1. Mùa giải năm ngoái, lần đầu tiên tính từ ngày bầu Đức đôn lứa U19 của Công Phượng lên chơi V.League, HAGL được trụ hạng sớm. Dù thua 6/7 trận ở giai đoạn 2 mùa giải V.League 2020, song Tuấn Anh và các đồng đội vẫn "bình chân như vại" bởi đã "đạt KPI" ngay từ giai đoạn 1.
Nhưng những đàn em của họ, lứa cầu thủ tiếp nối với những Đinh Thanh Bình, Lương Hoàng Nam, Trần Thanh Sơn, Minh Quyền, Du Học... lại gây ra một nỗi thật vọng não nề, khiến chất lượng cầu thủ trẻ của đội bóng phố Núi bị đặt dấu chấm hỏi đầy nghi hoặc.
Ngay trước thềm mùa giải năm ngoái, bầu Đức rút 9 cầu thủ dự định cho Bình Định mượn để đá giải hạng Nhất 2020 về, đem cho CAND - đội bóng đá giải hạng Nhì mượn.
Động thái hơn một năm trước này từng khiến bóng đá Bình Định phải lao đao, cuống cuồng gom quân cho mùa giải mới. Kết cục, dưới sự dẫn dắt của HLV Đức Thắng, đội bóng với nòng cốt là các cầu thủ trẻ mượn được từ lò Viettel, đã xuất thần lên ngôi vô địch giải hạng Nhất, đoạt suất tham dự V.League 2021. Không những thế, thành tích và quyết tâm của họ thuyết phục được nhà đầu tư rót đến 300 tỷ vào giúp "ngựa ô tung vó".
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu 9 đàn em của Công Phượng giúp đội bóng CAND thăng lên hạng Nhất - đúng như chỉ tiêu được đề ra. Bởi xét cho cùng, bầu Đức cho cho ai mượn người là quyền của ông, và chọn hạng Nhất hay hạng Nhì để "thử lửa" cho các cầu thủ trẻ của mình, ông hẳn là người biết rõ nhất.
Rốt cuộc, đấy lại trở thành "câu chuyện cười" đắng lòng cho học viện HAGL của bầu Đức, khi CAND với những "đứa con thứ" của bầu Đức lại chẳng thể thăng hạng khi không thể lọt nổi vào top 3. Với những người hâm mộ HAGL, đấy quả là một tin buồn thê thảm. Với giới chuyên môn, đấy là thất bại khiến họ phải đánh giá lại chất lượng của lò đào tạo HAGL lừng lẫy.
2. May mắn thay, "bất chiến tự nhiên thành", dù thất bại song cuối cùng CAND vẫn được thăng lên chơi giải hạng Nhất "như lộ trình", khi đội bóng từng đánh bại họ để giật lấy tấm vé lên hạng, rốt cuộc lại "bỏ cuộc chơi", nhường suất lại cho đối thủ.
Lần này, bầu Đức con "chịu chơi" hơn khi "tài trợ" đến 11 cầu thủ cho CAND, với mục tiêu thăng lên chơi V.League.
Mục tiêu này gây sốc chẳng kém gì việc sau khi Công Phượng thất bại từ Hàn Quốc trở về, bầu Đức lập tức gửi cầu thủ con cưng của mình sang hẳn châu Âu để chơi bóng, với mục tiêu "mở đường cho cầu thủ Việt Nam sang châu Âu".
Công Phượng dĩ nhiên thất bại với lựa chọn gây sốc ấy của bầu Đức. Thế còn 11 cầu được bầu Đức chọn để "làm lại" cùng CAND, liệu họ có bước vào "vết bánh xe cũ" của đàn anh?
Mới đây, trợ lý Lee Young-jin của HLV Park Hang-seo nhận xét về cầu thủ Việt Nam: "Người Việt Nam có lòng kiêu hãnh mãnh liệt nhưng còn thiếu tự tin. Các cầu thủ Việt Nam ban đầu cũng vậy. Sau khi thắng Thái Lan, họ hiểu rằng mình có thể vượt qua tâm lý sợ hãi.
Bầu không khí ấy là bước ngoặt cho ngôi Á quân U23 châu Á 2018 sau đó. Tôi có nói với các cầu thủ trước mỗi trận đấu, rằng ngay kể cả thua, Việt Nam cũng phải chơi sòng phẳng với đối thủ. Điều quan trọng nữa là chúng ta phải thật sự đoàn kết".
Tự tin là điều không chỉ những cầu thủ trẻ HAGL còn thiếu, mà cũng chỉ là điều suốt 6 mùa giải qua, bản thân HAGL vẫn đang tìm kiếm. Tiếp quản đội bóng phố Núi, tân HLV trưởng Kiatisuk nói rằng ông ngạc nhiên bởi HAGL toàn tuyển thủ quốc gia và U23 Việt Nam, song rốt cuộc vẫn cứ mãi lận đận với cuộc đua trụ hạng.
Đem Công Phượng trở về, đem Kiatisuk trở về, đồng thời tăng cường mạnh mẽ cho HAGL mùa giải này, thứ quan trọng nhất mà bầu Đức đem về cho đội bóng phố Núi chính là sự tự tin. Sự tự tin ấy được thể hiện với mục tiêu quyết tâm vô địch V.League của Kiatisuk cùng Công Phượng, Tuấn Anh.
Nhưng còn 11 cầu thủ được "tăng viện" cho CAND. Thất bại nhưng vẫn được lên chơi ở giải hạng Nhất, với mục tiêu có phần "quá đà", họ vịn vào cái gì để có được sự tự tin cần thiết, để lấy lại thanh danh cho lò đào tạo HAGL?