Bất lợi khi không mang chứng minh nhân dân

NGUYỄN HIỀN |

Trách nhiệm của công dân là phải mang theo CMND khi ra đường vì có thể bị xử phạt nếu công an kiểm tra mà không có CMND.

Mới đây, Công an phường Bình Hưng Hòa A , quận Bình Tân , TP.HCM đã đưa hai thanh niên không mang theo CMND về trụ sở làm việc .

Sự việc xảy ra khi hai người thanh niên này đang ăn tiệc cùng với đám bạn ở trong nhà và có cử chỉ chỉ tay vào nhà hàng xóm, hàng xóm thấy lo lắng nên đã báo công an.

Công an đến kiểm tra, hai thanh niên này không xuất trình được CMND. Tuy nhiên, hai thanh niên có giấy xác nhận đã bị mất CMND, đồng thời có đưa bằng lái xe để thay thế nhưng công an không chấp nhận, đưa về trụ sở.

Công an được quyền kiểm tra CMND

Với trường hợp trên, bạn đọc Pháp Luật TP.HCM thắc mắc: Người dân khi ra đường vì sao phải mang theo CMND? Trong trường hợp nào thì bị kiểm tra CMND? Nếu không có CMND thì giấy tờ nào có thể thay thế được?

Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của một quận tại TP.HCM cho biết: Theo quy định tại Thông tư 35/2014 của Bộ Công an và Nghị định 31/2014 thì công an được quyền kiểm tra CMND người dân khi họ cư trú trên địa bàn quản lý.

Đây là việc kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất để phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Trong đó, đối tượng được kiểm tra là công dân ở các hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú.

Đồng thời, nếu công an cấp trên kiểm tra tại địa bàn dân cư thì phải có cán bộ công an nhân dân và công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

Khi công dân quên mang theo giấy tờ thì có thể gọi điện thoại cho người nhà mang đến để xuất trình.

Cần lưu ý rằng giấy xác nhận mất CMND hay bằng lái xe không thể thay thế CMND. Bởi từ giấy xác nhận hay giấy hẹn lấy CMND chưa thể xem là đã được cấp lại CMND, vì có những trường hợp trong quá trình giải quyết công dân cũng có thể bổ sung thêm giấy tờ gì nữa thì mới được cấp CMND.

Những giấy tờ có thể thay thế được CMND

TS Cao Vũ Minh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Hiện nay ở nước ta có một số văn bản pháp luật quy định về giấy tờ tùy thân chứ không mang tính liệt kê.

Cụ thể, Nghị định 05/1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2013) về CMND thì CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm đảm bảo thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 20 Luật Căn cước công dân (CCCD) 2014 quy định: Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh căn cứ công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Nghị định 136/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015) về xuất nhập khẩu thì hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế CMND. Ngoài ra, Điều 20 Luật CCCD quy định thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, có thể xem chỉ có ba loại giấy tờ trên mới được cho là giấy tờ tùy thân, trong đó hộ chiếu và CCCD có thể thay thế CMND. Bằng lái xe hay những giấy tờ khác không thể thay thế CMND.

“Hiện nay, Nghị định 167/2013 quy định xử phạt 100.000-200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.

Vì vậy, về nguyên tắc là khi công dân đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo CMND, bởi chúng ta không thể biết trước được mình có tham gia một quan hệ pháp luật nào hay không, vì thế buộc mỗi người phải có trách nhiệm mang theo giấy tờ tùy thân.

Trường hợp khi người dân đi giao dịch ngân hàng, công chứng hoặc cũng có thể bỗng dưng trở thành người vi phạm trong một vụ giao thông hay va quẹt xe thì cũng cần có giấy tờ tùy thân để mà chứng minh.

Tóm lại khi ra đường, mỗi người phải hình dung mình có thể đối diện với bất cứ một quan hệ pháp luật nào dù muốn hay không. Do đó, trách nhiệm của công dân là phải mang theo CMND khi ra đường” - TS Minh lưu ý.

Không mang CMND không thuộc trường hợp tạm giữ hành chính

Theo quy định, những trường hợp kiểm tra thông thường khi công dân không mang theo CMND thì công an chỉ mời về để xác minh chứ không thuộc trường hợp phải tạm giữ hành chính.

Theo quy định tại Nghị định 17/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2013 thì chỉ có ba trường hợp sau đây bị tạm giữ hành chính:

Thứ nhất, khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

Thứ hai, khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp sau mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm.

Thứ ba, khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Thời hạn tạm giữ người là 12 giờ kể từ thời điểm giữ, trong trường hợp phức tạp thì cho phép là 24 giờ hoặc khu vực biên giới, trên sông, trên biển… thì cho phép giữ 48 giờ.

Ở cấp xã, thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thuộc về chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Nếu là công an thì thẩm quyền thuộc về trưởng công an phường (không phải trưởng công an thị trấn hay trưởng công an xã).

TS CAO VŨ MINH, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại