Bất chấp làn sóng chuyển dịch, của cải các nước này lại "ào ạt" đổ về Trung Quốc, thương mại song phương tăng gần 100 lần

Minh Khôi |

Các quốc gia dầu mỏ vùng vịnh đang tận dụng sự giàu có của họ để thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.

Bất chấp làn sóng chuyển dịch, của cải các nước này lại ào ạt đổ về Trung Quốc, thương mại song phương tăng gần 100 lần - Ảnh 1.

Sự thay đổi kỷ lục chỉ sau 7 tháng

7 tháng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Vùng Vịnh đầu tiên tại Riyadh, trao đổi kinh tế giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã tăng tốc.

Dòng chảy thương mại hai chiều giữa Ả Rập Saudi và Trung Quốc đã tăng vọt lên 117 tỷ USD vào năm ngoái so với mức chỉ 834 triệu USD từ 3 thập kỷ trước.

Thương mại song phương UAE - Trung Quốc đã tăng gần gấp trăm lần lên 107 tỷ USD vào năm 2022 từ 1,15 tỷ USD vào năm 1992 - theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Một trong những thỏa thuận có thể được hưởng lợi từ các mối quan hệ chặt chẽ hơn trong những tháng tới là kế hoạch IPO trị giá 9 tỷ USD của Tập đoàn Syngenta tại Thượng Hải. Các cố vấn của tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước này đã thảo luận với các quỹ đầu tư của Trung Đông, bao gồm Cơ quan đầu tư Abu Dhabi và Quỹ đầu tư công của Ả Rập Saudi về việc trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Giá trị các thương vụ mua lại và đầu tư của các công ty vùng Vịnh ở Trung Quốc đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,3 tỷ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Dữ liệu cho thấy năm nay đang trên đà trở thành năm chứng kiến số lượng các giao dịch tăng kỉ lục giữa hai bên.

Mubadala Investment Co., quỹ đầu tư nhà nước trị giá 280 tỷ USD của Abu Dhabi, đang tăng cường hoạt động ở Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Các quan chức ở Riyadh mô tả Trung Quốc là đối tác không thể thiếu đối với Tầm nhìn 2030 - kế hoạch chuyển đổi kinh tế và xã hội trị giá hàng nghìn tỷ USD của Thái tử Mohammed bin Salman.

Một loạt công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng xây dựng thành phố tương lai NEOM.

Mối quan hệ cũng đang mở rộng ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12, ông Tập đã đề nghị làm trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Iran và Ả Rập Saudi, dẫn đến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào tháng 3 nhằm khôi phục quan hệ giữa hai đối thủ cạnh tranh được ký kết tại Bắc Kinh.

Chìa khóa cho mối quan hệ: Dầu mỏ

Một số chính trị gia ở Washington đã bày tỏ lo ngại rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông có thể thách thức các lợi ích của Mỹ về lâu dài.

Hasan Alhasan, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế có trụ sở tại Bahrain cho biết, sự không hài lòng với chiếc ô an ninh của Mỹ đã âm ỉ trong hơn 15 năm qua ở Trung Đông.

Alhasan nói: “Mỹ hiện đang xem xét lại các chính sách đối ngoại để phục vụ các chương trình nghị sự kinh tế của họ.

Các quan chức vùng Vịnh nói rằng các động thái của họ đối với Trung Quốc không nhằm mục đích thay thế Washington bằng Bắc Kinh với tư cách là đối tác chính. Nhưng họ muốn mở rộng các đối tác toàn cầu.

“Tôi không ủng hộ việc hướng tới chỉ một số ít đối tác”, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan cho biết trong cuộc họp báo hồi tháng 6 với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Ả Rập Saudi.

Trung Quốc ủng hộ cách tiếp cận đó.

Tháng trước, hàng ngàn doanh nhân và quan chức chính phủ từ Trung Quốc đã đến Riyadh để tham dự cuộc họp mặt kinh doanh giữa Ả Rập và Trung Quốc lớn nhất từ trước đến nay.

Chính phủ Ả Rập Saudi cho biết biên bản ghi nhớ trị giá hơn 10 tỷ USD đã được ký kết. Trong số đó có một thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD do Ả rập Saudi ký kết để phát triển ô tô với nhà sản xuất xe điện Human Horizons của Trung Quốc.

Trong khi đó, tại Abu Dhabi, công ty trí tuệ nhân tạo G42, do Cố vấn An ninh Quốc gia Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan làm chủ tịch, đã xác định Trung Quốc là thị trường hàng đầu để đầu tư.

Việc có các đối tác thay thế khiến các cường quốc vùng Vịnh bớt phụ thuộc vào Mỹ hơn.

Thương mại, chủ yếu là dầu mỏ, vẫn là chìa khóa cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và vùng Vịnh.

UAE cho biết trong một tuyên bố rằng nước này hy vọng “thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, giống như trường hợp của các đối tác kinh tế quan trọng khác”.

Mối quan hệ năng lượng đang ngày càng sâu sắc hơn. Trong thỏa thuận mới nhất, Ả Rập Saudi đã ký một hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD để mua 10% cổ phần của Công ty hóa dầu Rongsheng của Trung Quốc.

Có rất nhiều điều hai nước muốn hợp tác với nhau, Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, phát biểu tại diễn đàn về Trung Quốc.

Victor Gao, phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết ở Trung Đông, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng.

“Trung Quốc có sự linh hoạt trong các lập trường và luôn tìm hiểu các mong muốn của những đối tác trong khu vực", vị này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại