Bảo vệ biên giới - Việt Nam anh hùng: Chiến tranh ở hai đầu đất nước

Nguyễn Vũ Điền |

Vậy là thật rồi. Lũ bành trướng này lật mặt rồi. Ác thật. Nó nhằm lúc quân mình đang quần nhau với lũ Pol Pot bên này thì ở nhà nó mới đánh.

Những ngày im lặng đáng sợ ở chiến trường K

Dễ đến hàng tuần, tiểu đoàn nằm đợi lệnh chiến đấu trong khu rừng ven lộ. Trời nắng chang chang không có một gợn mây.

Chẳng biết làm gì cho hết ngày, lính tráng nghĩ ra đủ cách tiêu khiển. Mấy thằng chúng tôi kéo nhau đi dọc sông, tìm những chỗ nước sâu, quăng lựu đạn xuống kiếm cá. Cá nhiều lắm, chỉ cần một quả lựu đạn thôi thì cả tiểu đoàn ăn mấy ngày không hết.

Cá bắt về, kiếm thêm mấy quả xoài xanh, đun nước ném vào là được một nồi canh chua vô cùng hấp dẫn.

Bảo vệ biên giới - Việt Nam anh hùng: Chiến tranh ở hai đầu đất nước - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Vũ Điền - Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.

Lại nữa. Mấy thằng bộ binh kéo nhau vào phum, mang theo mấy thứ lặt vặt, thuốc quynin xin của quân y…đổi lấy chó, lấy gà của dân về làm thịt.

Chiều chiều, khói bốc nghi ngút bên các bếp đại đội. Tiếng gọi nhau í ới vui đáo để.

Tối 17/2/1979. Sau bữa cơm, chúng tôi đốt một đống lửa ngay cạnh mấy chiếc võng. Ba cành cây được đấu chụm lại giống như cái gọng của chiếc gầu sòng. Một chiếc bình tông Mỹ treo lủng lẳng trên đó để đun nước.

Bên đống lửa là một ấm trà pha bằng chiếc bi đông úp ngược trong chiếc ca inox… Cả bọn uống trà, thứ trà Cô Ba mà mấy ông lái xe mua ở Sài Gòn mang sang, uống nhạt hoét, hút thuốc rê và tán dóc.

Lão Tiến xòe ngồi trên võng bập bùng chiếc đàn ghi ta 3 dây. Thằng Nam atixo cầm hai chiếc thìa úp ngược vào nhau đập đập theo nhịp.

Thằng Hải lé lấy chiếc bát úp xuống đất, đặt cạnh đó là chiếc bình tông rỗng. Nó cầm hai tay hai chiếc đũa gõ vào cái bát và bình tông theo nhịp đàn, rồi cả bọn cùng cất lên những lời ca bolero lả lướt trên nền nhạc bập bùng.

Ngày còn ngoài Bắc, tôi cực ghét nhạc vàng. Có cái gì đó lả lướt, ủy mị mà tôi không thể quen được. Tôi chỉ biết hát những bài ca cách mạng, những bài nhạc đỏ với khí thế hừng hực, mang khí phách hào hùng của những năm kháng chiến, chứ không thích nghe những bài hát nhạc vàng thê thảm thế này.

Bảo vệ biên giới - Việt Nam anh hùng: Chiến tranh ở hai đầu đất nước - Ảnh 2.

Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia.

Chiến tranh ở 2 đầu đất nước

Đang thả hồn vào những bài hát như thế, đang nhớ nhà kinh khủng thì bọn tôi giật mình bởi một tiếng quát lớn của anh Độ:

- Dẹp ngay đi, chúng mày. Trung Quốc nó đang đánh ở nhà mà chúng mày cứ ngồi đó mà rên rỉ.

Cả bọn lặng người. Nó đánh rồi à, nó đánh ở đâu, đánh như thế nào, mình có thiệt hại gì không, mình có đánh lại được không...? Cả bọn bỏ đàn, bỏ bát chạy ngược về phía chiếc võng của anh Lưu để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe bản tin thời sự và xã luận lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.

Vậy là thật rồi. Lũ bành trướng này lật mặt rồi. Ác thật. Nó nhằm lúc quân mình đang quần nhau với lũ Pol Pot bên này thì ở nhà nó mới đánh.

- Quân mặt người dạ thú.

Ai đó thốt lên.

Tất cả đều lo lắng. Cảm giác lúc ấy giống như cảm giác khi đang xa nhà mà nghe tin ở nhà có họa, nó bồn chồn, khắc khoải đến ghê sợ....

Ai cũng chỉ mong được về ngay để chiến đấu với quân thù hoặc chí ít là để được chia sẻ, động viên cha mẹ, anh em về những nỗi đau mà mọi người đang phải chịu đựng, mặc dù chính mình cũng đang ở giữa một cuộc chiến rất khốc liệt cách xa nhà cả vạn dặm thế này.

Những ngày sau đó, chúng tôi lại hành quân và mỗi sáng lại nổ súng dọc đường hành tiến. Mỗi tối lại căng võng, mở đài nghe tình hình chiến sự ở biên giới phía Bắc, bàn luận về diễn biến tiếp theo.

Nhưng ngay sau ngày đó, lão Tiến xòe vứt chiếc đàn ghi ta 3 dây trong rừng không vác theo nữa. Bọn tôi cũng không hát mà thay vào đó là những buổi tối ngóng tin từ đất nước truyền sang.

Khoảng ngày thứ 7, thứ 8 gì đó sau hôm Trung Quốc đánh sang biên giới phía Bắc, Tiểu đoàn có lệnh cử một số anh em ra Trung đoàn để lên đường ra bắc.

Chúng tôi hiểu rằng, việc điều động này là hết sức cần thiết, bởi trong khi hầu hết các đơn vị chủ lực của Quân đội ta đang tác chiến tại chiến trường Campuchia thì ở nhà chỉ có lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của các tỉnh, các quân khu dọc biên giới đánh lại quân Trung Quốc.

Bảo vệ biên giới - Việt Nam anh hùng: Chiến tranh ở hai đầu đất nước - Ảnh 4.

Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới.

Với lực lượng phòng thủ quá mỏng như vậy thì quân bành trướng Trung Quốc gây cho ta nhiều khó dễ cũng là điều dễ hiểu.

Việc thành lập ngay những sư đoàn chủ lực mới mà nòng cốt là các cán bộ, chiến sỹ từ các sư đoàn mà chỉ nghe thôi, kẻ địch đã khiếp sợ, như Sư đoàn 304, Sư đoàn 308, Sư đoàn 312, Sư đoàn 320, Sư đoàn 5, Sư đoàn 10... và chuyển ngay ra Bắc sẽ giải quyết được những khó khăn về quân số và kinh nghiệm tác chiến cho mặt trận ngoài đó.

Vậy là để chia lửa cho biên giới phía bắc, dù tôi không về được, nhưng anh em, đồng đội của tôi đã về với Miền Bắc.

Những người lính đã từng chinh chiến ở chiến trường khói lửa này, đã trải qua mưa bom, bão đạn này, đã có kinh nghiệm sống chết với bọn Pol Pot này sẽ trở thành nòng cốt cho các đơn vị mới được thành lập để dạy cho bọn bành trướng những bài học nhớ đời.

Thằng Dục, thằng bạn cùng học, cùng đi lính và cùng vào tiểu đội với tôi được điều động ra đợt này. Nó gói ghém ba lô rồi bịn rịn chia tay anh em trong tiểu đội. Chẳng có gì để ghi nhận phút chia tay, chỉ là một cái ôm, một cái bắt tay xiết chặt, hẹn ngày tái ngộ.

Nó đi rồi, tôi bỗng thấy rất buồn bởi từ đó chỉ còn một mình tôi là lính xuất thân từ trường Tổng hợp ở lại nơi đây… 56 con người cùng nhập ngũ với tôi, giờ họ ở nơi nào, tôi đâu có biết.

Nhưng chỉ là thoáng qua rất nhanh thôi, rồi lòng tôi ấm lại, không còn lo lắng, không còn băn khoăn như trước nữa. Bởi trước đó, tôi chỉ lo địch vượt qua tuyến phòng ngự dọc biên giới, đánh vào Hà Nội, lo địch đánh qua Lai Châu, vào được Sơn La... thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?

Tất cả chúng tôi đều thầm cám ơn những đồng đội đã lo giúp việc nhà để chúng tôi yên tâm chiến đấu nơi đất khách. Ai cũng thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước và Quân đội đã có những quyết định rất sáng suốt để bọn bành trướng phải vội vã rút quân sau một tháng xâm lược nước ta.

Bảo vệ biên giới - Việt Nam anh hùng: Chiến tranh ở hai đầu đất nước - Ảnh 6.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại