Bát đĩa sau khi dùng xong nên rửa luôn hay ngâm trong nước? Chuyên gia đưa ra câu trả lời

Thu Phương |

Mỗi gia đình lại có những thói quen khác nhau, người thì luôn muốn dọn dẹp chỗ bát đĩa bẩn thật nhanh, người khác muốn ngâm chúng trong nước khoảng vài giờ.

Trong mọi gia đình, rửa bát luôn là công việc mà các thành viên luôn phải thực hiện hàng ngày. Trung bình 1 ngày có 3 bữa ăn chính, thì 2/3 bữa là bữa trưa và bữa tối, công việc rửa bát sẽ cần được thực hiện, với bữa sáng thì sẽ ít gặp hơn. 

Mỗi gia đình lại có những thói quen rửa bát khác nhau: Người thì luôn muốn dọn dẹp chỗ bát đĩa bẩn thật nhanh; số khác lại "lười biếng" hơn, khi ngâm chúng trong nước khoảng vài giờ rồi mới tiến hành rửa. Cách này cũng được nhiều người nhận xét là, ngâm bát đĩa bẩn trong nước trước sẽ khiến chúng được làm sạch tốt hơn, đặc biệt là với những loại có các vết bẩn cứng đầu. 

Dù chỉ là một công việc đơn giản, quen thuộc, được thực hiện hàng ngày song chính việc rửa bát cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Theo các chuyên gia, việc ngâm bát đĩa bẩn trong nước là không nên, nếu ngâm qua đêm thì càng gây hại. 

Thử nghiệm của chuyên gia khi ngâm bát đĩa bẩn

Reviewed, chuyên trang của tờ USA Today thông tin rằng, các chuyên gia đã thực hiện các thử nghiệm với đồ dùng nhà bếp bẩn, là một chiếc nồi thép, có chứa bên trong những thực phẩm khó làm sạch là nước sốt cà chua và bột bánh. 

Thử nghiệm của các chuyên gia về mức độ hiệu quả của việc ngâm bát đĩa với nước trong thời gian dài. (Ảnh Reviewed - USA Today)

Sau khi cho thực phẩm vào, các chuyên gia nấu với lò nướng ở nhiệt độ 350 độ F (tức hơn 176 độ C) trong thời gian 40 phút. Cuối cùng khi lấy ra, tiến hành cho một ít nước rửa bát và ngâm đồ dùng với nước trong các khoảng thời gian khác nhau để chứng minh mức độ hiệu quả của phương pháp này. Các mốc thời gian thử nghiệm lần lượt là 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, 6 giờ và 24 giờ. 

Sau khi kết thúc mỗi chu trình ngâm, các chuyên gia đều lấy nồi ra và thử nghiệm lại bằng cách dùng tay đưa lên nồi xem có bao nhiêu vết bẩn sẽ bong ra một cách dễ dàng. 

Kết quả cho thấy, dù cho được ngâm vài giờ hay 1 ngày, các vết bẩn vẫn còn đó và dường như mức độ giảm đi là rất ít. Một thử nghiệm khác với một chiếc bát sứ có chứa nước sốt cà chua, việc ngâm trong thời gian dài còn khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. 

Bát đĩa sau khi dùng xong nên rửa luôn hay ngâm trong nước? Chuyên gia đưa ra câu trả lời - Ảnh 2.

Kết quả cho thấy, dù được ngâm sau 24 giờ, vết bẩn thậm chí còn có thể trở nên bám chắc hơn vào nồi.(Ảnh Reviewed - USA Today)

Bát đĩa sau khi dùng xong nên rửa luôn hay ngâm trong nước? Chuyên gia đưa ra câu trả lời - Ảnh 3.

Chiếc bát cũng được thực hiện thử nghiệm tương tự. (Ảnh Reviewed - USA Today)

 Austrailian Broadcasting Corporation từng có báo cáo rằng, việc ngâm bát đĩa lâu trong bồn rửa có thể khiến chúng bẩn hơn. Lý giải cho điều này là bởi bát đĩa để càng lâu, vi khuẩn sẽ càng có điều kiện để phát triển. Thông thường, vi khuẩn trong thực phẩm có thể sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút, tốc độ tăng trưởng của chúng sẽ cao hơn sau 2 giờ đồng hồ. 

Và trong 24 giờ, con số vi khuẩn có thể nhân lên hàng nghìn tỷ. Lượng vi khuẩn này không chỉ đơn thuần bám vào bát đĩa, bởi nếu chỉ như vậy sẽ chẳng đáng lo ngại. Các chuyên gia khuyến cáo, vi khuẩn còn có thể bám vào những đồ vật xung quanh bếp của bạn, thậm chí là xâm nhập vào cơ thể con người. 

"Nếu ngâm bát đĩa bẩn ở bồn rửa trong khi nhà vẫn đang có người hoặc động vật, vi khuẩn có khả năng lây lan ra xung quanh, bám vào các vật chủ đó. Chúng tồn tại trên bề mặt, ngay cả những bề mặt sạch sẽ, trong tối đa 4 ngày. Ở môi trường ô nhiễm, chúng có thể sống trong thời gian dài hơn", Phó Giáo sư Barbara Mullan, Đại học Curtin cho biết.

Đặc biệt là với các loại đồ dùng xử lý thực phẩm sống như dao, thớt, bát, đĩa đựng, tốt hơn hết người dùng nên rửa ngay thay vì cứ để ngâm trong nước, kể cả đó là nước nóng, để tránh việc lây nhiễm chéo vi khuẩn. "Đồ dùng gỗ như thớt gỗ, đũa gỗ, thìa gỗ cũng không nên ngâm trong nước với thời gian dài, bởi điều này có thể làm sản sinh nấm mốc. Ngoài ra, đồ bằng nhựa kém chất lượng thì có thể xuống cấp, còn đồ bằng kim loại thì dễ bị rỉ sét" - tờ Washington Post nói thêm.

Bát đĩa sau khi dùng xong nên rửa luôn hay ngâm trong nước? Chuyên gia đưa ra câu trả lời - Ảnh 4.

Các đồ dùng xử lý thực phẩm sống thì tốt nhất nên rửa ngay. (Ảnh minh họa)

Các loại vi khuẩn phổ biến khác được tìm thấy trên bát đĩa bẩn là pseudomona, escherichia và acineto, nghiêm trọng hơn có E.coli hoặc calmonella trong đồ sống, chúng là tác nhân gây nhiều chứng bệnh cho con người.  

Nên xử lý thế nào với bát đĩa bẩn?

Các chuyên gia của Reviewed - USA Today khuyên rằng, tốt hơn hết người dùng nên rửa bát đĩa bẩn nhà mình ngay khi sử dụng xong, càng sớm càng tốt. Điều này giúp hạn chế lượng vi khuẩn hình thành, sinh sôi trên đồ dùng, đồng thời giúp vết bẩn có ít thời gian bám chặt hơn vào đồ dùng. 

Với một số loại đồ dùng bị bám dính bởi các vết bẩn cứng đầu, bạn có thể ngâm chúng nhưng thời gian chỉ tối đa khoảng 30 phút. Trình tự làm sạch bát đĩa bẩn được chuyên trang The Spruce tư vấn như sau:

- Đầu tiên cần loại bỏ toàn bộ thức ăn thừa trên bát, đĩa trước khi rửa, nhằm tránh làm ô nhiễm nước rửa và gây tắc đường ống thoát nước. 

- Với các loại bát đĩa có chất bẩn cứng đầu, ngâm trong khoảng từ 15 - 30 phút, tùy vào tình trạng của chất bẩn.

- Rửa qua một lần với nước ấm để bát đĩa được sạch sơ. 

Bát đĩa sau khi dùng xong nên rửa luôn hay ngâm trong nước? Chuyên gia đưa ra câu trả lời - Ảnh 5.

Hãy rửa bát đĩa bẩn càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

- Rửa các vật dụng bị bẩn nhẹ trước, ví dụ cốc, ly hay các loại bát nhỏ. 

- Tiến hành rửa các loại bát, đĩa, dụng cụ ăn chính. 

- Cuối cùng là rửa nồi, chảo và các dụng cụ nấu nướng.

- Bát đĩa có thể được làm khô bằng nhiều cách, ví dụ như dùng khăn sạch để lau, phơi ra khu vực thoáng khí hoặc cho vào máy sấy bát. 

- Sau khi tất cả dụng cụ đã khô, ráo nước hoàn toàn thì mới cất vào tủ kín. 

- Vệ sinh bồn rửa sau khi sử dụng xong.

Sau những lời khuyên của chuyên gia, chúng ta rút ra rằng dù cho có lười biếng hay mệt mỏi như thế nào sau mỗi bữa ăn, cũng đừng ngâm bát đĩa trong chậu rửa với nước quá lâu. Thay vào đó hãy cố gắng hoàn thành việc cọ rửa càng nhanh càng tốt. Nếu muốn giải phóng phần nào sức lao động cho công cuộc dọn dẹp sau bữa ăn này, người dùng có thể tham khảo các trang thiết bị hỗ trợ như máy rửa bát cho căn bếp nhà mình. 

Thăm dò ý kiến

Nhà bạn có thói quen rửa bát đĩa sau khi sử dụng xong như thế nào?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bài viết tham khảo Reviewed - USAToday, Washington Today, The Spruce

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại