Ngày 24-12, ông Trần Châu Phương Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết theo Nghị định 42 của Chính phủ thì cá tra dầu được xếp vào thuộc nhóm 1 của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nên ngư dân không được khai thác với bất cứ hình thức nào.
Những cá nhân, tổ chức chỉ được phép khai thác để phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu hoặc hợp tác quốc tế nhưng phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện.
Cá tra dầu khủng do ông Salyman bắt được ở khu vực đầu nguồn sông Hậu thuộc sông Bassac của Campuchia. Ảnh: P.N
"Nghị định 42 của Chính phủ cũng chỉ nói chung chung là những người có hành vi khai thác trái phép loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm 1 nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì phải chịu xử phạt hành chính chứ không nói rõ là ở mức nào.
Cụ thể như tại điểm đ, khoản 3, điều 8 của nghị định này thì những cá nhân có hành vi khai thác trái phép cá có trọng lượng từ 100 kg trở lên thì sẽ chịu mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng"- ông Tuấn khẳng định.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 16 giờ ngày 21-12, ông Salyman (dân tộc Chăm; ngụ ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đến khu vực đầu nguồn sông Hậu thuộc khu vực giáp ranh giữa thị trấn Long Bình (huyện An Phú) với sông Bassac của Campuchia để đánh bắt cá như thông lệ.
Lúc này, ngư dân phát hiện có con cá rất to ngoi đầu lên khỏi mặt nước vài lần nhưng chưa xác định là loại cá gì nên dùng lưới tổ chức vây bắt.
Ngay sau khi bắt được và xác định đây là cá tra dầu quý hiếm, ông Salyman chở về địa phương vào khoảng 22 giờ cùng ngày rồi gọi điện thoại cho thương lái hoặc nhà hàng đến để cân bán được hơn 230 kg, với giá 200.000 đồng/kg.