Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, tương lai của đầu tư nước ngoài đang là tâm điểm chú ý. Trong khi chính quyền Trump đe dọa sẽ tìm cách hạn chế danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ vào Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đang tăng cường nỗ lực mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào là phỏng đoán của mỗi người, nhưng một số nhà đầu tư Mỹ vẫn kiên định. Rốt cuộc, bạn sẽ làm gì khi hai nước lớn nhất thế giới đang đối diện trong một cuộc chiến thương mại đe dọa sự ổn định toàn cầu? Bạn cho rằng người tiêu dùng sẽ vẫn mua hàng ở cả hai nơi, lo lắng về sự sụp đổ của thế giới trong ngắn hạn nhưng sẽ tiếp tục đầu tư?
Đó là cách tiếp cận của General Atlantic, một công ty tư nhân trị giá 35 tỷ USD, tiên phong trong toàn cầu hóa. "Tôi nghĩ có quá nhiều bi quan ngoài kia. Dữ liệu kinh tế toàn cầu không tệ như bạn đọc mỗi ngày", theo CEO Bill Ford.
Khoảng 55% danh mục đầu tư của General Atlantic là bên ngoài Mỹ, với khoảng 10% tại Trung Quốc. Trong các cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Ford đã chỉ ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và công ty đang làm những gì để điều hướng rủi ro - bao gồm tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
General Atlantic là một trong những công ty cổ phần tăng trưởng lớn nhất thế giới, cung cấp vốn và hỗ trợ chiến lược cho các công ty tăng trưởng dựa trên các xu hướng dài hạn. Xu hướng này có thể sẽ phát triển khi phần vốn trong thị trường tư nhân tăng lên, ngoài thị trường công khai được điều tiết bởi chính phủ quốc gia.
Có rất nhiều kỳ lân bên trong và ngoài Mỹ. Khởi nghiệp đã toàn cầu hóa, theo ông Ford.
Các công ty tư nhân khác đang rút lui khỏi Trung Quốc. Nhìn chung, đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Trung Quốc đã giảm xuống 9,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, so với 15,1 tỷ USD của năm trước, theo EMPEA.
Ông Ford giải thích lý do tại sao General Atlantic vẫn tăng giá cổ phần tại Trung Quốc và Mỹ. Mỹ là một trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là một nền kinh tế dựa trên dịch vụ, sẽ phát triển tốt hơn trong thời kỳ suy thoái so với nền kinh tế sản xuất.
General Atlantic dự báo tăng trưởng dài hạn tại Trung Quốc là 5 - 6%. Nước này cũng đang chuyển sang một nền kinh tế dựa trên dịch vụ.
Những kỳ lân Trung Quốc
Ông Ford thống kê, Trung Quốc đã nộp hơn 30.000 bằng sáng chế công khai về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2018 (gấp 2,5 lần so với Mỹ). Trung Quốc đang chạy đua với mạng 5G, với 3 nhà khai thác viễn thông thí điểm 5G tại hơn 12 thành phố, với tổng dân số là 167 triệu người. Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về các bằng sáng chế 5G (3.400) so với Hàn Quốc (2.051) và Mỹ (1.368).
Trung Quốc cũng có một thị trường trẻ và rộng lớn cho phép thương mại hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số nhanh chóng với quy mô lớn, theo General Atlantic. Trung Quốc có hơn 800 triệu người dùng internet - nhiều hơn EU và Mỹ gộp lại - với sự thâm nhập thương mại điện tử tiên tiến và Internet di động chiếm 85% tổng số giao dịch. Đất nước này cũng đang chạy đua trong các lĩnh vực như 5G và trí tuệ nhân tạo.
Tại Trung Quốc, General Atlantic đã đầu tư công nghệ, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe hai thập kỷ nay. Các khoản đầu tư bao gồm Bytedance, một nền tảng truyền thông AI phân phối nội dung dựa trên sở thích của người dùng trong thời gian thực; Ant Financial, một công ty công nghệ tài chính cung cấp các khoản thanh toán, cho vay, bảo hiểm, quản lý tài sản và điểm tín dụng; Asia Medical, nhà điều hành bệnh viện thuộc sở hữu tư nhân chuyên ngành tim mạch. Vòng gọi vốn trước IPO vào năm 2018, Bytedance, công ty sở hữu TikTok, được định giá ở mức đáng kinh ngạc - 75 tỷ USD, trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới.
Vào tháng 9/2018, General Atlantic đã đầu tư 150 triệu USD vào Asia Medical có trụ sở tại Hồng Kông. Tháng 5/2014, họ đã dẫn đầu vòng gọi vốn Series C trị giá 300 triệu USD cho nền tảng cung cấp dịch vụ Meituan.com của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại không ảnh hưởng tới xu hướng dài hạn, Mỹ và Trung Quốc vẫn là thị trường đầu tư tiềm năng với tầm nhìn ít nhất từ 5 đến 7 năm, theo ông Ford.
Rủi ro địa chính trị
Chiến tranh thương mại làm tăng rủi ro địa chính trị, và ông Ford cũng lo lắng về điều này. "Chúng ta có rủi ro địa chính trị cao ở mọi nơi như bạn thấy. Chúng ta có Iran, Bắc Triều Tiên. Chúng ta có những nhà lãnh đạo chính trị thiếu nhạy bén và dân túy trên khắp thế giới. Và đặc biệt là rủi ro an ninh mạng."
10 năm trước, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu đến từ bên trong nước Mỹ: một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Phố Wall đã dẫn đến cuộc suy thoái khủng khiếp của năm 2008 - 2009. Hiện nay, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu một lần nữa bắt nguồn từ Mỹ: một cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng và dẫn đến một cú sốc địa chính trị.
"Chúng tôi luôn luôn mường tượng về suy thoái kinh tế. Chúng tôi đã có 10 năm mở rộng hoạt động kinh tế. Bạn phải tin rằng một cuộc suy thoái sẽ sớm xảy ra."
Trong một cuộc suy thoái toàn cầu do một cú sốc địa chính trị gây ra, những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra đối với các nền kinh tế đang phát triển, nơi nhiều công ty đang nợ bằng loại tiền tệ dễ dao động. Những quốc gia này cũng đối mặt với rủi ro trực tiếp từ cuộc chiến thương mại, nếu chính phủ Trung Quốc rút lại các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc các công ty khởi nghiệp.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF ước tính Trung Quốc chiếm khoảng 35% tăng trưởng GDP thế giới.
Quỹ Vanguard dự đoán tăng trưởng GDP thực tế tại Trung Quốc năm 2019 là 6,2%, các thị trường mới nổi từ 4,4% giảm xuống 4,1% và Mỹ Latinh giảm từ 1,4% xuống 0,6%.
Kiếm chứng thực tế quan trọng
Nhưng quan điểm phổ biến rằng Trung Quốc có thể giảm đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy tăng trưởng không phản ánh thực tế phức tạp của thế giới. Từng ngành, từng quốc gia, là những câu chuyện khác nhau. Ví dụ, ở Đông Nam Á, một cuộc rút lui khỏi Trung Quốc có thể dành chỗ cho các nhà đầu tư và người mua khác bước vào. Tại Việt Nam, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong năm 2019 bất chấp chiến tranh thương mại. Theo báo cáo ngày 30/6 của Viện Tài chính Quốc tế, các công ty Việt Nam đang tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn và đã xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn 30% so với năm ngoái.
General Atlantic đã áp dụng một số chiến lược để điều hướng một thế giới toàn cầu hóa. Ông Ford đề cập 3 lĩnh vực quan trọng và vững vàng ngay cả khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và chăm sóc sức khỏe. Nhiều khoản đầu tư gần đây của công ty tập trung vào các lĩnh vực này.
General Atlantic liệt kê Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Indonesia là các khu vực trọng tâm. Họ có 150 chuyên gia đầu tư và 14 văn phòng trên toàn thế giới. "Hiện nay, Indonesia là một trong những quốc gia kỹ thuật số hàng đầu trên thế giới, với nền kinh tế internet hơn 25 tỷ USD và hơn 150 triệu người đang dùng internet. Để tận dụng các cơ hội trong khu vực, chúng tôi mới mở một văn phòng ở Jakarta để hỗ trợ cho trung tâm của chúng tôi tại khu vực này ở Singapore."
General Atlantic đã nhìn thấy cơ hội lớn ở Brazil trong 5 năm qua, trong đó bao gồm nền tảng giáo dục Brazil Arco. Công ty đã huy động được 220 triệu USD trong đợt IPO trên NASDAQ vào năm 2018 - thành công tương đối hiếm gặp của một công ty khởi nghiệp từ một thị trường đang phát triển. Với nhu cầu về dịch vụ giáo dục dành cho trẻ em ngày càng cao của người tiêu dùng, Arco đã phát triển bất chấp tình trạng hỗn loạn ở Brazil.
General Atlantic cũng đầu tư 250 triệu USD vào Greensill - một công ty tài chính cung cấp vốn lưu động cho các công ty có trụ sở ở London, và công ty du lịch Kiwi.com của Séc.
General Atlantic "ghi điểm"
General Atlantic không phải là một công ty đứng trong "top" đầu khi nói đến đầu tư sớm vào các kỳ lân. Họ đứng thứ 18 trong danh sách các công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới, đầu tư vào 21 trên tổng số 344 kỳ lân toàn cầu tính đến tháng 5/2019, theo CB Insights.
5 năm trước, General Atlantic đã phát triển một chiến lược mới, triển khai 15% tổng vốn cho tăng trưởng mới nổi - nghĩa là thực hiện đầu tư sớm hơn vào vòng đời của công ty, khi định giá đang thấp hơn. Đầu tư vào hạng mục tăng trưởng mới nổi là 25 triệu đến 75 triệu USD, ông Ford cho biết.
General Atlantic có một lịch sử lâu dài thích ứng với các xu hướng, chủ yếu dưới sự lãnh đạo của ông Ford. Được thành lập vào năm 1980, General Atlantic ban đầu là văn phòng gia đình của ông Chuck Feeney, người đã kiếm bộn tiền trên các cửa hàng miễn thuế. Ông Ford đã làm việc với công ty từ năm 1991 và trở thành CEO vào năm 2007, khi công ty có 12 tỷ USD tài sản đang quản lý (AUM). Những chiến thắng lớn của General Atlantic đã bao gồm các khoản đầu tư vào Priceline và Airbnb.
Các công ty cổ phần tăng trưởng toàn cầu này đã thu về khoảng 12,7% lợi nhuận ròng mỗi năm trong 10 năm qua, theo Cambridge Analytics. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thu lại 6,9% trong cùng khoảng thời gian và quỹ mua lại là 14,2%.
Tăng trưởng cổ phần tư nhân toàn cầu đã và đang "cưỡi làn sóng" giới trung lưu. Đến năm 2030, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ tăng lên 5,4 tỷ người, 65% trong số đó ở châu Á. 90% trong số một tỷ người tiêu dùng trung lưu mới được dự đoán là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Trong một cuộc suy thoái, các công ty mua lại được cho là dễ bị tổn thương nhất, bởi vì các công ty trong danh mục đầu tư của họ có đòn bẩy cao, ông Ford nói. Hiệu suất của các công ty cổ phần tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào yếu tố hiếm có đó: kỹ năng. Các công ty cần đặt cược thông minh, giữ mức đòn bẩy thấp trên bảng cân đối kế toán của các công ty danh mục đầu tư và tìm người mua cho khoản đầu tư của họ.
Trong thời kỳ suy thoái, ông Ford cho biết, lãnh đạo là nhân tố quyết định việc một công ty có tồn tại và kiếm tiền cho các nhà đầu tư hay không. "Nói chung, rất khó để mô tả. Họ có thể thay đổi quyết định khi cần thiết, họ có dễ thích nghi? Khi chúng tôi thành công, đều là công của các nhà lãnh đạo công ty."