Bật khóc giữa nhà 'quan tài' đắt đỏ ở Hong Kong: Một căn 18 người ở chung, giá thuê phòng vừa 1 chiếc giường tầng cũng 6 triệu đồng

Vũ Anh |

Lao động thu nhập thấp tại Hong Kong (Trung Quốc) không đủ khả năng mua bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận thuê những căn nhà tồi tàn bị chia nhỏ.

Thất nghiệp và ốm yếu, ông Franki Wong, 59 tuổi, đã nhiều lần nghĩ rằng cuộc sống trong tù còn tốt hơn “ngôi nhà quan tài” bé tí của mình. Phí sinh hoạt không ngừng tăng lên khiến người đàn ông này phải vật lộn để có đủ cơm ăn.

“Tù nhân đảm bảo có 3 bữa mỗi ngày, có TV để xem và một không gian rộng rãi để ở”, ông Wong nhớ lại một lần ngồi sau song sắt vì tội trộm cắp.

Theo SCMP, Franki Wong bị chẩn đoán mắc ung thư vào tháng 5 năm ngoái. Người đàn ông này hiện đang phải dựa vào khoản tiền tiết kiệm ít ỏi và vốn vay ngân hàng để trang trải chi phí hàng tháng 8.000 đô la Hồng Kông (khoảng 24 triệu đồng), bao gồm tiền thuê 2.100 đô la Hồng Kông (hơn 6 triệu đồng) cho một chiếc giường tầng thuộc căn hộ Yau Ma Tei 18 người cùng ở.

Các căn hộ công siêu nhỏ, nơi đa số dân nghèo đang sinh sống chỉ là một phần của vấn đề trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tư cũng đang vô cùng khan hiếm. Giá của chúng phần lớn đều cao ngất ngưởng đến nỗi ngay cả dân khá giả cũng khó đủ tiền mua.

“Tôi thực sự sợ rằng số tiền tiết kiệm của mình sẽ cạn kiệt. Bây giờ, ngoại trừ ra ngoài ăn uống rẻ tiền và đến bệnh viện, tôi không dám ra ngoài và phải nằm trên giường cả ngày”, ông Wong nói.

 Bật khóc giữa nhà quan tài đắt đỏ ở Hong Kong: Một căn 18 người ở chung, giá thuê phòng vừa 1 chiếc giường tầng cũng 6 triệu đồng  - Ảnh 1.

Ông Franki Wong, 59 tuổi

Theo Sze Lai-shan, phó Giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, chi phí sinh hoạt của họ đã tăng hơn 20%. “Tình trạng tồi tệ đến mức hàng ngàn phiếu mua hàng siêu thị và bữa ăn miễn phí của chúng tôi hết rất nhanh. Mọi người thi nhau đến lấy chúng”, bà Sze Lai-shan nói.

Vào tháng 1, hai công ty điện lực quyết định tăng giá điện do chi phí nhiên liệu tăng cao. Tổng công ty MTR chuyên điều hành các tuyến đường sắt của thành phố cũng vừa thông báo tăng giá vé thêm 2,3% vào cuối năm nay. Giá vé Star Ferry sẽ tăng 56% trong tháng này. Năm nhà điều hành xe buýt được nhượng quyền cũng yêu cầu tăng giá vé lên tới 50%.

Điều này khiến những người dân nghèo, trong đó có ông Lam Kin, 46 tuổi, rất khó sống. Được biết, gia đình ông Kin có 6 người, trong đó có đứa con trai út 9 tuổi bị thiểu năng trí tuệ.

Kiếm được khoảng 22.000 đô la Hồng Kông mỗi tháng, gia đình này đã cạn kiệt tiền tiết kiệm vì giá thuê nhà tăng quá cao. “Giá thực phẩm tăng chóng mặt. Giá của một chiếc bánh dứa tăng từ 5 đô la Hồng Kông lên 7 đô la Hồng Kông, tức là tăng 40%. Điều này tác động rất lớn đến gia đình tôi vì tôi cần những 6 chiếc bánh cho gia đình ăn sáng”, ông Kin nói.

 Bật khóc giữa nhà quan tài đắt đỏ ở Hong Kong: Một căn 18 người ở chung, giá thuê phòng vừa 1 chiếc giường tầng cũng 6 triệu đồng  - Ảnh 2.

Lao động thu nhập thấp tại Hong Kong (Trung Quốc) không đủ khả năng mua bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận thuê những căn nhà tồi tàn bị chia nhỏ.

Để cắt giảm chi phí, ông chỉ dám đi chợ vào buổi tối muộn để mua đồ ăn giảm giá. Thậm chí, các thành viên trong gia đình phải tắm luân phiên để tiết kiệm điện.

“Chúng tôi chỉ dám chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu. Trước đây, gia đình thỉnh thoảng ra ngoài ăn tối 1 lần/tháng. Bây giờ thì chẳng có chuyện đó đâu. Chúng tôi không ăn ngoài trong nhiều tháng rồi. Nếu ngày nào không nấu ăn, chúng tôi sẽ mua những hộp cơm hai món rẻ nhất.”

Sau 7 năm chờ đợi một căn nhà ở công, ông Kin hy vọng gia đình có thể sớm chuyển đến một ngôi nhà được trợ cấp để tiết kiệm tiền đi thuê. “Thật sự rất khó để tồn tại. Cảm giác như chúng tôi đang vật lộn với cuộc sống,” ông nói.

Tính đến cuối tháng 3/2021, có khoảng 153.300 người nộp đơn xin thuê nhà ở công, với thời gian chờ trung bình là 5,8 năm, thậm chí là 22 năm, gần gấp đôi thời gian chờ mà giới chức trách cam kết trước đó.

 Bật khóc giữa nhà quan tài đắt đỏ ở Hong Kong: Một căn 18 người ở chung, giá thuê phòng vừa 1 chiếc giường tầng cũng 6 triệu đồng  - Ảnh 3.

Thời gian chờ đợi trung bình hơn 6 năm đối với nhà ở công cho thuê

Với thời gian chờ đợi trung bình hơn 6 năm đối với nhà ở công cho thuê, nhiều lao động nghèo đang làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc) không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống tạm trong những căn nhà siêu nhỏ hoặc nhà lồng.

Chúng được gọi là nhà nano, với kích thước trung bình khoảng 24m2 nhưng được rao bán với giá lên tới vài triệu đô la Hong Kong, chủ yếu nằm trong những toà nhà cũ đã xuống cấp. Hơn 8.500 căn hộ đã được xây dựng trong suốt thập kỷ qua, trong đó 70% chỉ được trang bị phòng tắm không cửa sổ.

“Thật buồn. Tiết kiệm cả đời cũng chỉ đủ mua một chỗ chui ra chui vào bé nhỏ như vậy thôi”, một người đàn ông vừa mua được căn hộ rộng 22m2 cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại