Địa vị lung lay
Khi gia nhập Huawei, các nhân viên mới sẽ nhận được một vài cuốn sách về những thành tựu của công ty viễn thông Trung Quốc này. Một trong những thành tựu đó là Huawei đang phát triển thịnh vượng ở châu Âu như thế nào.
Một chương của một trong những cuốn sách mô tả các nhân viên của Huawei làm việc chăm chỉ để giành được quyền cung cấp dịch vụ viễn thông cho các đối tác châu Âu và bán cho họ các thiết bị chủ lực của mạng di động không dây.
Tuy nhiên, theo The New York Times (NYT-Mỹ), cuốn sách lại không nói rõ công ty này đã vận động hành lang, cam kết việc làm và đầu tư như thế nào trong 15 năm qua để làm hài lòng chính phủ châu Âu.
Ví dụ, ở Anh, Huawei đã thành lập một hội đồng quản trị đặc biệt do John Browne, cựu Giám đốc điều hành của công ty dầu khí hàng đầu nước Anh BP làm đại diện. Công ty con này đã quyên góp tiền cho các trường học bao gồm Đại học Cambridge, tổ chức tiệc cho các chính trị gia và tài trợ cho các tổ chức từ thiện như Prince's Trust, được thành lập bởi Hoàng tử Charles.
Tại Đức, Huawei đã thành lập các tổ chức để nghiên cứu các ngành công nghiệp và tài trợ sáng tạo mới, bao gồm hội nghị gần đây của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền.
Chính phủ châu Âu luôn hoan nghênh các động thái này, NYT cho biết.
Năm ngoái, sau khi Huawei tuyên bố cam kết đầu tư 3 tỷ bảng Anh (3,8 tỷ USD) trong 5 năm để mở rộng quy mô và thuê 1.500 công nhân tại địa phương, Thủ tướng Theresa May đã gặp Chủ tịch HĐQT Huawei bấy giờ là Tôn Á Phương tại Bắc Kinh. Tại một triển lãm công nghiệp cùng năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chụp ảnh tại gian hàng của công ty này.
Mặc dù được xây dựng kiên cố nhưng địa vị hiện tại của Huawei ở châu Âu có nguy cơ sụp đổ. Mỹ đã bắt đầu hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc vì lo sợ gián điệp. Hồi tháng 12/2018, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei.
Bà này bị cáo buộc phạm tội lừa đảo ngân hàng để giúp công ty kinh doanh tại Iran. Các công tố viên liên bang của Seattle cũng đang điều tra hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Huawei.
Sự kiện này đang gây ảnh hưởng ngày càng lớn trên khắp châu Âu, cho thấy, công ty này sẽ phải đối mặt với nhưng tác động tương tự ở các nơi khác trên thế giới. Châu Âu hiện là thị trường lớn nhất của Huawei bên ngoài Trung Quốc. Tháng 1/2019, một đại diện của Huawei đã bị bắt ở Ba Lan và bị buộc tội danh gián điệp.
Các quan chức ở Đức, Pháp và Cộng hòa Séc cũng đang xem xét việc hạn chế sự tham gia của Huawei vào việc xây dựng hệ thống mạng không dây thế hệ tiếp theo được gọi là 5G. Đơn vị tình báo MI6 của cơ quan tình báo Anh đã cảnh báo việc sử dụng công nghệ mạng của Trung Quốc. Các nhà khai thác châu Âu, bao gồm Deutsche Telekom, đang đánh giá lại việc sử dụng Huawei. Đại học Oxford cũng tuyên bố sẽ đình chỉ các khoản quyên góp và học bổng từ Huawei.
Gian hàng Huawei tại Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona năm ngoái. Công ty có kế hoạch công bố điện thoại mới tại hội nghị năm nay và giới thiệu những phát triển mới nhất trong công nghệ 5G. Ảnh: Reuters
Khéo léo luồn lách
"Trước khi những rủi ro an ninh xuất hiện, mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp ở châu Âu", Thorsten Benner, người sáng lập kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách công toàn cầu tại Berlin nói. "Những thay đổi bạn đã thấy trong ba tháng qua đang đi theo một chiều hướng: Tìm kiếm các biện pháp pháp lý để hạn chế việc sử dụng thiết bị của Trung Quốc ở châu Âu."
NYT dẫn lời Heli Tiirmaa-Klaar, một nhà ngoại giao người Estonia, người đã tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh mạng của Huawei với các quan chức châu Âu và Mỹ, nói rằng sự thay đổi thái độ của châu Âu đối với Huawei là do nghi ngờ Trung Quốc, chứ không phải vì hành vi cụ thể của công ty này.
Bà này cáo buộc Trung Quốc nổi tiếng với lịch sử tấn công của các hacker và đánh cắp bí mật thương mại.
Đương nhiên, Huawei kiên quyết phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Huawei kiên quyết phủ nhận mọi hành vi sai trái. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đã "thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và chính phủ ở châu Âu, nơi an ninh mạng luôn là ưu tiên hàng đầu.
Đối với các quốc gia châu Âu, tách khỏi Huawei sẽ không đơn giản như vậy. Thiết bị của Huawei là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng không dây của châu Âu và công ty này đã chi hàng trăm triệu USD cho quá trình nghiên cứu 5G và mở các trung tâm thử nghiệm ở Anh, Đức và Ba Lan. Huawei cho biết, các quốc gia cấm Huawei, như Mỹ, sẽ phải đối mặt với nguy cơ đình trệ trong việc xây dựng hệ thống mạng siêu tốc mới.
Huawei đặt chân vào châu Âu năm 2001 nhưng rất khó để có được chỗ đứng vững chãi ở châu lục này, NYT nhận định. Thị trường châu Âu càng trở nên quan trọng hơn sau khi công ty này bị Mỹ cơ bản ngăn chặn vào năm 2012 do những lo ngại về an ninh.
Vào năm 2004, do rất cần các khách hàng châu Âu, Huawei đã thiết kế một container với thiết bị không dây, đặt nó trước cửa chính của tòa nhà điều hành điện thoại Đức. Chiến dịch tiếp thị này được thiết kế để cho phép nhân viên của các nhà khai thác này dừng lại và xem.
"Nhiều người trong số họ đã hỏi rằng, các bạn là ai? ", Stefan Scheuerle, cựu giám đốc bán hàng châu Âu của Huawei, hiện là giám đốc kinh doanh của công ty công nghệ Đức Sensberg, nói.
Năm 2005, Huawei đã đạt được thỏa thuận đột phá để cung cấp thiết bị cho tập đoàn viễn thông khổng lồ BT của Anh. Để chuẩn bị cho việc đấu thầu, Huawei đã sử dụng khoảng 100 nhân viên từ Trung Quốc, họ đổ xô đi thuê nhà ở ngoại ô London.
Những nhân viên này thường làm việc đến 3 hoặc 4 giờ sáng và vì không có thẻ tín dụng vào thời điểm đó nên họ thường mang những sấp tiền mặt đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ.
Năm 2005, Huawei cũng đã ký một thỏa thuận với nhà điều hành Vodafone ở châu Âu để bán thiết bị điện tử trị giá khoảng 1 triệu USD. Mặc dù vậy, Scheuerle cho biết ông đã nhanh chóng nhận được một chỉ đạo mới: Phải bán được cho Vodafone loạt thiết bị trị giá 1 tỷ USD trong vòng ba năm. Huawei cũng nhanh chóng mở một văn phòng ở Düsseldorf, Đức, chỉ cách tòa nhà Vodafone vài bước chân.
"Ba năm sau khi tôi rời đi, chúng tôi đã đạt được 850 triệu USD - gần như đã đạt được mục tiêu", Scheuerle nói.
Huawei cũng đã đưa các nhân viên khác từ Trung Quốc sang châu Âu và thuê nhiều nhân viên không phải người Trung Quốc. Đối với những nhân viên mới chưa quen với phong cách quản lý cứng nhắc của Huawei, đó là một sự thay đổi văn hóa đột ngột.
Ông Scheuerle khi đó đã thành lập các tổ thảo luận giúp các nhân viên mới thích nghi với môi trường Huawei, yêu cầu họ xây dựng mối quan hệ lành mạnh với các đồng nghiệp Trung Quốc cũng như tìm hiểu rõ hơn về hoạt động tổng bộ ở Thâm Quyến.
Hiện nay, Huawei có 120.000 nhân viên ở châu Âu khi năm 2013 chỉ có 7.300 nhân viên. Năm 2017, doanh thu ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi đã vượt 20 tỷ USD, chiếm khoảng một phần tư của tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty này.
Ngay cả khi các quan chức Mỹ cảnh báo với các đồng minh về rủi ro của Huawei, công ty này đã nhanh chóng thay đổi phần lớn những lo ngại này.
Nó đã mở một trung tâm thử nghiệm cho các quan chức Anh để kiểm tra sản phẩm, thành lập 23 tổ chức nghiên cứu tại 14 quốc gia châu Âu và cung cấp kinh phí cho hơn 150 trường đại học.
Năm 2011, Huawei đã thành lập một hội đồng quản trị để giám sát các hoạt động ở Anh. Trên thực tế, theo NYT, hội đồng này có kiến thức hạn chế về công việc nội bộ của Huawei và không có nhiều trách nhiệm ngoại trừ các cuộc họp hàng quý và tham gia vào các cuộc họp mặt mùa hè và mùa đông hàng năm.
Ngày nay, với những chỉ trích ngày càng gia tăng, Huawei tiếp tục gặp gỡ khách hàng và các quan chức chính phủ để "hóa giải" nỗi lo của tất cả các bên. Điều này cho phép các quan chức Đức có thể kiểm tra kỹ thuật và mật mã của họ.
Tại Đại hội thế giới di động ở Barcelona (MWC Barcelona) vào cuối tháng này, Huawei có kế hoạch công bố điện thoại di động mới và giới thiệu những phát triển mới nhất trong hệ thống 5G. Công ty này nói rằng một chiến dịch quảng cáo mới cũng đang được chuẩn bị.