Bất chấp Covid-19, Lục quân Ấn Độ ‘cắn răng’ mua xe tăng mới?

Đức Trí |

Ấn Độ đang xem xét trang bị xe tăng hạng nhẹ mới cho Lục quân, kế hoạch đưa ra khi nước này đang chịu một cuộc khủng hoảng chưa từng có do dịch Covid-19.

Xe tăng Arjun mới của Lục quân Ấn Độ. Nguồn: Sina.

Xe tăng Arjun mới của Lục quân Ấn Độ. Nguồn: Sina.

Defencexp của Ấn Độ mới đây cho biết, theo kế hoạch "make in India", Lục quân Ấn Độ dự định mua khoảng 350 xe tăng hạng nhẹ theo từng giai đoạn. Hôm 29/4 vừa qua, Lục quân Ấn Độ đã chính thức đưa ra yêu cầu về xe tăng và bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng.

Loại xe tăng hạng nhẹ mới này có trọng lượng xấp xỉ 25 tấn và sẽ được trang bị cho gần 6 trung đoàn trong Lục quân Ấn Độ.

Việc mua sắm những chiếc xe tăng hạng nhẹ này là một phần trong nỗ lực của Lục quân Ấn Độ nhằm nâng cao tính ưu việt của lực lượng này trong tác chiến địa hình núi vì những chiếc xe tăng này có thể dễ dàng cơ động trên chiến trường cao nguyên.

Trong đợt xung đột với Trung Quốc ở Ladakh vừa qua, Lục quân Ấn Độ đã triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, T-72 và xe chiến đấu bộ binh BMP trong khu vực gần ranh giới kiểm soát thực tế ở phía đông Ladakh.

Các xe tăng này có trọng lượng 40-50 tấn, trong khi đó mẫu xe tăng Arjun mới nhất do Ấn Độ sản xuất có trọng lượng lên đến 68,5 tấn, điều này làm cho Lục quân Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong quá trình cơ động vào vị trí chiến đấu.

Hiện nay, các nước láng giềng Ấn Độ đã triển khai xe tăng hạng nhẹ 33 tấn, rất cơ động nhưng giáp bảo vệ tương đối mỏng manh.

Các yêu cầu về tính năng kỹ chiến thuật mẫu xe tăng hạng nhẹ mới mà Lục quân Ấn Độ vừa công bố gồm: Tổng trọng lượng chiến đấu của xe tăng không được vượt quá 25 tấn và kích thước của nó không được cản trở việc vận chuyển bằng đường thủy, đường hàng không hoặc đường bộ.

Các xe tăng hạng nhẹ mới có thể chiến đấu trong các điều kiện và địa hình khác nhau, bao gồm cả các khu vực cao nguyên lạnh giá hay sa mạc, đồng thời chúng có thể tấn công các mục tiêu như xe tăng, xe bọc thép, máy bay không người lái.

Xe tăng hạng nhẹ mới của Ấn Độ cũng sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí đối đất và đối không, bao gồm đạn dược thông minh đa năng tiên tiến và tên lửa chống tăng phóng từ tháp pháo.

Xe tăng mới còn phải được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, có khả năng tác chiến ban đêm. Ngoài ra, xe tăng còn có một số tính năng tiên tiến khác như khả năng chống UAV và một số công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Quân đội Ấn Độ cũng yêu cầu các nhà thầu đưa ra chi phí ước tính của xe tăng hạng nhẹ mới, cũng như kế hoạch chuyển giao công nghệ và tiến độ giao hàng.

Nói về nhu cầu về xe tăng hạng nhẹ, cựu tướng lĩnh lực lượng thiết giáp của Lục quân Ấn Độ, Tướng Billund Danoya cho biết, những chiếc xe tăng này sẽ chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ trên núi, chủ yếu là chống lại Trung Quốc. Ngoài ra, chúng còn được triển khai ở hai phía Bắc và Nam của dãy Pir Panjal (nằm ở Kashmir).

Vị tướng trên khẳng định, xe tăng hạng nhẹ không thể chở quân nên sẽ phải kết hợp với xe chiến đấu bộ binh và các đơn vị hỗ trợ chiến đấu khác (đặc biệt là các đơn vị phòng không).

Được biết, tháng 7/2020, Ấn Độ đã công khai khẳng định sẽ không mua xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1 của Nga, mặc dù trước đó đã tỏ ý quan tâm tới loại xe tăng này. Lục quân Ấn Độ cho rằng, phương tiện tác chiến này không phù hợp để triển khai trên khu vực cao nguyên có tranh chấp với Trung Quốc.

Ngay sau đó, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ công bố kế hoạch chế tạo chiếc xe tăng hạng nhẹ của riêng mình để sử dụng tại điểm nóng sau khi đánh giá việc nhập khẩu là thiếu tính khả thi.

DRDO dự kiến sẽ cho ra mắt hai biến thể của một chiếc xe tăng hạng nhẹ trong 18 tháng, mốc thời gian trên được đánh giá là "thần tốc", vì vậy cần phải tận dụng nền tảng có sẵn.

Phương án đầu tiên liên quan đến việc tạo ra một cỗ máy nặng 34 - 35 tấn bằng cách lắp tháp pháo Cockerill 105 mm trên thân xe của hệ thống pháo tự hành K9 Vajra với động cơ MTU 1000 mã lực, được tối ưu hóa cho hoạt động ở độ cao lớn.

Biến thể thứ hai nặng 38 tấn, giữ lại khung thân K9 Vajra và động cơ MTU, nhưng mượn tháp pháo của xe tăng T-90S Bhishma hiện đã được quân đội Ấn Độ sử dụng.

K9 Vajra đang được lắp ráp cho quân đội Ấn Độ tại các cơ sở địa phương theo giấy phép của Hàn Quốc, nó sẽ phải được mở rộng nếu khung gầm này trở thành nền tảng cho một chiếc xe tăng hạng nhẹ của Ấn Độ.

"DRDO tự tin cho rằng bất kỳ phiên bản xe tăng hạng nhẹ nào trong số này sẽ là lựa chọn tốt hơn so với Sprut-SDM1 của Nga đang được Bộ Quốc phòng xem xét", báo chí Ấn Độ cho biết.

Tuy nhiên, kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh khi đó Ấn Độ hoàn toàn tự tin vào khả năng ngăn chặn đại dịch Covid-19 và tập trung hồi phục kinh tế của mình.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có ở Ấn Độ, kế hoạch trên có được tiến hành hay không vẫn còn là một ẩn số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại