Câu chuyện về chàng sinh viên dự bữa tiệc gồm những món "ghét cay ghét đắng" với ông chủ người nước ngoài
Phan Tường Duy sinh năm 1999, quê Đồng Tháp là cựu học sinh chuyên Toán xuất sắc của trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tường Duy trở thành tân sinh viên khối Kỹ thuật, nhưng lại có khả năng viết và nói rất tốt nhờ vốn kiến thức phong phú được đúc kết từ niềm đam mê đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách Văn học và Lịch sử.
Chưa kể, Tường Duy còn nói, viết tiếng Anh thành thạo dù không theo học tại bất cứ trung tâm ngoại ngữ nào, tất cả có được nhờ sự kiên trì tự học, trau dồi vốn ngoại ngữ.
Gần đây, chàng trai trẻ còn giành giải Nhất cuộc thi tuyển chọn Quản trị viên tập sự cho một tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 10 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Trước kỳ tuyển chọn vô cùng gắt gao, làm khó số đông các bạn trẻ, Tường Duy lại xuất sắc giành một vị trí cho mình nhờ vào bài hùng biện cực kỳ sâu sắc về sự thích nghi.
Trước tiên, nam sinh Đồng Tháp kể câu chuyện về bữa tiệc mà anh có cơ hội tham dự cùng một vị sếp lớn người nước ngoài:
"Hè rồi mình đi thực tập, có sếp lớn người nước ngoài qua, ông có tài sản tới mấy chục triệu đô. Rồi mình và anh em công ty phân công đưa ông lên nông trại ở Đà Lạt để làm việc. Làm việc xong thì sếp dẫn đi ăn.
Cuốc bộ từ sáng bụng đói meo, khi nghe ăn uống là mệt mỏi tan biến. Trước mình cũng có lên Đà Lạt nhưng chỉ toàn đi chợ đêm ăn bánh tráng nướng. Sinh viên mà, tiền đâu ăn nhà hàng sang trọng, thầm nghĩ phen này được hôm ăn no căng bụng. Mà đời không như mơ…
Nhà hàng sang trọng (tận 6 sao), menu toàn đồ Âu-Mỹ hấp dẫn là thế mà Sếp kêu toàn mấy món có rau, củ, quả, còn nói "nhà hàng này nổi tiếng nhất là mấy món như vậy, tụi mày ăn đi, ăn nhiều vào để hấp thụ tinh hoa của đất trời cao nguyên…" Khóc!
Sếp nhẹ nhàng múc cho anh em mình mỗi đứa một bát đầy cà rốt - đúng ngay thứ mình ghét cay ghét đắng.
Thấy mình ăn mà nghẹn ngào cảm xúc quá, sếp mới hỏi. Mình thật luôn với sếp là trước nay em chỉ ham mê thịt thà như phàm phu tục tử, chứ ăn rau ăn cỏ như này em không thích!
Mọi thứ xung quanh như lặng đi, anh em đi cùng tái mặt cả. Sếp hớp một ngụm nước lọc, ôn tồn nói: "Vì cậu theo tôi chưa lâu, chưa quen với phong cách sống và tư tưởng nên lần này tôi không chửi.
Nhưng từ hồi lăn lộn lập nghiệp tới giờ, tôi ghét nhất tụi mở miệng ra là không thích cái này, không ưa cái nọ. Kiểu người như vậy sống ở đời đã là khó chứ chưa nói đến chuyện hợp tác làm ăn!".
Bữa ăn cùng vị sếp lớn giúp chàng trai trẻ ngộ ra nhiều điều về sự thích nghi (Ảnh minh họa)
Cảm thấy vô cùng bất ngờ vì sở thích ăn uống lại bị đánh giá gây ảnh hưởng đến công việc – điều mà trước nay chưa từng được thầy cô, trường lớp nào dạy, chàng sinh viên ôm một đống câu hỏi lớn trong đầu.
Cuối cùng, Tường Duy cho hay, anh chàng được vị sếp nước ngoài dạy cho một bài học "suốt đời mình không thể nào quên – bài học về sự thích nghi".
Khả năng thích nghi – ai hiểu và làm được, ắt sẽ có thành tựu!
Theo Tường Duy, bài học về sự thích nghi mà sếp chia sẻ khiến anh chàng cảm thấy vô cùng hổ thẹn: Sếp thấy vậy mới hỏi: "Bây giờ thì sở thích lớn nhất của cậu là gì?". Mình dõng dạc trả lời: "Dạ em không còn thích gì nữa, em chỉ thích… Nghi".
Sếp hài lòng, cho mình theo hai anh chị trưởng phòng đi công tác một chuyến sang trụ sở tập đoàn ở Mỹ để thực tập vào hè năm sau." – Tường Duy cho hay.
Tường Duy đã tham gia nhiều cuộc thi dành cho sinh viên từ năm đầu Đại học. Vừa học, vừa làm nên chàng trai trẻ tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm phong phú, chưa kể còn tự kiếm tiền trang trải học phí.
Theo đó, từ thời nguyên thủy, khả năng thích nghi chính là điều kiện quyết định đến sự tồn vong của một giống loài.
Vũ trụ xoay vần, có bao nhiêu nòi giống sinh ra, phát triển rồi tuyệt chủng. Dù cho giống loài đó từng đứng trên đỉnh của chuỗi thức ăn, là bá chủ của địa cầu nhưng nếu không thể thích ứng với tự nhiên thì vẫn đi vào cảnh diệt vong.
Tường Duy chia sẻ thêm trong bài hùng biện về sự thích nghi – giúp anh chàng được chọn là ứng cử viên số một cho vị trí Quản trị viên trong tập đoàn đa quốc gia, dù tuổi đời chỉ mới 20:
"Lịch sử loài người cũng cho thấy, dân tộc nào có khả năng thích nghi cao thì phát triển hùng mạnh. Không phải tự nhiên mà quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn là những dũng sỹ kiêu hùng trên lưng ngựa.
Sự hung mãnh của họ là kết quả của bao thập kỷ vật lộn để sinh tồn với tự nhiên, sống đời du mục và chiến tranh triền miên giữa các bộ lạc.
Tục xưa kể lại, khi một bé trai Mông Cổ được sinh ra sẽ được bà mụ sẽ thả trong chậu nước to, đứa nào vùng vẫy được thì sẽ được nuôi lớn, còn nếu đoản mệnh thì đành chấp nhận. Không ai có quyền chống đối phong tục này,
Bất cứ người đàn ông Mông Cổ nào, từ khi còn là một đứa trẻ, cũng phải trải qua nhiều thách thức kinh hoàng nhằm chọn ra những đấng nam nhi mạnh mẽ nhất, kiên cường nhất, có thể sống với mọi điều kiện, với mọi kiểu khí hậu, địa hình.
Ngay cả đế quốc La Mã thần thánh cũng phải hát bài kinh cầu nguyện: "Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tatar" (hay còn gọi là Thát Đát-ý chỉ quân Mông Cổ). Cuối cùng, những kẻ tự xưng là sói của thảo nguyên đã dùng võ lập quốc, dựng lên một vương triều vĩ đại với tổng diện tích lãnh thổ lên đến 24 triệu ki lô mét vuông.
Khả năng thích nghi chính là vũ khí tối thượng của kẻ mạnh, thời nào cũng thế. Đứng trước gió bấc phương Bắc thì cười khẩy, không được nổi dù chỉ một cục da gà. Ngồi dưới nắng gắt trời Nam phải cười nói khoái hoạt, phe phẩy quạt mo như Chu Du ngồi tính kế cho Đông Ngô.
Phong thái hào hoa, mặc xác bốn mùa thì mới đủ sức tiêu dao giang hồ, ngang dọc bốn phương.
Trong đại dương không có loài cá lớn nào mà sức thích nghi kém, suốt quãng đời của mình, chúng nó thực hiện những cuộc di cư vĩ đại dài hàng nghìn cây số, xuyên qua những dòng biển nóng lạnh của những đại dương khác nhau trong nhiều ngày liền không mệt mỏi.
Dưới lòng biển thăm thẳm, nơi có áp lực nước khủng khiến có thể ép bẹp chiếc Fortuner trong một nốt nhạc cũng tồn tại hàng tá loài cá sinh sống. Có con vảy cứng như thép, có con mỏng dẹt như giấy."
Tạo hóa nhiệm màu, thích nghi là chìa khóa để tồn tại
Thế nhưng, thực tế đáng buồn hiện nay là giới trẻ dường như đang để cái tôi ngày càng "phình to" – ngược lại, khả năng thích nghi nhỏ dần. Họ chọn lối sống hưởng thụ, ỷ lại vào gia đình, bố mẹ.
Tường Duy thuật lại lời của vị sếp người nước ngoài:
"Hùm beo có nanh vuốt để săn mồi, người có khả năng thích nghi để tồn tại. Nhưng nanh vuốt không được mài giũa thì sẽ cùn. Khả năng bất kỳ, nếu không được đem ra "xài" sẽ mất.
Trải qua thời gian tiến hoá, cái khả năng thích nghi ngày càng teo lại, cái tôi ngày càng phình ra to. Mà lớp trẻ Việt Nam là điển hình cho vụ này.
Ai cũng đặt cá nhân mình lên trên đầu, lòng vị kỷ cao ngất. Hưởng thụ quen rồi, sung sướng quen rồi nên không chịu được những cái bất tiện nhất thời. Cơm nước ba mẹ dâng lên, chỉ việc ngồi vào bàn mà ăn, chỉ mỗi học bài mà cũng có giỏi gì với thế giới đâu.
Đã vậy còn kén này kiêng nọ, chê lên chê xuống. Quanh năm suốt tháng chẳng cần phải đụng một móng vào việc nhà vì đã có ba mẹ dấu yêu nai lưng làm hết.
Chính sự bảo bọc của phụ huynh đã làm thui chột con cái mình, gián tiếp biến tụi nhỏ thành những đứa bất tài vô dụng. Ở điều hòa riết không chịu nổi tiết trời hanh khô, đạp ra nắng là đứng xíu là xỉu. Mưa gió chút chút là cảm mạo sổ mũi, thì hào kiệt anh hùng nỗi gì?
Trong khi đó tôi đi công tác bên Hàn Quốc, trời lạnh âm mấy độ mà dưới đường là cả tá sinh viên Đại học mặc áo ba lỗ chạy bộ ầm ầm, miệng thở ra khói, mặt mũi ngời ngời khí chất nam tử hán.
Sinh viên ở mấy nước phát triển ai ai cũng vậy, không bao giờ sợ lạnh sợ nóng, cứ thể dục thể thao, cơ thể tráng kiện, khoẻ mạnh cực kỳ. Người ta làm được thì mình làm được.
Đi đâu cũng thấy thú vị, đến đâu tôi cũng vui vẻ tận hưởng. Tới Bắc Cực phải chào nhau bằng cách cọ mũi như người Eskimo thì tôi tươi cười cọ mũi. Tới Kenya thì người ta nhổ nước bọt vào tay rồi mới bắt tay chào hỏi…
Trong từ điển của tôi không có gớm có ghê cái gì cả. Những nghi thức đó trong mắt các bạn là kém vệ sinh, mất lịch sự nhưng đối với dân bản địa lại hàm chứa cả văn hóa và giá trị tinh thần sâu sắc. Người tinh hoa là người hiểu và chấp nhận những điều như vậy…
Thương nhân quốc tế, bay Đông bay Tây thương thuyết làm ăn, quy tắc đầu tiên là: nhập gia tùy tục! Cậu yên tâm là giới làm ăn thật sự chuẩn quốc tế, họ không ăn mấy món hại sức khoẻ như tiết canh này nọ, cũng không có ăn động vật hoang dã quý hiếm hay thú cưng đâu.
Thực phẩm phổ biến của họ, mùi vị thế nào cũng là thực phẩm, mình đều phải ăn được. Tôi qua Thái làm ăn, người Thái mời ăn châu chấu, bò cạp chiên là tôi cười tít mắt nói Mai pen rai (rất sẵn lòng). Qua Trung Quốc cũng vậy. Đối tác uống nữ nhi ăn tàu hũ thối là tôi gắp lấy gắp để.
Lên Tây Bắc, người ta mời chén rượu ngô, tôi mời lại một chén, mèn mén thắng cố gì cũng vừa miệng tôi. Cứ vậy là người ta thích! Thích thì mới đặt bút hạ tay ký hợp đồng được…"
Bài học về sự thích nghi với dẫn chứng phong phú từ kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội… của Tường Duy nhận được hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ.
Bài viết của Tường Duy thực sự cần thiết và hữu ích với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Quả thực, cứ thích nghi và hòa nhập, từ đó tâm hồn ta sẽ trở nên rộng lớn, bao dung hơn và thu nhận mọi khác biệt của bốn phương.
Đó gọi là đức tính quảng đại, cũng chính là sự thăng hoa của thích nghi. Người quảng đại rồi sẽ trở thành phần tử tinh hoa, thích nghi, dung hợp tất cả, dù ở đâu cũng sinh sống, làm giàu và thành công được!