Bát là vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình, được sử dụng hàng ngày nhưng lại ít được quan tâm dùng thế nào mới tốt cho sức khỏe. Ngay cả với những loại bát có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo nhưng trong quá trình sử dụng cũng có thể hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc, gây hại.
Vì vậy, nếu bát trong nhà bạn có 5 dấu hiệu “bất ổn” dưới đây thì cần vứt bỏ ngay. Đừng vì chủ quan hay tiết kiệm sai chỗ mà rước bệnh tật cho cả gia đình!
1. Bát bị xước nhiều hoặc nứt, mẻ
Bị xước hay nứt, mẻ trong quá trình sử dụng là chuyện khó tránh khỏi dù bát làm bằng chất liệu nào. Bản thân những dấu hiệu này làm giảm công năng của bát, hơn nữa còn dễ gây họa cho sức khỏe.
Cụ thể, bát bị xước hay nứt, mẻ sẽ rất khó làm sạch hoàn toàn, cũng dễ giữ nước. Quá trình này tạo điều kiện cho bụi bẩn, hóa chất rửa bát lắng đọng lại cũng như vi khuẩn sinh sôi. Đặc biệt, nếu bát được làm từ chất liệu gốm sứ, những vết nứt còn có thể gây hỏng lớp men, khiến bát dễ bị rỉ sét hoặc thậm chí giải phóng các chất độc hại ra thực phẩm. Ngoài ra, chúng cũng dễ rơi những mảnh vụn vào thức ăn hoặc làm bị thương người sử dụng.
2. Bát bị ngả màu, ố vàng
Bát bị ố vàng hoặc ngả màu là dấu hiệu rõ rệt của việc sử dụng quá lâu hoặc bảo quản không đúng cách. Chất liệu gốm, sứ hoặc thủy tinh nếu bị ngả màu thường dễ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn, làm giảm độ an toàn cho thực phẩm khi tiếp xúc. Các chất bẩn này không chỉ làm mất thẩm mỹ của bát mà còn có thể gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu không được vệ sinh kỹ càng.
Đặc biệt là với các bát có lớp tráng men mà ố vàng thì càng nguy hiểm. Chúng có thể chứa chì hoặc kim loại nặng trong quá trình sản xuất, dễ dàng bị giải phóng khi lớp men bị hao mòn. Bát ố vàng nghiêm trọng cũng có thể là dấu hiệu dùng quá lâu dẫn tới kết cấu lỏng lẻo, biến chất. Tốt nhất là nên vứt bỏ.
3. Bát có mùi lạ, rất khó làm sạch
Một dấu hiệu cho thấy bạn nên vứt bỏ ngay những chiếc bát trong nhà là khi chúng rất khó làm sạch hoặc rửa kỹ mấy cũng có mùi lạ. Điều này cho thấy chúng bị ám mùi thức ăn, ẩm mốc, vi khuẩn hoặc thậm chí là biến chất, bị nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng. Những chiếc bát có mùi hóa chất hoặc mùi khó chịu có thể chứa các hợp chất nguy hiểm đã được thẩm thấu vào lớp men trong quá trình sử dụng.
Khi dùng những loại bát này, độc tố và vi khuẩn sẽ thôi nhiễm vào thức ăn. Khiến mùi và vị thức ăn bị ảnh hưởng, dẫn tới các bệnh tật từ tiêu hóa tới nhiễm khuẩn, hô hấp hoặc ngộ độc, ung thư nếu dùng lâu ngày.
4. Bát bị mốc hoặc có nấm
Bát được làm từ chất liệu có thể hấp thụ độ ẩm như gốm hay đất nung, gỗ thì việc giữ bát trong môi trường ẩm ướt có thể khiến chúng bị mốc hoặc phát sinh nấm. Những vi sinh vật này không chỉ gây ảnh hưởng đến hương vị thực phẩm mà còn có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác.
Mốc trong bát có thể phát tán bào tử gây dị ứng hoặc nhiễm trùng. Đặc biệt, nấm mốc từ một số loại bát, nhất là bát gỗ chứa chất cực độc Aflatoxin. Nó thậm chí có thể không thấy bằng mắt thường, không thể rửa sạch hay tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Khi ăn vào gây ngộ độc, ung thư và tử vong do suy gan, suy thận cấp.
5. Bát có lớp men bong tróc, màu bị nhòe
Một trong những dấu hiệu cần vứt bỏ bát ngay lập tức là khi lớp tráng men của bát bị bong tróc hoặc màu sắc của các họa tiết bị nhòe, trộn vào nhau. Lớp men và lớp màu này bị bong tróc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chất độc hại, hóa chất vào đồ ăn. Đặc biệt là chì hoặc cadmium - vốn là thành phần nguy hiểm trong quá trình tráng men không đảm bảo chất lượng.
Khi bạn ăn thực phẩm tiếp xúc với những lớp men này, các hóa chất có thể xâm nhập vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là gan, thận và hệ thần kinh. Ngoài ra, những mảnh vỡ của lớp men hay hóa chất tạo màu có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa khi hòa lẫn vào thức ăn và chúng ta ăn phải.
Nguồn và ảnh: Sina, Sohu