Bất chấp những lời 'chê bai', dầu Nga vẫn ồ ạt chảy đi khắp châu Âu nhờ một quốc gia châu Á

Vu Lam |

Dù bị áp lệnh trừng phạt, dầu của Nga vẫn cung cấp năng lượng cho cả châu Âu và với "sự hỗ trợ" của Ấn Độ.

Bất chấp những lời chê bai, dầu Nga vẫn ồ ạt chảy đi khắp châu Âu nhờ một quốc gia châu Á - Ảnh 1.

Hồi tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm hầu hết mọi hoạt động nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga. Khối này đã mở rộng lệnh cấm đối với nhiên liệu tinh chế vào 2 tháng sau đó.

Tuy nhiên, lệnh cấm của EU cũng không ngăn cản những quốc gia như Ấn Độ mua dầu thô giá rẻ của Nga, tinh chế thành nhiên liệu như dầu diesel và vận chuyển trở lại châu Âu với giá cao hơn.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ công ty phân tích Kpler, quốc gia châu Á này đang sắp trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu trong tháng này, đồng thời cũng mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô cấp cao của Kpler, cho hay: “Dầu Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu, bất chấp mọi lệnh trừng phạt. Việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình về điều đó. Khi Ấn Độ nhập khẩu rất nhiều dầu Nga, thì đó là điều hiển nhiên.”

Bất chấp những lời chê bai, dầu Nga vẫn ồ ạt chảy đi khắp châu Âu nhờ một quốc gia châu Á - Ảnh 2.

Trong khi đó, việc dầu Nga tiếp tục “chảy” vào châu Âu lại là con dao 2 lưỡi với khu vực này. Một mặt, khối này cần các nguồn dầu diesel thay thế khi cắt nguồn cung từ Nga - nhà cung cấp hàng đầu của họ.

Tuy nhiên, cuối cùng, chính EU lại làm tăng nhu cầu với các thùng dầu từ Moscow, đồng nghĩa với việc chi phí vận chuyển tăng lên. Ngoài ra, sự cạnh tranh đối với các nhà máy lọc dầu của châu Âu cũng tăng lên, khi họ là những doanh nghiệp không thể tiếp cận với dầu thô giá rẻ của Nga.

Dữ liệu của Kpler cho thấy, nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của châu Âu từ Ấn Độ sẽ tăng vượt 360.000 thùng/ngày, vượt xa so với nguồn cung từ Ả Rập Xê Út. Còn lượng dầu thô của Nga vận chuyển đến Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm gần 44% tổng lượng nhập khẩu dầu của quốc gia này.

Hơn 1 nửa số lô hàng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có điểm đến là châu Âu và các nước G7, trước khi EU cắt giảm nguồn cung để trừng phạt Moscow vào đầu năm 2022.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại