Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ đã phát minh ra vi mạch và đã đe dọa trừng phạt bất kỳ ai bán vi mạch cho Nga. Tuy nhiên, những thông tin rò rỉ gần đây cho thấy rõ rằng chúng vẫn tiếp tục được chuyển sang Nga. Trung tâm của các vụ giao dịch này là Trung Quốc cùng một số quốc gia trung gian khác như Thổ Nhĩ Kỳ.
Khả năng thích ứng của các mạng lưới thương mại toàn cầu để đối phó với các biện pháp trừng phạt và thuế quan không phải là một câu chuyện mới. Một ví dụ khác gần đây là thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã thích nghi tương đối nhanh trước các quyết định của phương Tây trong việc từ bỏ năng lượng của Nga. Nhưng việc ngăn chặn dòng chảy chất bán dẫn - được sử dụng cho cả thiết bị gia dụng hàng ngày và thiết bị quân sự - vào Nga là một vấn đề đặc biệt khó khăn.
Một lý do chính: Trung Quốc, quốc gia đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, là trung tâm thương mại chip toàn cầu. Đây là sàn nhà hàng hóa điện tử của thế giới và là nhà nhập khẩu chip lớn nhất toàn cầu, đồng thời là nhà sản xuất chip cấp thấp quan trọng. Số liệu thống kê xuất khẩu công khai của Trung Quốc cũng không đề cập đến thông tin chi tiết về các đối tác kinh doanh ở nước ngoài.
Ví dụ, dữ liệu công khai cho thấy một số thiết bị bán dẫn nhất định tiếp tục được chuyển đến Nga – nhưng không cho biết ai đã bán chúng hoặc liệu chúng có thực sự là mặt hàng bị trừng phạt hay không. Điều đó khiến việc hạn chế dòng chất bán dẫn từ Trung Quốc sang Nga - trực tiếp hoặc thông qua các nước thứ ba được "đóng gói lại" thành hàng hóa mới - trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng việc ngăn chặn hoàn toàn xuất khẩu chip sang Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp điện tử của thế giới ngừng hoạt động.
Điều rõ ràng là, sau khi sụt giảm vào đầu năm 2022 do lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ, hoạt động nhập khẩu chất bán dẫn của Nga đã phục hồi mạnh mẽ và các công ty Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt. Hồ sơ hải quan Nga bị rò rỉ cho thấy nhập khẩu chip và linh kiện chip của Nga gần bằng mức trung bình hàng tháng trước xung đột trong giai đoạn cuối năm 2022, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc. Dữ liệu hải quan Trung Quốc công khai cũng cho thấy các lô hàng mạch tích hợp đến Nga được định giá 179 triệu USD vào năm 2022, so với chỉ 74 triệu USD vào năm 2021.
Chip và linh kiện chip từ Trung Quốc cũng xuất hiện ở một số điểm đến thú vị khác. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu một số chất bán dẫn sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng hơn gấp đôi vào năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu chất bán dẫn tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng từ 79.000 USD vào năm 2021 lên 3,2 triệu USD vào năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga, đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thiết bị điện tử nói chung sang Nga. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc và điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2022 lên 559 triệu USD.
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông khác bao gồm Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào đầu tháng 2 vừa qua để tìm cách kiểm soát các mạng lưới mua sắm của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày 20/2 rằng họ không xuất khẩu thiết bị điện tử được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng sang Nga.
Việc phương Tây cắt giảm doanh số bán và vận chuyển các loại chip tiên tiến nhất sang Trung Quốc và Nga là một chuyện, nhưng việc tìm cách kìm hãm dòng chảy thương mại của các mặt hàng như chất bán dẫn cơ bản lại là một vấn đề khác. Điều đó đặc biệt đúng khi Trung Quốc và phần lớn các nước đang phát triển công khai nghi ngờ chế độ trừng phạt của phương Tây.
Như trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ năm 2018 và 2019 - khi hàng hóa Trung Quốc chịu thuế quan tìm đường đến các nước thứ ba và xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc vẫn duy trì tốt - Mỹ nhận thấy rằng các dòng chảy thương mại có xu hướng tự thích nghi.