Bất cứ ai cũng có thể chết vì cái răng này

Tiểu Nhã |

Theo các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt chiếc răng số 8 hay còn gọi là răng khôn rất nguy hiểm và tốt nhất nên xử lý nhổ răng này tránh các biến chứng.

Nhiễm trùng huyết vì răng khôn

Anh Nguyễn Văn Hùng trú tại Thường Tín, Hà Nội mỗi lần nhắc tới răng không là lại tái mặt vì mỗi lần răng khôn mọc là một lần anh méo mặt với nó.

Chiếc răng khôn thứ 3 mọc vào cách đây 2 năm trước khiến anh suýt chết. Anh Hùng kể sau khi răng khôn mọc đau quá anh đến một phòng răng để điều trị. Bác sĩ cho nhổ răng đi. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày vùng răng nhổ vẫn chảy máu và đau.

Cơn đau còn đau hơn lúc chưa nhổ răng, mặt sưng, người sốt li bì. Vợ anh mua thuốc cho uống nhưng không hạ sốt. Đến ngày thứ 4, anh sốt cao có dấu hiệu sốc nhiễm trùng đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm trùng huyết do nhổ răng khôn không đảm bảo vệ sinh.

Còn chị Bùi Lệ Dương trú tại Hoàng Mai, Hà Nội vẫn giữ lại chiếc răng khôn làm kỷ niệm. Chị Dương kể chị có hai cái răng khôn nằm tận góc hàm. Chiếc răng mọc chéo và rất hay gây viêm nha chu vùng cung hàm khiến chị khó chịu.

Không chỉ bị chiếc răng khôn hành hạ bởi những trận viêm hàm mặt mà chiếc răng khôn chui sâu vào cung hàm nên việc vệ sinh khó khiến nó bị sâu. Sâu vào tận tuỷ khiến chị Dương đau nhức không nhai được.

Khi vào bác sĩ khám phát hiện cả hai chiếc răng số 8 bị sâu ăn rỗng vào trong, không chỉ thế nó còn xiên sang chiếc răng số 7, may mà chị nhổ sớm nếu không sẽ làm vỡ chiếc răng số 7 bên cạnh.

Chị Dương được bác sĩ ở bệnh viện nhổ bỏ hai chiếc răng số 8. Nhìn hai chiếc răng chị cũng sợ hãi nhưng vẫn giữ lại làm kỷ niệm để tự dặn mình không được coi thường răng miệng.

Bất cứ ai cũng có thể chết vì cái răng này - Ảnh 1.

Răng khôn rất hay mọc lệch, gây ra sự khó chịu khiến nhiều người phải nhỏ bỏ (Ảnh minh họa)

Có thể chết vì răng khôn

Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội cho biết, răng khôn là chiếc răng số 8. Con người có 32 chiếc răng mỗi hàm 16 chiếc và chiếc răng số 8 thường mọc muộn từ 20 đến 30 tuổi thậm chí lâu hơn.

Khi mọc, răng số 8 thường thiệt thòi vì không còn "đất" nên không đủ chỗ để mọc một cách bình thường.

Răng khôn thường tự "mở đường" mọc ngược về phía xương hoặc đâm thẳng về phía chiếc răng hàm đứng kế bên, mọc lệch… gây đau đớn khi mọc răng khôn.

Biểu hiện nhẹ nhất là nhiễm trùng, răng bị lợi trùm lên hoặc ngầm trong xương hàm, khiến thức ăn và vi khuẩn dắt vào túi lợi gây viêm quanh chân răng cấp mủ lan cả về phía thực quản, amydal, viêm hạch góc hàm.

Về sau viêm trở thành mãn tính lan xuống hầu họng, gây rối loạn tiêu hóa do nuốt mủ.

Răng khôn không có giá trị nhiều trong nhai thức ăn vì hầu như chiếc răng số 7 đã đảm nhiệm đủ nhưng không phải vì thế mà xem thường răng số 8.

GS Hải cho biết tốt nhất nên nhỏ bỏ cả 4 răng khôn, răng này khi nhổ sẽ không mọc lại nữa, không gây đau đớn, ảnh hưởng đến viêm nhiễm cung hàm.

Bất cứ ai cũng có thể chết vì cái răng này - Ảnh 2.

Giáo sư Hải khuyên nên nhổ bỏ răng khôn nếu nó không bình thường (Ảnh minh họa)

Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ. Lâu ngày gây sâu răng hoặc viêm nhiễm vùng lợi xung quanh dẫn đến sưng, đau, hôi miệng…

Bệnh viêm lợi sẽ tái phát nhiều lần nếu răng khôn không được chữa trị, những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm càng cao.

Giáo sư Hải đã gặp bệnh nhân tử vong vì răng khôn nên khuyến cáo mọi người khi bị răng khôn nên đến các cơ sở y tế để điều trị răng khôn.

Tuy nhiên, việc xử lý răng khôn cũng không phải đơn giản nếu làm ở cơ sở vệ sinh kém có thể bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng hậu phẫu là một biến chứng khi nhổ răng số 8 diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này nếu không được khắc phục dễ dẫn đến biến chứng hoại tử, nhiễm trùng máu.

Ngoài ra, vị trí răng khôn mọc là nơi đi qua của nhiều dây thần kinh hàm mặt khác nhau, nếu nhổ răng không cẩn thận thì dễ ảnh hưởng đến các dây thần kinh này.

Biểu hiện của biến chứng sau nhổ răng khôn ở trường hợp này là bệnh nhân cảm thấy đau đớn, cảm giác ngứa ran và tê ở lưỡi, môi dưới, cằm, răng và nướu răng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại