Tờ Washington Post đưa tin, mặc dù chưa bắt đầu mùa bão 2019 nhưng trên Đại Tây Dương đã xuất hiện 1 cơn bão lớn bất thường.
Washington Post dẫn thông tin của Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho hay, tối ngày 20/5, một cơn bão cận nhiệt đới có tên Andrea đã hình thành.
Sở dĩ các chuyên gia khí tượng gọi Andrea là cơn bão cận nhiệt đới là vì nó có sự pha trộn cả hai đặc điểm nhiệt đới và phi nhiệt đới. Sức gió đo được ngày 20/5 là 64km/giờ. Cơn bão có thể mạnh lên một chút vào thứ Ba trước khi suy yếu vào thứ Tư và tan dần vào cuối tuần này, NHC cho biết.
Mặc dù không đủ mạnh để gây ảnh hướng đến Mỹ, tuy nhiên, việc cơn bão Andrea xuất hiện trước mùa mưa bão hàng năm (thường vào ngày 1/6 hàng năm) đã khiến các nhà khoa học về khí tượng lo lắng.
Theo nhận định của các nhà khí tượng, xu hướng trong 50 năm qua là bão đã hình thành sớm hơn thường lệ và sự bất thường này đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn theo các năm tại Đại Tây Dương.
Bởi theo thống kê của NHC, cơn bão cận nhiệt đới Andrea đã khiến năm 2019 trở thành năm thứ 5 liên tiếp xuất hiện bão trước mùa mưa bão (các cơn bão của các năm trước bao gồm: Ana năm 2015, Bonnie năm 2016, Arlene năm 2017 và Alberto năm 2018).
Xu hướng trong 50 năm qua là bão đã hình thành sớm hơn thường lệ và sự bất thường này đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn theo các năm tại Đại Tây Dương. (Màu xanh lá: Thể hiện mùa mưa bão chính thức). Nguồn: NHC.
Trái Đất, đại dương đều "có bệnh"!
Trước đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, năm 2018, đại dương trên toàn thế giới giữ kỷ lục nóng nhất trong vòng 70 năm qua. Cụ thể, chỉ trong năm 2018, đại dương đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" rơi xuống Hiroshima năm 1945.
Nguyên nhân là do sự nóng lên toàn cầu nên 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu được lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.
Việc đại dương nóng lên gây hiểm họa vô cùng lớn với không chỉ các sinh vật sinh sống dưới biển, mà còn là nguyên nhân chính khiến con người hứng chịu nhiều bão, siêu bão mạnh và khó lường trong tương lai. Bởi, các cơn bão hình thành trên đại dương lấy năng lượng và sức mạnh từ việc nước biển/đại dương bốc hơi.
Các nhà khí tượng học cho biết, bão (xoáy thuận nhiệt đới) phần lớn hình thành trên đại dương và những vùng biển có nhiệt độ nước khá ấm. Các xoáy thuận nhiệt đới lấy năng lượng từ việc nước biển/đại dương bốc hơi.
Liên quan đến tình hình thời tiết năm 2019, National Geographic dẫn lời dự báo của các nhà khoa học rằng: 2019 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại, do tác động của hiện tượng El Nino cũng như hệ quả của biến đổi khí hậu nhân tạo.(đọc chi tiết)
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) liệt kê, 4 năm nóng liên tục trong quá khứ là 2015, 2016, 2017 và 2018.
Biến đổi khí hậu nhân tạo đang khiến cho sự nóng lên toàn cầu gia tăng, đổi lại, khiến cho thời tiết ngày càng nguy hiểm, bất thường.
Có thể thấy rõ ràng rằng, thời tiết cực đoan đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống con người. Chúng ta đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt, khó lường của thời tiết trong các năm qua, bao gồm: Bão, siêu bão, nắng nóng, sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán...
Bài viết sử dụng nguồn: The Washington Post
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.