Làm thế nào để đất đá cho ta những thông tin khoa học quý giá? Làm thế nào để chứng minh một kỳ quan như Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản? GS.TS.NGND Trần Nghi đã đi tìm câu trả lời.
Lập bản đồ địa chất Biển Đông
GS.TS.NGND Trần Nghi - nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực địa chất và khoa học Trái đất.
GS.TS Trần Nghi đã chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường, xây dựng cơ sở khoa học định hướng phát triển bền vững khu vực biên giới phía Tây (Thanh Hóa đến Kon Tum). Đề tài này đã xây dựng thành công "Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình Việt Nam" và được UNESCO công nhận tháng 7/2003; Thành lập bản đồ địa chất Biển Đông và các vùng kế cận tỉ lệ 1/1.000.000; Nghiên cứu địa tầng phân tập bể sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và tiềm năng khoáng sản liên quan; Nghiên cứu biến động các địa hệ trong Holocen đới bờ châu thổ sông Hồng.
GS Trần Nghi đã có 160 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước; Chủ nhiệm, chủ biên 5 đề tài khoa học cấp Nhà nước, tham gia thực hiện 10 đề tài cấp Nhà nước khác. Ông cũng thực hiện 3 dự án cấp Nhà nước, Chủ nhiệm 3 đề tài khoa học cấp bộ; Chủ nhiệm Chương trình Biển KC-09/11-15 do Bộ KH&CN bổ nhiệm.
GS.TS.NGND Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo. Ở Việt Nam, GS Trần Nghi là nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực địa chất và khoa học Trái đất. Dấu ấn sâu đậm nhất với ông có lẽ là những đóng góp khoa học cho quê hương Quảng Bình, nơi ông sinh ra.
GS Trần Nghi cho biết, ông là người đầu tiên cùng các cộng sự thành lập “Bản đồ địa chất Biển Đông và các vùng kế cận tỷ lệ 1/1.000.000” cùng “Bản đồ địa chất Pliocen - Đệ Tứ vùng biển Việt Nam và kế cận tỷ lệ 1/1.000.000” theo nguyên tắc thành lập và hệ thống chú giải riêng đổi mới và sáng tạo (trước đó chưa ai vẽ).
Điểm nhấn của hồ sơ là bài toán xác định được tuổi của hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông là người đầu tiên xác định được tuổi cổ nhất của hang động Phong Nha - Kẻ Bàng là 32 triệu năm, đồng thời xác định được 8 thế hệ tuổi trẻ dần từ 5 triệu năm đến nay của hang động khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và lân cận.
“Để được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì chúng tôi đã phải nghiên cứu và chứng minh được các nội dung quan trọng, gồm: Tính toàn cầu của khu vực hang động Phong Nha - Kẻ Bàng; Tính đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử phát triển lâu dài của vỏ Trái đất khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và toàn tỉnh Quảng Bình; Xác định tuổi của toàn bộ của hệ thống hang động, trong đó phải chứng minh được hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có tuổi cổ”, GS Nghi nói.
Để hoàn chỉnh hồ sơ gửi UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đối với Phong Nha - Kẻ Bàng cần chứng minh được 4 vấn đề quan trọng: Đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử của vỏ trái đất khu vực; Chứng minh hang động có tuổi cổ; Tính độc đáo của hệ thống hang động; Đa dạng sinh học và những loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, vào năm 1998, hồ sơ di sản chưa thành công vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa chứng minh được những vấn đề quan trọng trên. Và có một kết luận nhầm lẫn khi cho rằng hang động Phong Nha là hang động trẻ.
Do đó, tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn cho GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) khi đó yêu cầu nghiên cứu bổ sung hồ sơ di sản. GS.TS Nguyễn Văn Mậu giao cho GS.TS Trần Nghi thực hiện công việc.
Lúc ấy đang là Chủ nhiệm Khoa Địa chất, GS Nghi đã thành lập nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ. “Qua nghiên cứu cho thấy, Phong Nha - Kẻ Bàng là khu vực Karst cổ có lịch sử địa chất lâu dài trên 400 triệu năm, có hệ thống hang động giá trị nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Điều này thể hiện ở các đặc điểm: Khu vực có cấu trúc địa chất phức tạp và thành phần thạch học đa dạng; Lịch sử phát triển vỏ trái đất lâu dài từ 450 triệu năm đến nay. Trải qua 5 giai đoạn phát triển lớn, Phong Nha - Kẻ Bàng là nôi bảo tồn đa dạng sinh học lớn, chứa đựng nhiều loại động thực vật đang bị đe dọa.
Trên cơ sở giá trị thật của Phong Nha - Kẻ Bàng, các nhà khoa học đã góp phần cùng vén bức màn bí ẩn của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Công trình nghiên cứu bổ sung hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là của cả tập thể, không riêng gì cá nhân nào. Chúng tôi chỉ là người kết nối tập hợp…”, GS Trần Nghi nói.
“Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình Việt Nam” được UNESCO công nhận tháng 7/2003.
“Hoàn thành được các công trình khoa học đã là điều tuyệt vời. Có được đề tài khoa học gắn với quê hương và có giá trị thực tiễn cao lại càng hạnh phúc. Vì thế, thành công về xây dựng hồ sơ để Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với tôi, luôn là niềm hạnh phúc lớn lao”, GS Trần Nghi xúc động chia sẻ.
Địa chất là “đầu đội rừng, chân đạp mòn sỏi đá”
GS.TS.NGND Trần Nghi sinh ngày 10/8/1947 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Quê hương miền Trung nắng gió anh hùng cũng chính là chiếc nôi đã nuôi dưỡng, hun đúc trong ông tinh thần, ý chí và khát vọng phấn đấu học tập, nghiên cứu không ngừng nghỉ những mong thành công trong sự nghiệp sau này.
GS Trần Nghi chia sẻ, cơ duyên đưa ông đến với con đường nghiên cứu khoa học là vào năm 1970. Sau khi tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy phụ trách môn Trầm tích học của Khoa Địa lý - Địa chất.
Trong quá trình học tập, công tác tại trường, ông may mắn được làm học trò và được làm việc cùng với GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo Địa chất, nhà Địa chất đầu tiên của Việt Nam. Năm 1982, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về Địa chất dầu khí tại Đại học Tổng hợp Bucaret. Từ đây, một bước ngoặt mới mở ra cho ông nhiều định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Năm 1996, ông được phong hàm giáo sư, trở thành một trong ba giáo sư trẻ nhất của ngành Khoa học Trái đất ở Việt Nam. Năm 2008, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của một giảng viên đại học ở Việt Nam.
Bước chân của nhà địa chất in dấu khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ núi rừng đến biển đảo. Hành trang trong ba lô mỗi chuyến thực địa là búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn…
Đặc điểm dễ nhận biết của anh làm địa chất là ăn chắc mặc bền, quần áo nhếch nhác, luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập. Để có được những mẫu đá, mẫu quặng, họ phải vượt qua rất nhiều hiểm nguy. Mỗi chuyến thực địa luôn chứa đựng những bất ngờ.
Đói, rét, vật vạ ngủ ở bìa rừng, bờ suối là chuyện thường xuyên như cơm bữa đối với các nhà địa chất. Ốc sên, rau, măng rừng là những món đặc sản đối với mỗi nhà địa chất.
Gian nan là thế, đói là vậy nhưng nhà khoa học địa chất vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu đời. Ông vẫn làm thơ với những ngôn từ giàu hình ảnh, mộc mạc gần gũi.
“Làm địa chất phải vượt núi băng sông/ Đầu đội rừng chân đạp mòn sỏi đá/ Lòng đất này là của con tất cả/ Cuộc hành trình xuyên đá mà đi...” là những câu thơ GS Trần Nghi viết về nghiệp địa chất của mình.
Làm nghề địa chất, GS Trần Nghi cho rằng giống như làm việc “bắt đất đá phải kể câu chuyện của mình”: Thầm lặng, bền bỉ, nhọc nhằn, kiên trì, nhưng cũng vô cùng thú vị với nhiều khám phá mới mẻ.
Thành công từ “không được học ngành mình yêu thích”
Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Gặt hái hàng loạt thành tựu rực rỡ trong khoa học, ít ai nghĩ rằng GS Trần Nghi ở thời điểm chọn ngành học, ông đã vô cùng thất vọng vì phải học ngành Địa chất.
“Cách đây 50 năm, tôi đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời là lựa chọn tương lai nghề nghiệp cho mình khi vừa kết thúc bậc trung học. Và lẽ dĩ nhiên việc lựa chọn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý “bầy đàn”, chúng tôi cũng truyền nhau những câu tiên chỉ “nhất Y, nhì Dược…”.
Nhưng khi đó khác bây giờ là phải tuân theo sự phân công của tổ chức. Tôi được lựa chọn vào học ngành Địa chất. Khi đó tôi đã có tâm trạng vô cùng chán nản vì không được phân công học theo đúng nguyện vọng là ngành Y, Dược. Thế nhưng cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ, biết đâu “mất ngựa lại là điều may”, càng học tôi càng thấy hấp dẫn.
Nghề địa chất đã lôi cuốn cả cuộc đời tôi đam mê sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người. Nếu ai đó hỏi tôi để làm lại cuộc đời tôi chọn nghề gì để học tôi tự hào mà nói ngay rằng tôi chọn nghề địa chất”, GS Trần Nghi nhớ lại.
Có lẽ không có một nghề nào trong xã hội mà được đi nhiều và hiểu biết rộng như khoa học Trái đất. Nhờ Trái đất bao la và bí hiểm, nhờ mỗi quyển của Trái đất gìn giữ trung thành kho báu cho con người, nuôi sống con người nên đã hình thành một hệ thống khoa học rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Khí tượng - khí hậu, hải dương - thủy văn, địa lý, địa chính, địa chất khoáng sản, dầu khí, khoa học môi trường, địa chất môi trường và tai biến… Tất cả các lĩnh vực đó cấu thành “khoa học Trái đất”.
GS Trần Nghi cho biết, thời Pháp thuộc trong chương trình đào tạo ở đại học có môn Vạn vật học. Trong đó chỉ mới đề cập đến các kiến thức sơ lược về sinh vật, địa lý, địa chất.
Sau những năm 70, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới, khoa học cơ bản về Trái đất đã tiến những bước dài và giữ một vị trí then chốt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của mỗi quốc gia.
Khoa học Trái đất khám phá những bí mật vô tận của thiên nhiên để rồi tìm ra những quy luật về khoa học và tài nguyên thiên nhiên muôn hình muôn vẻ đang ẩn sâu trong lòng đất và khắp mọi nơi quanh ta.
Với những bạn trẻ muốn theo đuổi ngành này, trước hết phải có đam mê khám phá. Khoa học Trái đất là một bức tranh sinh động có tính không gian và thời gian. Mỗi một mảnh ghép của bức tranh là một ngành khoa học.
Tổng hòa của các mảnh ghép liên tục biến đổi để đạt tới một bức tranh có tính hệ thống và hoàn chỉnh. Đó chính là các lĩnh vực khoa học đơn tính nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, các hiện tượng tai biến thiên nhiên và các giải pháp giảm thiểu tai biến.
Theo hướng tiếp cận hệ thống, ngành này không chỉ đòi hỏi giỏi kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa mà phải có một chút năng lực về khoa học xã hội như Văn học và Lịch sử.
Bởi lẽ bức tranh hoàn hảo cuối cùng sẽ là nghiên cứu để góp phần vào một mô hình quy hoạch không gian của một lãnh thổ theo hướng phát triển bền vững lâu dài. Đất nước muốn phát triển nhanh sớm trở thành một quốc gia hội nhập quốc tế tất yếu phải được quy hoạch không gian bền vững.
“Hiện nay tôi có đôi chút lo ngại về nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực khoa học Trái đất quá yếu về chất lượng và quá thiếu về số lượng. Để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đáng lo ngại này không thể một sớm một chiều làm được ngay và không chỉ là do các trường đại học phải thay đổi phương thức đào tạo hay hạ điểm chuẩn tuyển sinh.
Tôi cho rằng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xã hội để mọi người nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và sự hấp dẫn của khoa học Trái đất. Khi đó mỗi học sinh phổ thông mới đăng ký vào khoa học Trái đất với hoài bão và niềm tin một cách tự nguyện”, GS Trần Nghi trăn trở.