Ngày 24/01, công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai đã thay đổi đăng ký kinh doanh, theo đó vốn điều lệ giảm 23,2 tỷ đồng, tương ứng từ 100 tỷ đồng xuống còn 76,8 tỷ đồng.
Động thái giảm vốn điều lệ của Bapi Hoàng Anh Gia Lai diễn ra chưa đầy 1 tháng kể từ sau khi CTCP tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bapi Hoàng Anh Gia Lai.
Tháng 5/2022, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức bắt tay với công ty TNHH TM Dược phẩm Đông Á thành lập Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL) nhằm mục đích phát triển hệ thống bán lẻ sản phẩm thịt heo ăn chuối.
Khi này, Bapi có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, tương đương 5 triệu cổ phần, với 2 cổ đông sáng lập là HAG nắm giữ 55% và Dược phẩm Đông Á nắm giữ 40% số lượng cổ phần.
Sau màn ra mắt hoành tráng vào cuối năm 2022, bất ngờ đầu năm 2023, HAG tuyên bố chuyển nhượng bớt cổ phần của Bapi. Theo đó, bầu Đức cho biết mời thêm ông Đỗ Xuân Diện tham gia nắm 35% vốn tại Bapi và khẳng định: "Chuyển nhượng cửa hàng heo ăn chuối là kêu thêm đối tác chứ không phải lỗ".
Trước đó, vào ngày 16/01/2023, Bapi HAGL đã đăng ký thay đổi kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu. Trong số đó, HAGL mua thêm 650.000 cổ phiếu, nâng tổng số sở hữu lên 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 34% vốn tại Bapi HAGL. Từ đây, Bapi HAGL chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của HAG.
Bầu Đức cũng chia sẻ ông không bán đứt Bapi như dư luận xôn xao mà muốn phát triển mạnh Bapi nhưng làm không xuể vì vậy gọi thêm vốn để phát triển.
"Còn Bapi HAGL, tôi cũng nhấn mạnh Bapi ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. Mà mình tôi thì không thể ôm xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt. Nên tôi mời anh Diện (Đỗ Xuân Diện - PV) vào với 35% vốn", ông Đức giải thích với nhà đầu tư.
Hiện tại, ông Đỗ Xuân Diện là Chủ tịch HĐQT và ông Đinh Văn Lộc là Giám đốc của Bapi HAGL. Cả 2 vị này đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.
So với những kế hoạch trước đó từng được chia sẻ về Bapi HAGL, khá nhiều dự định hiện đã trở nên xa xôi. Sau hơn 1 năm thành lập, chuỗi Bapi từ mở cấp tập gần 200 cửa hàng nhưng do không đủ năng lực cạnh tranh đã phải giảm số lượng cửa hàng xuống còn 52 cửa hàng, siêu thị (số liệu công bố tại cuộc họp Nhà đầu tư HAGL hồi tháng 8/2023).
Cho tới nay, danh mục các sản phẩm phân phối của Bapi cũng không phát triển thêm các mặt hàng mới. Các sản phẩm tươi được bán online trên Bapi Food chỉ bao gồm thịt lợn Bapi và thịt bò Lamon. Trong đó, thịt lợn đang được niêm yết giá bán tại ngày 26/02 ở mức 55.200 đ/300 gram thịt ba rọi, 32.400 đ/300 gram thịt xay, 35.700 đ/300 gram thịt vai,...
Ngoài ra, còn có thực phẩm chế biến là xúc xích Bapi xông khói, Xúc xích Arabiki, Zinger, Đức, giò thủ, chả lụa truyền thống. Những mục như gia vị, trái cây và thịt gà đều bỏ trống, không có mặt hàng được niêm yết.
App Bapi Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang "Chúc mừng năm mới 2023"
Tháng 11 năm 2022, tại sự kiện ra mắt app Bapi Food, ông Đinh Văn Lộc từng chia sẻ với truyền thông: "Để mở một cửa hàng Bapi Food thường phải mất vài tuần, từ tìm kiếm mặt bằng, thiết kế, tuyển nhân viên, lắp đặt phần mềm,… với chi phi đầu tư ban đầu 600 - 700 triệu đồng. Chi phí này rất lớn khi HAGL muốn mở cả ngàn điểm bán".
CEO Bapi Food cũng cho biết: Kênh online có thể giải quyết được vấn đề này khi không cần phải đầu tư cửa hàng Bapi Food mà chỉ cần các kho hàng và điểm bán Bapi tại các cửa hàng, siêu thị (shop in shop) để phủ thị trường, rút ngắn thời gian giao hàng. Hệ thống của chúng tôi đầu tư để có thể xử lý 10.000 đơn/ngày trong năm nay (2022-PV) và tăng lên 100.000 đơn hàng năm 2023".
Từng được kỳ vọng trở thành cánh tay nối dài của chuỗi Bapi Food vậy nhưng hiện tại cả website và app Bapi Food dường như đang bị "bỏ bê" đến mức giao diện hiển thị trên trang chủ vẫn là dòng chữ: "Chúc mừng năm mới 2023" mặc dù đã bước sang năm 2024 được gần 2 tháng.