng biểu tình tại Nga ngày càng gia tăng.
Theo Moscow Times, những người dân Nga vốn đã chán nản vì vấn nạn tham nhũng và mức sống ngày càng đi xuống, giờ đây lại có thêm nỗi lo không sống nổi đến lúc hưởng lương hưu do tuổi thọ trung bình ở nước này không cao.
Ảnh minh họa: Andrei Nikerichev / Moskva News Agency
Không chỉ mức tín nhiệm của người dân đối với ông Putin giảm xuống sau khi chính sách này được ban hành, mà đảng cầm quyền cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, nhà khoa học chính trị Tatiana Stanovaya cho hay.
Uy tín của đảng cầm quyền suy giảm cũng đã bắt đầu ảnh hưởng tới các thành viên của đảng này từ tháng 9 năm ngoái, khi 4 ứng viên tranh cử trên danh nghĩa đảng Nước Nga Thống nhất thất bại trong các cuộc bầu cử thống đốc, theo nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov.
Thất bại năm ngoái của các ứng viên đảng cầm quyền đã trở thành cơ hội cho phe đối lập, theo Moscow Times. Thủ lĩnh đối lập Navalny đã dựa vào điều đó để kêu gọi những người ủng hộ tham gia vào một chiến lược có tên là "Bỏ phiếu Thông minh", được ông này khởi động từ tháng 11 năm ngoái nhằm thu hút phiếu bầu cho các ứng viên thuộc phe đối lập.
Trước chiến thuật mới của phe đối lập, chính quyền và các thành viên đảng Nước Nga Đối lập đã tìm ra phương án đối trọng: Đó là giúp các ứng viên của đảng này "ẩn thân".
Kết quả cuộc khảo sát do hãng điều tra dư luận của nhà nước Nga VTsIOM thực hiện hồi tháng 4 vừa qua cho thấy tất cả các ứng viên mới thuộc đảng Nước Nga Thống nhất đều tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, và 6/16 thống đốc tái tranh cử của đảng này cũng vậy.
Còn tại Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông Nga, các ứng viên của đảng Nước Nga Thống nhất lại sử dụng một chiến thuật khác. Trong cuộc bầu cử vào hội đồng thành phố, họ vẫn giữ nguyên tư cách thành viên đảng cầm quyền, tuy nhiên lại vận động tranh cử bằng một phong trào mang tên "Đã đến lúc thay đổi". Tại Irkutsk thuộc vùng Siberia, các ứng viên của đảng Nước Nga Thống nhất cũng tranh cử bằng chiến thuật tương tự, với phong trào vận động mang tên "Irkutsk của chúng ta".
Lev Gudkov, người đứng đầu hãng điều tra dư luận độc lập Levada Center, cho rằng chiến thuật này có khả năng thành công vì "hầu hết các cử tri đều không biết hết thông tin về các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử".
Làn sóng phản đối chính quyền ở Moskva
Trước khi vòng bầu cử cuối tuần này được tổ chức, làn sóng phản đối chính quyền đã gia tăng ở Moskva, và một số ứng viên thuộc phe đối lập đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ các cử tri. Theo thông tin của Levada, hồi tháng 6 vừa qua, chính trị gia đối lập Ilya Yashin đã giành chiến thắng áp đảo tại quận của ông này.
Sau đó, nhiều ứng viên thuộc phe đối lập đã bị loại khỏi cuộc đua vào hội đồng lập pháp thành phố Moskva, với lí do các ứng viên này không thu thập đủ số chữ ký hợp lệ. Trong số đó bao gồm chính trị gia đối lập Yashin và bà Lyubov Sobol, một đồng minh thân cận của thủ lĩnh đối lập Navalny.
Động thái trên của chính quyền đã khiến làn sóng biểu tình đòi bầu cử tự do nổ ra ở Moskva hồi cuối tháng 7 vừa qua, với đỉnh điểm là một cuộc biểu tình tháng 8 có đến hơn 50.000 người tham gia và hơn 2.900 người đã bị cảnh sát Moskva bắt giữ.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên chủ chốt của phe đối lập cũng bị cảnh sát Moskva bắt giữ nhằm thị uy, trấn áp phong trào biểu tình.
Trong khi đó, chiến lược "Bỏ phiếu Thông minh" của thủ lĩnh đối lập Navalny đã khiến nội bộ phe này lục đục, khi một số nhân vật như Dmitry Gudkov - ứng viên vừa bị loại khỏi cuộc đua vào hội đồng lập pháp thành phố Moskva, hay nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, công khai lên tiếng phản đối chiến lược trên.