Man City “giết chết” tính cạnh tranh của Premier League
Lâu lắm rồi lịch sử Premier League mới lại có một mùa giải mà người ta cảm thấy là nó thiếu tính cạnh tranh đến thế. Thời M.U của Sir Alex Ferguson làm mưa làm gió ở giải Ngoại hạng, họ luôn có một đối thủ lớn là Arsenal.
Thời Chelsea của Mourinho lên ngôi, họ cũng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của chính M.U. Hai lần Man City của Roberto Mancini và Manuel Pellegrini vô địch giải Ngoại hạng, họ đều phải chiến đấu cật lực tới phút chót cũng với M.U.
Nhưng mùa này, Man City không có đối thủ. Premier League mới qua nửa chặng đường nhưng City của Pep Guardiola đã phô trương sức mạnh cho thấy họ thực sự “vô đối”. Họ “giải quyết” gọn gàng toàn bộ top 6 mùa trước. Họ khuất phục những đội bóng chơi tử thủ, phòng ngự đổ bê tông.
Dù đối phương đá kiểu gì, với chiến thuật nào thì Man City cũng tìm ra cách hóa giải. Guardiola không có trong tay một ngôi sao kiệt xuất nào tầm cỡ Messi nhưng ông vẫn tạo nên một cỗ máy chiến tranh có sức tàn phá đáng sợ bậc nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng nhờ tài điều phối bóng và tổ chức của De Bruyne cùng sự hợp sức của cả dàn sao có tài năng đồng đều.
Về lối chơi tấn công, Man City có nhiều nhân tố tạo đột biến và đồng đều hơn Barca nhưng Barca lại có một siêu sao vượt trên tất cả những ngôi sao mà Pep Guardiola đang sở hữu. Đó là Messi. Lối chơi tấn công của Man City chịu ảnh hưởng của De Bruyne còn lối chơi tấn công của Barca phụ thuộc vào Messi.
Ảnh hưởng của De Bruyne ở Man City nhỏ hơn ảnh hưởng của Messi ở Barca. Đối thủ của Man City có thể ngăn cản De Bruyne nhưng họ khó ngăn chặn cùng lúc quá nhiều mũi tấn công của Pep. Đối thủ của Barca gần như không thể ngăn cản Messi dù Barca không có được dàn tấn công đa dạng như Man City. Thế nên, cả Barca lẫn Man City đều khó bị đánh bại với những quân bài họ sở hữu.
Tất nhiên, để tăng thêm tính thuyết phục và để được lịch sử thừa nhận thì Man City phải vô địch Premier League mùa này. Và muốn nâng tầm thương hiệu trên bình diện Châu Âu thì họ phải chinh phục Champions League hoặc ít nhất cũng vào đến chung kết. N
hưng với những gì mà City đã thể hiện, với cách biệt họ tạo ra với những đối thủ theo sát nhất, với tương quan lực lượng chênh lệch giữa họ với phần còn lại của giải Ngoại hạng, không ai nghi ngờ chiến thắng cuối cùng của City ở Premier League mùa này.
Mặt trận Châu Âu dĩ nhiên khó khăn hơn khi họ phải đối mặt với những đối thủ đa dạng hơn. Nhưng City vẫn có lí do để tự tin vào những kết quả tích cực ở phía trước. Chinh phục đỉnh cao Champions League là thách thức lớn nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Còn trước mắt hãy cứ tin đi. Cúp vô địch Premier League mùa này là của City. Đội bóng đồng đều nhất, có chiều sâu lực lượng tốt nhất, tấn công đa dạng và biến ảo nhất.
Barca tái chinh phục Liga
Với Ernesto Valverde, Barca đang chi phối Liga bằng thứ bóng đá chặt chẽ, chắc chắn và đầy hiệu quả. Sự chuyển đổi chiến thuật từ 4-3-3 sang 4-4-2 giúp Barca chơi cân bằng hơn giữa công và thủ. Đấy là sự điều chỉnh hợp lí của Valverde khi Barca giờ không còn Neymar còn Luis Suarez chưa tìm lại phong độ cao nhất. Tân binh trị giá 145 triệu euro Dembele nghỉ dài ngày vì chấn thương.
Một mình Messi không thể gánh vác tất cả hàng công, không thể trận nào cũng chơi xuất thần để bù đắp cho những sai lầm, sơ hở của hàng phòng ngự. Thế nên, để duy trì hiệu quả thi đấu, Barca phải phòng ngự nhiều hơn, đá thực dụng hơn và muốn phòng ngự nhiều hơn thì họ cần bố trí đội hình cân bằng hơn giữa các tuyến. Đấy là lí do cho thấy sự chuyển dịch từ 4-3-3 sang 4-4-2 là đúng đắn.
Với Valverde, Barca bây giờ trở nên cân bằng hơn, khó bị thủng lưới hơn. Nếu trước đây, Barca phòng ngự bằng cách cầm bóng thật nhiều khiến đối thủ của họ không có bóng để phản công thì bây giờ Barca vẫn cầm bóng nhiều nhưng họ phòng ngự nhiều hơn, toan tính hơn.
Với Valverde, người ta đã thấy cầu thủ Barca tổ chức phòng ngự tốt hơn và thực dụng hơn. Bây giờ họ sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật, chú trọng vây ráp, áp sát đối thủ nhanh khi không có bóng. Họ không chỉ pressing cao mà ngay ở trung tuyến họ cũng áp sát quyết liệt nếu cần thiết.
Barca của Valverde khi cần có thể tấn công nhanh với nhịp độ cao nhưng cũng có thể kiên nhẫn chơi cò cưa, ru ngủ đối phương và chờ đợi đối thủ mắc sai lầm là lập tức trừng phạt.